Xung đột Nga-Ukraina : Trung Quốc thực tâm hay chỉ « vờ » làm trung gian hòa giải ?

Đăng ngày: 25/05/2023

Thời gian gần đây, Bắc Kinh bất ngờ có các hoạt động ngoại giao dồn dập trong hồ sơ Ukraina, như trao đàm giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, ngoại trưởng Tần Cương thăm Đức, Pháp và Na Uy và sự kiện gần đây nhất là chuyến công du năm nước châu Âu Ukraina, Ba Lan, Pháp, Đức và Nga của đặc sứ Lý Huy. Sự việc cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực cân bằng các mối quan hệ với Nga và châu Âu.

\"\"
\"\"
Ảnh ghép. Từ trái sang phải: Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin. AFP – GENYA SAVILOV,VLADIMIR ASTAPKOVICH,GAVRIIL GRIGOROV

Theo phân tích của nhà khoa học chính trị Bonny Lin, cộng tác viên cho tổ chức cố vấn Mỹ RAND Corporation, trên trang mạng Foreign Affairs (17/05/2023), những hoạt động ngoại giao tích cực gần đây của Bắc Kinh cho thấy có sự thay đổi đáng kể trong cách đánh giá, hay đúng hơn là một sự điều chỉnh những nhận định sai lầm của Trung Quốc về tác động toàn cầu của cuộc chiến tranh Nga-Ukraina.

Những đánh giá sai lầm

Khi Nga xâm lược Ukraina tháng 2/2022, giống như các đồng nghiệp phương Tây, nhiều chuyên gia lớn của Trung Quốc ban đầu cũng cho rằng chiến tranh sẽ không kéo dài và hệ quả địa chính trị sẽ không vượt ra ngoài khu vực châu Âu. Nhưng sau đó, một nhóm các chiến lược gia hàng đầu của Trung Quốc, trong nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau, đánh giá rằng xung đột khó thể sớm chấm dứt và Trung Quốc có thể hưởng lợi nếu cuộc chiến kéo dài.

Do vậy, Bắc Kinh nên đứng ngoài và duy trì thế trung lập, biến cuộc khủng hoảng này thành cơ hội để xây dựng lại các mối quan hệ với Nga, Hoa Kỳ và châu Âu, do tất cả các bên đều phải trả giá ngày càng cao. Trong tầm nhìn này, họ chủ trương Trung Quốc nên bí mật hỗ trợ Nga để bảo đảm nước này có thể duy trì cuộc chiến và không bị sụp đổ, nhưng không nên ngả hoàn toàn theo Matxcơva.

Ngoài ra, những chuyên gia này thúc bách Bắc Kinh nên tích cực hoạt động ngoại giao, ủng hộ các quan điểm được hầu hết các nước đưa ra, như tôn trọng chủ quyền và từ bỏ tâm lý Chiến Tranh Lạnh để định hình phản ứng quốc tế theo hướng có lợi cho mình. Trung Quốc nên đảm nhận những trách nhiệm mới, bao gồm cả việc đóng vai trò trung gian hòa giải và nhà hoạch định quy tắc cho một trật tự thế giới mới.

Dường như những đề xuất này đã được Bắc Kinh chấp nhận khi cố gắng giữ vị thế trung lập trong cuộc xung đột và được thể hiện trong tuyên bố lập trường 12 điểm về Ukraina hồi tháng 2/2023, bao gồm nhiều quan điểm cụ thể từ một số chuyên gia Trung Quốc, như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ các nước, hay từ bỏ tâm lý Chiến Tranh Lạnh.

Thay đổi nhận thức

Tuy nhiên, sự lạc quan thận trọng này của giới chiến lược gia Trung Quốc sớm va chạm với thực tế. Những nỗ lực thể hiện sự trung lập của Bắc Kinh bị hầu hết các nước phát triển xem như là hoàn toàn thân Nga, theo như ghi nhận từ chuyên gia khoa học chính trị Bonny Lin trong một trao đổi trên trang mạng Foreign Affairs :

« Tôi nghĩ điều đầu tiên là Trung Quốc \”cố gắng\” khẳng định lập trường của mình. Tôi nói là \”cố gắng\”, vì có nhiều nhà quan sát khác đánh giá những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thể hiện sự trung lập còn xa mới thành công. Bắc Kinh hiện tìm cách giữ khoảng cách một chút trong mối quan hệ đối tác \”Vô biên\”, một thuật ngữ đã bị nhiều nhà quan sát đánh giá là Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực chiến tranh của Nga tại Ukraina.

Do vậy Trung Quốc đã cố gắng tự đặt mình ở vị thế trung lập. Nhưng cùng lúc, chúng tôi nhận thấy Trung Quốc hậu thuẫn rất nhiều các tờ báo lặp lại các luận điệu của Nga, nói rằng đây là cuộc chiến mà Nga có những lợi ích an ninh chính đáng, trong đó, NATO và Hoa Kỳ là một trong số những nguyên nhân chính gây ra chiến tranh và là bên ủng hộ cuộc chiến. »

Xung đột dai dẳng đang làm hoen ố dần hình ảnh của Bắc Kinh trong con mắt công luận, nhiều chính phủ châu Âu và phương Tây nói chung. Thái độ của Trung Quốc đối với Ukraina chỉ làm cho quan hệ Trung – Mỹ thêm trầm trọng, làm tăng thêm mối lo của thế giới về ý đồ của Bắc Kinh có thể dùng vũ lực đối với Đài Loan, làm gia tăng sự ủng hộ của quốc tế đối với Đài Bắc, và như vậy làm cho môi trường an ninh Trung Quốc thêm phần nguy hiểm.

Nếu như Trung Quốc xem xung đột ở Ukraina như là một cuộc chiến ủy nhiệm do NATO hậu thuẫn, đang làm suy yếu Nga, thì mặt khác Bắc Kinh cũng nhận thấy cuộc chiến này còn cho phép Washington củng cố và hồi sinh các mối liên minh ở châu Âu và những nơi khác. Bên cạnh đó là mối lo về nguy cơ leo thang chiến tranh hạt nhân Nga – NATO. Bị quân Ukraina kháng cự mạnh mẽ và đang cạn dần vũ khí, Matxcơva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân như một phương sách sau cùng, nếu cảm thấy có thể bại trận.

Lần đầu tiên tại Hội Nghị An Ninh Munich diễn ra hồi tháng Hai, Bắc Kinh qua lời lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất Vương Nghị, đã bày tỏ mối lo xung đột có thể « leo thang và kéo dài », và cho rằng chiến sự « không nên tiếp diễn ». Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo nguy cơ chiến sự « vượt ngoài tầm kiểm soát ».

Chuyển hướng chỉ trích

Những thay đổi trong các đánh giá buộc Bắc Kinh phải điều chỉnh cách tiếp cận đối với cuộc xung đột. Trung Quốc không đứng ngoài cuộc và thận trọng bước vào đấu trường trong những tháng gần đây. Chính phủ Trung Quốc nhắm đến việc thể hiện mình như là một nhân tố chủ chốt có thể giải quyết các xung đột. Ngoại giao sẽ cho phép Bắc Kinh làm chệch hướng những chỉ trích, đưa ra một cách nhìn khác về cuộc xung đột và có thể định hình kết quả theo những cách có lợi khi sử dụng lá bài ngồi lại với tất cả các bên để gây áp lực buộc các nước khác phải tôn trọng lợi ích của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo bà Bonny Lin, mặc dù Trung Quốc luôn nỗ lực nhấn mạnh đến thế trung lập trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Ukraina thông qua đối thoại trực tiếp, việc miêu tả Mỹ và NATO là bên thúc đẩy xung đột khi cung cấp vũ khí cho Ukraina vẫn là một yếu tố quan trọng trong các thông điệp chính trị của Bắc Kinh. Những phát biểu này nhằm mục đích tập hợp khối phương Nam toàn cầu, tìm cách cắt xén các lập luận của Mỹ và châu Âu kêu gọi cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ Ukraina chống Nga xâm lược:

« Đồng thời, chúng tôi thấy Trung Quốc nhận ra rằng khi cố gắng giữ vị thế trung lập, họ cần phải hoạt động nhiều hơn nữa, vì một số thông điệp chưa cho thấy có nhiều đột phá, nên Trung Quốc đã rất tích cực tiếp cận  các nước Nam bán cầu, để đảm bảo rằng những quốc gia này sẽ có thể gây áp lực buộc Hoa Kỳ và NATO phải chấm dứt chiến tranh trong thời gian ngắn hơn.

Trung Quốc đã thấy mức độ ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraina giờ không chỉ mang tính cục bộ ở châu Âu nữa. Đúng là chiến sự đang tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gián đoạn rất nhiều đến sản xuất lương thực, cũng như là nguồn cung năng lượng. Vì vậy, từ quan điểm của Trung Quốc, họ đang bảo vệ lập luận của mình và điều này thực sự rất phù hợp với lập trường của Trung Quốc trước cuộc xung đột Ukraina cho rằng Hoa Kỳ và NATO không nên đơn phương đưa ra các biện pháp trừng phạt. »

Những diễn ngôn bất lợi cho Ukraina

Một điểm khác được đa số các nhà quan sát phương Tây cùng ghi nhận là các diễn ngôn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đều không có lợi cho Ukraina. Trang mạng The Diplomat lưu ý, trong đề xuất 12 điểm để đạt được giải pháp chính trị cho Ukraina, Bắc Kinh không bao giờ xem đấy như là một cuộc « chiến tranh » hay « xung đột ,» mà gọi đấy là một « cuộc khủng hoảng ».

Và do vậy, lập trường 12 điểm của Bắc Kinh cũng không đề cập đến việc kêu gọi Nga triệt thoái toàn bộ binh sĩ và tái lập hoàn toàn đường biên giới cho Ukraina. Điều này hoàn toàn đi ngược với mong muốn của Kiev được thể hiện trong công thức hòa bình 10 điểm do tổng thống Zelensky đưa ra.

Và đây cũng chính là điểm mâu thuẫn lớn trong thế \”trung lập\” của Bắc Kinh : Một mặt, Trung Quốc nhấn mạnh đến tôn trọng chủ quyền và mặt khác, từ chối mô tả cuộc xung đột là một cuộc xâm lược của Nga. Theo quan sát của bà Bonny Lin, trong giới học giả Trung Quốc, nhiều người xem việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chỉ là một trong 12 nguyên tắc cốt lõi để Trung Quốc cân bằng quan hệ. Nói một cách khác, đó không phải là nguyên tắc quan trọng nhất, hay một giá trị cần cần tôn trọng tuyệt đối.

Điều này giải thích vì sao có phát biểu gây tranh cãi của đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã trên kênh truyền hình BFMTV của Pháp ngày 21/4 và chúng hoàn toàn phù hợp với hai luận điểm của Trung Quốc : Thứ nhất, Nga có những « lo ngại an ninh chính đáng » để sử dụng vũ lực chống lại Ukraina và thứ hai, cuộc « khủng hoảng » ở Ukraina là do « bối cảnh lịch sử sâu xa và những lý do thực tế phức tạp». 

Nói cách khác, Bắc Kinh có thể lập luận rằng cuộc xâm lược 2022 của Nga không thực sự bắt đầu từ cuộc xung đột ở Ukraina và như vậy Nga không phải là kẻ xâm lược. Cách giải quyết xung đột đòi hỏi phải quay ngược về lịch sử xa hơn, thời điểm Ukraina và bán đảo Crimée là một phần của Liên Xô. Điều này có thể giúp thúc đẩy một giải pháp chính trị dễ dàng hơn, theo đó, Nga vẫn giữ quyền kiểm soát các phần lãnh thổ của Ukraina mà Nga đã chinh phục được.

Trung gian hòa giải : Nhiệm vụ khó khăn

Đây cũng có thể là cách Bắc Kinh thăm dò phản ứng của châu Âu, theo nhận định từ một số nhà quan sát, vào lúc Trung Quốc phát hiện có những rạn nứt trong phe ủng hộ Ukraina. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu có dấu hiệu gây áp lực buộc tổng thống Zelensky nên đàm phán với Nga, hay có những tiếng nói tại Mỹ kêu gọi chấm dứt viện trợ cho Ukraina.

Dù vậy, hầu hết giới chuyên gia phương Tây đều có chung một nhận xét : Trung Quốc ý thức được rằng việc tìm kiếm một giải pháp cho xung đột Ukraina là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và Trung Quốc cũng không muốn bị đổ lỗi nếu những nỗ lực của họ không thành công. Xu hướng « nước đôi » này của Trung Quốc được thấy rõ trong tuyên bố của ông Tập Cận Bình rằng « Trung Quốc không tạo ra cuộc khủng hoảng Ukraina, cũng không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng » và đồng thời cũng nói rằng Bắc Kinh không thể « ngồi yên » khi xung đột leo thang.

Trong bối cảnh này, bà Bonny Lin kết luận : Trung Quốc sẽ tiến hành một cách thận trọng. Bắc Kinh có thể tập trung vào việc cân bằng các ưu tiên cạnh tranh của mình : Một mặt duy trì mối quan hệ với Nga, một đồng minh thiết yếu trong cuộc đọ sức với Mỹ, do vậy Bắc Kinh không cho thấy có thiện chí và cũng không thể áp đặt điều gì đối với Matxcơva.

Mặt khác, Trung Quốc không hoàn toàn xa lánh các nước châu Âu bằng cách làm hài lòng vừa đủ để làm chệch hướng những chỉ trích về vai trò của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh muốn chứng tỏ họ có ích, nhưng lại không muốn mạo hiểm để bị cáo buộc đẩy lợi ích bên này lên trên lợi ích của bên kia trong tiến trình vận động ngoại giao !

Minh Anh

Bài Liên Quan

Leave a Comment