RFA
2023.05.26
Ảnh minh họa. Công nhân làm việc trong một nhà máy chế biến thủy sản tại Việt Nam.
Reuters
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phải giảm quy mô kinh doanh hoặc tạm ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.
Một khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) gửi đến Thủ tướng được truyền thông loan vào ngày 26/5 cho biết, có 82,3% doanh nghiệp trong số 9.556 doanh nghiệp khảo sát cho biết như vậy.
Báo cáo nêu rõ, trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, tỉ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.
Đặc biệt, niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh hiện nay đặc biệt thấp. Có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023.
Chỉ có 4,2% doanh nghiệp cho là tích cực, còn 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực.
Các DN đưa ra nhiều khó khăn như thiếu đơn hàng, khó tiếp cận vốn vay, thủ tục hành chính rườm rà và phần đông cho rằng hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương quá kém.
Qua đó, các doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị như giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025; Hoãn, giảm các chi phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới; Đưa thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp xuất khẩu về mức 5-10% để tạo sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác…
Các DN cũng đề nghị các cơ quan chức năng nên hạn chế thanh kiểm tra doanh nghiệp, không ban hành thêm văn bản mới tạo gánh nặng chi phí, thủ tục. Có cơ chế pháp lý rõ ràng với các chính sách liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp.