Đàm phán Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa khó tìm được đồng thuận

175 quốc gia họp tại Paris Pháp để đàm phán một hiệp ước chống ô nhiễm nhựa trên thế giới, (từ ngày 29/05 đến ngày 02/06/2023). Tuy nhiên, trong hai ngày đầu tiên, các cuộc đàm phán không đạt được kết quả đáng chú ý nào vì sự phản đối của Ả Rập Xê Út và nhiều nước vùng Vịnh, Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ, những nước ô nhiễm nhựa nhất. 

Đăng ngày: 31/05/2023

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa : Một người dân vứt hoa và túi nhựa xuống sông Brahmaputra, ở Gauhati, Ấn Độ. Ảnh chụp ngày 09/10/2019. AP – Anupam Nath

Chi Phương

Nếu như trước kia, phát minh ra nhựa được đánh giá cao, hỗ trợ cuộc sống của con người, thì nay nhựa hiện diện ở mọi nơi : quần áo, đồ điện tử hay trong nguồn nước tiêu dùng. Tình trạng ô nhiễm nhựa lên mức đáng báo động. AFP trích dẫn báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), nhựa vẫn tiếp tục được sản xuất nhiều hơn trên toàn thế giới : từ 234 triệu tấn vào năm 2000 lên đến 460 triệu tấn vào năm 2019. Chỉ 9 % lượng nhựa thải ra được tái chế.   

Theo kế hoạch, sẽ có 5 vòng đàm phán để đạt được một hiệp ước chống ô nhiễm nhựa. Vòng một đã được tổ chức tháng 11/2022 ở Uruguay. Vòng hai đang diễn ra tại trụ sở Unesco Paris và chưa đưa ra được văn bản nào sau hai ngày đàm phán. 

Trong cuộc họp ngày hôm qua, đại diện phái đoàn Mêhicô, bà Camila Zepeda bày tỏ phẫn nộ, nhận định rằng « Chúng ta đang mất thời gian và năng lượng trong các cuộc đàm phán vòng vo, hãy đi thẳng vào vấn đề chính », đó là ô nhiễm nhựa. Theo lãnh đạo của tổ chức Zero Wasite Europe Joan-Marc Simon, « chiến lược của một số nước đó là làm chậm các cuộc đàm phán… những nước muốn có một hiệp ước nhưng chỉ muốn nói về những thứ như cải thiện cách xử lí rác thải, tránh thải nhựa ra môi trường, thay vì những vấn đề về giảm sản xuất, hay những độc tính của một số hợp chất hoặc vi nhựa ».   

Không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, những nước xuất khẩu dầu mỏ – loại nhiên liệu hóa thạch chính, được dùng để sản xuất nhựa, tiêu biểu như Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh là những nước không « mặn mà » với hiệp ước này.   

Các thỏa thuận về khí hậu ở Paris hay thỏa thuận Côn Minh-Montreal về đa dạng sinh học đã được thông qua bằng sự đồng thuận, giống như hầu hết các hiệp ước đạt được dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, nghĩa là không cần bỏ phiếu, thậm chí chỉ cần giơ tay bày tỏ ủng hộ. Tuy nhiên, nếu không có đồng thuận, một hiệp ước được thông qua bằng cách bỏ phiếu không phải là chưa từng xảy ra. Vào năm 2013, 140 quốc gia đã biểu quyết thông qua Công ước quốc tế về thủy ngân, tại Minamata, Nhật Bản. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment