- Phạm Cao Phong
- Gửi bài cho Diễn đàn BBC từ Paris, Pháp
30 tháng 5 2023
Trong \’Một cơn gió bụi\’ Trần Trọng Kim viết: \”Nước Việt Nam đã là một nước tự chủ thì phải có quốc kỳ và quốc ca. Bài quốc ca thì từ trước vẫn dùng bài \”Ðăng Ðàn\” là bài ca rất cổ, mà âm điệu nghe nghiêm trang. Chúng tôi nghĩ: trước khi có bài nào hay hơn và có nghĩa lý hơn thì hãy cứ dùng bài ấy.\”
Thư viện Quốc gia Pháp BnF bên bờ sông Seine Paris còn lưu giữ ấn phẩm mang số LK 10.918 tựa đề \’Hymnes &Pavillons d\’Indochine\’, ghi nhận Quốc ca An Nam là \’Đăng đàn cung\’, Quốc ca Campuchia có tên \’Nokoreach\’, bài \’Le Patriote Lao\’ được chọn là Quốc ca Lào.
Ấn bản có từ ngày 31/12/1941, đến 4 năm trước lễ ra mắt chính phủ Trần Trọng Kim 17/04/1945. Như vậy, Thủ tướng-học giả Trần Trọng Kim ân cần tiếp nối Quốc thiều truyền thống đã có khởi điểm từ xưa của tiền triều Nguyễn.
Quốc ca chỉ có gần đây ở châu Âu
Quốc ca là một phần tài sản văn hóa quốc gia và phần lớn xuất hiện sau kỷ nguyên Khai sáng.
Quốc ca của Đức do Joseph Haydn sáng tác năm 1797, có nguồn gốc từ bản \”Thiên chúa phù hộ cho Hoàng đế Franz\”. Sau khi chế độ phát xít sụp đổ, phần lời do Hoffmann von Fallersleben sáng tác năm 1841 bị xóa khổ một và khổ hai, chỉ giữ lại khổ thơ thứ ba trên tổng phổ của Haydn.
Quốc ca Tây Ban Nha là bản nhạc của soạn giả vô danh xuất hiện năm 1761, được Manuel de Espinosa phổ lời thành bản \”Marcha Granadera -Hành khúc người lính phóng lựu\”. Năm 1770, bài hát được chọn làm Quốc ca nên có tên \” Marcha Real-Hành khúc Hoàng gia\”. Nhà độc tài phát xít Franco chết năm 1975, Tây Ban Nha vẫn dùng \”Marcha Granadera \” làm quốc ca, nhưng gạt bỏ hết phần lời cũ.
Liên Xô sụp đổ, nước Nga không bỏ phần âm nhạc của Quốc ca gợi nhắc đến chiến thắng trong Thế Chiến 2, cũng chỉ thay lời khác.
Việt Nam một thời rộ lên trào lưu xóa dấu vết của Văn Cao với \”Tiến Quân ca\”, sau tỉnh ra đó là chuyện ngớ ngẩn. Bản \”Tiếng gọi Thanh niên\” của chế độ VNCH có ba lời ca khác biệt.
Tôi tìm hiểu được bản quốc ca đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất thời Gia Long lại mang dấu ấn châu Âu của thời Khai sáng và đến từ giao lưu Pháp-Việt.
Đăng đàn cung lấy cảm hứng từ âm nhạc của Franz Liszt hay của Franz Schubert?
So sánh tiểu sử Chaigneau với lịch sử âm nhạc, tôi thấy ít khả năng cảm hứng của ông khởi điểm từ chất sáng tạo của Franz Liszt.
1. Franz Schubert (1797-1828), là người cùng thời với Chaigneau (1769-1832), hơn là Franz Liszt (1811-1886).
Schubert sáng tác \”La Marche militaire\”, op.51, D. 733 piano four-hands giai đoạn 1812-1818, giao thoa với thời điểm Chaigneau soạn nhạc ở Việt Nam.
2. Franck Liszt (1811-1886) phổ lại \”La Marche militaire\”, đặt thành \”Độc tấu piano bản số 1-Grand paraphrase de concert, S.426 a\” năm 1870. Tức là, ra đời sau cả những sự kiện Michel Đức Chaigneau đã nêu trên.
Sự khác biệt giữa Franz Liszt và Franz Schubert không hẳn là mỏng manh sương khói. Nhưng muốn nhận ra chất đàn nào, để có trách nhiệm nên giành phần việc cho những ai được số phận ân sủng, vốn ướp cuộc đời trong tinh túy của âm nhạc bác học, và các chuyên gia phán truyền.
Tôi gửi tổng phổ không lời \”Đăng đàn cung\” nhờ chị Trần Hà, giáo sư tốt nghiệp đại học Sorbonne, xuất thân từ gia đình vang danh về truyền thống âm nhạc như \”quái kiệt\” Trần Văn Trạch, Trần Văn Khê, Trần Quang Hải. Chị là nữ giáo sư tốt nghiệp đại học Sorbonne, giảng dạy Piano tại Nhạc viện kiểm định. Tôi không nói cho chị biết nguồn gốc bản nhạc. Chị gõ một đoạn và nói luôn:
–Đây là nhạc Franz Schubert, anh Phong!
Để thêm khách quan, tôi nhờ một danh cầm người Nga xuất thân Tchaikovsky Conservatoire đoán giúp, kết quả tương tự.
Từ trắc nghiệm này, tôi có thể vui vẻ nói rằng, phần nhạc Đăng đàn cung lấy cảm hứng từ bản La Marche militaire của Schubert.
Jean-Baptiste Chaigneau (1769-1832), người soạn nhạc cho bản Quốc ca triều Nguyễn
Chaigneau sinh ra ở Lorient -Bretagne vùng đất bướng bỉnh của những kẻ ưu phiêu lưu như câu nói của Catherine de Sienne (1347-1380) \’nơi nào ánh sáng mặt trời rọi đến, nơi đó có người Bretons\’.
Chaigneau dày dạn đại dương rất sớm, đi biển năm mới 12 tuổi trên chiến hạm \’Le Necker\’, từng bị hải quân Anh bắt giữ, cầm tù trên đảo Sainte Hélène (sau này là nơi lưu đày Hoàng đế Napoleon). Được thả, Chaigneau lại vượt biển đến Ấn Độ, Isle de France, Madagascar, Batavia, Trinquemalay, Quảng Châu, Manilla.
Năm 1791, Chaigneau theo tàu Flavie có nhiệm vụ đi vòng quanh thế giới tìm tung tích nhà thám hiểm Lepeyrouse và thăm dò hải trình từ mũi Sừng châu Phi đến vùng băng giá Kamchatca. Tàu Flavie lại bị hải quân Anh ngăn chặn, giải giới ở Macao. Ở đây, Chaigneau gặp Laurent Barisy, người bạn thuở thiếu thời ở Lorient, và làm quen với linh mục P.Létondal thuộc Hội Thừa sai Paris (Les Missions étrangères), bạn của giám mục Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc). Qua giới thiệu của họ, Chaigneau tìm đường đến Việt Nam năm 1794.
Năm 1796 vào tuổi 27, Chaigneau gia nhập thủy binh Nguyễn Ánh, đến chức hạm trưởng tầu Phi Long, chiến hạm bọc đồng trang bị 32 đại bác.
Chaigneau góp võ công trong những trận hải chiến lớn, được đổi tên theo họ vua là Nguyễn Văn Thắng, thăng tới chức Khâm sai Chưởng Thần vũ quân, Thần Sách quân, Quận công thị Trung Đô thống chế quan.
Giai đoạn hình thành thế giới quan của Chaigneau ở tuổi 20 là giai đoạn sôi động của Cách mạng Pháp 1789 và bản Quốc ca \’La Marseillaise\’ (Rouget de Lisle sáng tác năm 1792). Tử tước Chateaubriand (1768-1848), Đại sứ Pháp tại Anh, Vatican, Thụy Điển, Viện sĩ Hàn Lâm Pháp, người viết những tác phẩm \’l\’Essai sur les révolutions\’ (1797) \’Génie du christianisme\’ (1802) nổi tiếng thế kỷ 19 cũng có quan hệ mật thiết với Chaigneau.
Để chàng thủy sư đô đốc Pháp không \’nhớ về nước Pháp bóng Kiều thơm\’, buộc chân chàng hiệp sĩ quý tộc với mảnh đất phương Nam, vua Gia Long khuyên Chaigneau cưới cô Benoîte Hồ thị Huệ, xuất thân từ một gia đình Thiên Chúa giáo. Hồng Y Labarbette đã cử hành hôn lễ cho hai người ngày 10/8/1802 tại nhà thờ Thợ Đúc. Đứa con đầu lòng mang dòng máu Việt-Pháp chào đời ngày 25/6/1803, được thụ hưởng chức hầu tước của cha nên có tên Michel Đức Chaigneau.
Vua Gia Long đã dùng những từ đẹp nhất ban cho J.B Chaigneau:
\”Cưỡi ngàn sóng gió, chí lớn vượt nguy
\”Vừa lĩnh hội phong vân rồng cuộn, gặp bước cơ duyên
\”Khoảng thuyền chèo công trạng ngựa dong, lướt nhanh đến đích
\”Sáng ngời vĩ nghiệp, nên xiển huân lao…\”
(Ngày 12.11, năm Gia Long thứ nhất 1802. Ấn son Chế cáo chi bảo)
Bầu nhiệt huyết của một kẻ \”biển chỉ nông tới đầu gối\”, kém vua Gia Long 7 tuổi như Chaigneau đã ảnh hưởng tích cực tới Thế tổ nhà Nguyễn?
Tự điển Larousse l\’Indochine -Henri Gourdon ấn bản năm 1931 trang 108 ghi \”trong hành lý Chaigneau trở lại Việt Nam năm 1821 có những liều vaccine và Bộ từ điển Bách khoa toàn thư. \”
Những năm đại dịch Covid vừa qua cho chúng ta có một cái nhìn hoàn thiện hơn về tình người và vai trò của vacinne chống lại dịch bệnh.
Tôi lưu ý, vaccine chống bệnh đậu mùa năm 1796 mới tìm ra và Hoảng tử Cảnh, con trai trưởng vua Gia Long mất năm 1801 vì bệnh này.
Tôi tự hỏi, phải chăng J.B Chaigneau ngoài lý do xin về thăm quê sau 28 năm 6 tháng ở Việt Nam, còn muốn đi tìm thuốc phòng bệnh cho gia đình nhà vua ? Thời này, đại án giải cứu mới thấy, ra tay giúp người hoạn nạn liệu có bao nhiêu trái tim tử tế?
Chaigneau cả đời xả thân phục vụ cho đất nước nhận ông làm con nuôi. Ông vẫn như thời trai trẻ đến với vua lúc gian nan và trở lại giữa lúc giặc bệnh giầy xéo vương quốc, tàn sát 4 % dân số, giết hại cả thi hào Nguyễn Du.
Chaigneau đã về chậm, quân vương của ông đã ra đi vĩnh viễn, Gia Long không còn ngồi dậy được như thủa nào, cởi chiếc áo choàng đỏ của mình khoác lên đôi vai người dũng tướng và nói \’để bọn bon chen nổ mắt ra vì tức.\’
Niềm đau của người viết Bình Ngô Đại cáo
Vua Gia Long cho đến tháng 3.1802 còn sử dụng niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê năm thứ 63, dùng ấn \’Đại Việt Nguyễn Chúa Vĩnh trấn chi bảo\’. Vậy, lễ tế, nhã nhạc nhà Nguyễn dùng trước ngày vua Gia Long lên ngôi, vẫn theo khuôn mẫu Cung đình nhà Lê mang từ Bắc vào?
Từ những phân tích tôi vừa nêu, có thể đi đến kết luận, với việc bỏ nhã nhạc sao chép phèng la nhà Minh nhập vào hợp lưu âm nhạc trào lưu Khai sáng, vua Gia Long cách mạng tập tục đã có từ thế kỷ 15.
Tôi giải thích vì sao, và nhã nhạc trước đó là gì?
Vua Lê Thái Tông (Lê Lợi), năm 1437 giao cho Nguyễn Trãi và Lương Đăng chế tạo nhạc cụ dùng trong Triều đình, nhưng sau đó Nguyễn Trãi dâng sớ tâu rằng:
\”Mấy lúc sau này, hạ thần và Lương Đăng có xem xét lại và quy định Nhã nhạc, nhưng ý kiến của thần và Lương Đăng về âm nhạc bất đồng. Thần xin được phép giao lại nhiệm vụ mà bệ hạ đã giao phó cho thần…\” (ĐVSKTT-Bản kỷ- quyển XIX)
Vì thế, Nhã nhạc nhà Lê đều do hoạn quan Lương Đăng phỏng theo quy chế nhạc triều nhà Minh để định đặt, với hai dàn nhạc tiêu biểu là \’Đường thượng chi nhạc\’ và \’Đường hạ chi nhạc\’, 8 loại nhạc và 8 loại thanh âm…
Sự kiện thứ hai, cũng dưới thời Lê, sử gia Phạm Đình Hổ chép: \”Năm Hồng Đức 1470 có quan đại thần Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh kê cứu âm nhạc nước Tàu, hiệp vào quốc âm, đặt ra hai bộ : Đồng văn và Nhã nhạc.\”
Phải chăng, điều đau lòng nhất của người soạn Bình Ngô đại cáo cho vua Lê Thái Tổ, tuyên bố với trời đất chiến thắng đuổi giặc Minh khỏi bờ cõi, giành lại độc lập sau 10 năm nếm mật nằm gai, lại phải nghe lại âm thanh của lũ giặc đã sai đốt hết, tịch thu hết sách sử Việt Nam trong 20 năm thời \”nội thuộc\”?
Nguyễn Trãi người coi \”hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc \”giã biệt cuộc đời đầy oan khuất trong tiếng phèng la, não bạt giặc Minh. Đau đớn thay!
Không phải vô tình, Michel Đức Chaigneau trở về Pháp 40 năm sau còn viết: \”con người Đức vua vẫn có thể phù hợp nếu phải đặt mình vào cương vị lãnh đạo một đất nước ở châu Âu.\”
Vua Gia Long dùng điệu nhạc mang hơi thở giai đoạn Khai sáng để tế cáo trời đất. Đó là sự kiện từ khi khai sinh lập địa chế độ quân chủ Việt Nam, chưa vị quân vương nào làm vậy.
Lần đầu tiên, quốc ca là chữ ký âm thanh của Việt Nam thoát ra khỏi ảnh hưởng văn hóa hàng nghìn năm của đế quốc Trung Hoa.
Với \”Đăng đàn cung\”, liệu người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi có được niềm an ủi muộn màng?
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Cao Phong, hiện sống tại Paris, Pháp.