Vụ đột kích vào Belgorod: Quân đội Nga bất tài, Điện Kremlin vụng về trấn an

Kremlin khẳng định « đè bẹp » hơn 70 « phần tử dân tộc Ukraina » trong cuộc đột kích ngoạn mục hôm 22/05/2023 vào ba làng Zamostié, Glotov và Graivoron ở vùng Belgorod, giáp với Ukraina, phá hủy 4 xe bọc thép, 5 xe bán tải và đẩy lùi số phần tử còn lại khỏi biên giới. Cuộc đột kích có quy mô chưa từng có cho thấy những yếu kém trong hệ thống phòng thủ, cũng như những lúng túng trong đáp trả và bất nhất trong cách trấn an người dân của Nga.

Đăng ngày: 25/05/2023

\"\"
\"\"
Các xe tăng của quân đội Nga bị hư hại nặng sau trận chiến ở Belgorod, vùng biên giới giữa Nga và Ukraina, ngày 23/05/2023. © AP/Russian Defense Ministry Press Service

Thu Hằng

Chính quyền Nga nhắc đến những « kẻ khủng bố »« phần tử phá hoại » hay « thành phần dân tộc Ukraina » nhưng lại « quên » nói rõ đó là những « công dân Nga » (thuộc hai tổ chức vũ trang Quân đoàn Tự do Nga và Quân đoàn Tình nguyện Nga) tấn công chính nước Nga. Đó là một cú tát cho điện Kremlin, theo chuyên gia Carole Grimaud, Viện Quan sát Địa chiến lược Geneve, được trang 20 minutes trích dẫn ngày 23/05, vì « đối với người Nga, đó là điều gì đó rất mạnh từ đầu cuộc chiến đến giờ ».

Quân đội, rồi điện Kremlin quả quyết đã « đè bẹp » nhóm vũ trang nhờ « các cuộc oanh kích, không kích và hoạt động của các đơn vị biên phòng của Quân Khu Miền Tây ». Nói một cách khác, cả một lực lượng hùng hậu được liệt kê để trấn an người dân và công luận. Nhưng nếu có lực lượng hiệu quả như vậy thì tại sao lại để lọt lưới vài chục người có vũ trang vượt qua được biên giới ? Câu hỏi này khiến giới ủng hộ chiến tranh ở Nga phẫn nộ vì tuyến phòng thủ và những bãi mìn tiêu tốn đến 10 tỉ rúp (khoảng 125 triệu euro), theo tuần báo Pháp L’Express. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov phải thừa nhận trong buổi họp báo ngày 23/05 rằng « chuyện xảy ra hôm qua (22/05) gây lo ngại rất lớn » nhưng theo ông, đó lại càng là lý do để « chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina phải được tiếp tục nhằm ngăn những vụ đột kích tương tự ».

Chiến dịch trấn an « trống đánh xuôi, kèn thổi ngược »

Theo cơ quan truyền thông lưu vong Vrestka, cuộc đột kích Belgorod đã thu hút gấp đôi số lượt tìm kiếm so với tin Nga chiếm Bakhmut. Mạng xã hội và truyền thông Nga rối bời, hoang mang vì những thông tin trái chiều, hình ảnh sai lệch bị chắp ghép từ những sự kiện trước. Chiều 22/05, trang Russia Today biện minh cho vụ đột kích Belgorod là « cái bẫy » mà quân đội Nga giăng ra để những kẻ phá hoại Ukraina tiến đến Graivoron và « trừ khử chúng ».

Lập luận được cơ quan truyền thông Nhà nước Nga đưa ra đã lập tức bị tài khoản mạng xã hội Telegram Gray Zone, thuộc công ty bán quân sự Wagner, chế nhạo : « Chúng ta đã cố tình bỏ vùng Sumy để kẻ thù có thể tiến đến biên giới với Nga. Sau đó, tình báo của chúng ta đã cố tình không thấy kẻ thù lập cả một đội xe bọc thép và tiến vào lãnh thổ của chúng ta. Ba tiếng sau, chúng ta lại cố tình không phản ứng khi kẻ thù dùng xe tăng oanh kích đồn biên phòng. Người Ukraina đã cắn câu, thế là họ tiêu đời ».

Chưa dừng ở đó, đến chiều 23/05, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Shoigu khẳng định đã đẩy lùi cuộc đột kích và tiêu diệt 70 kẻ phá hoại. Thế nhưng, một ngày sau, những « người chết » này như đội mồ sống dậy, tổ chức họp báo ở một khu vực miền đông Ukraina, giáp biên giới Nga để quảng bá « thắng lợi », bắn hạ một máy bay trực thăng Nga và tịch thu một xe bọc thép Nga làm « chiến lợi phẩm ». Nhiều người sử dụng internet Nga cũng phát hiện rằng quân phục của quân đột kích trong các đoạn video do hai tổ chức vũ trang này đăng trên mạng Telegram khác với quân phục của những kẻ khủng bố được cho là bị bắn hạ ở Belgorod trong những bức ảnh và video được nhiều tài khoản Telegram thân quân đội Nga đăng tải.

Lo sợ thường trực ở vùng biên giáp ranh Ukraina

Vụ đột kích hôm 22/05 không phải là vụ tấn công đầu tiên vào lãnh thổ Nga, nhưng là vụ lớn nhất, táo bạo nhất. Nhiều đoàn xe nối đuôi nhau rời khu vực, người dân bàng hoàng vì không còn cảm giác « chiến tranh ở đâu đó », như nhận định với RFI ngày 24/05 của một người dân Nga xin ẩn danh ở vùng Belgorod :

« Chúng tôi liên tục sống dưới áp lực thường trực, chúng tôi thường xuyên lo lắng. Các điểm kiểm tra vẫn hoạt động đều trong những tháng qua, dừng xe, kiểm tra giấy tờ, giờ thì chỉ thường xuyên hơn một chút. Ban đêm, tôi nằm đếm số vụ nổ. Chỉ cần nghe tiếng nổ, người ta biết được ngay ở khoảng cách nào và nếu thực sự rất gần thì tôi tỉnh ngay lập tức. Đó là lúc mà người ta không biết là nên bịt tai ngủ tiếp hay là nên thức để chắc là không bị lỡ điều gì hệ trọng. Lúc đầu thật là sợ, áp lực, thực sự kinh khủng. Giờ tôi có cảm giác đây như là một kiểu hiểu lầm không hồi kết mỗi ngày. Làm thế nào mà chuyện lại có thể xảy ra và đến khi nào mới kết thúc ».

Hai tổ chức vũ trang Nga tuyên bố sẽ còn nhiều vụ đột kích tương tự. Cũng có khả năng đây là chiến dịch « đánh lạc hướng » để « thu hút lực lượng dự bị Nga đến khu vực này để Ukraina dễ bề tổ chức phản công ». Tuy nhiên, chuyên gia Carole Grimaud cho rằng « cần phải có đòn bầy mạnh hơn, có sức tấn công hơn để phân tán các lực lượng Nga ở trong vùng ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment