Thỏa thuận trần nợ: Hạ viện Mỹ thông qua dự luật với tỷ lệ áp đảo

\"Chủ
Chụp lại hình ảnh,Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy hoan nghênh việc dự luật được thông qua

  • Tác giả,Sam Cabral
  • Vai trò,BBC News, Washington
  • 1 tháng 6 2023

Hạ viện Mỹ đã thông qua một thỏa thuận cho phép Mỹ vay thêm tiền, chỉ vài ngày trước khi nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ vỡ nợ.

Biện pháp này được thông qua Hạ viện với 314 phiếu thuận, 117 phiếu chống, mặc dù có những lá phiếu \’đào ngũ\’ từ thành viên thuộc hai đảng.

Thượng viện Hoa Kỳ phải bỏ phiếu về dự luật vào cuối tuần này trước khi Tổng thống Joe Biden có thể ký ban hành luật.

Chính phủ Mỹ được dự báo sẽ chạm đến trần vay nợ vào thứ Hai 5/6.

Tình hình cho thấy còn rất ít chỗ cho sai sót khi các nhà lập pháp chạy đua nhằm tránh xảy ra việc nước Mỹ vỡ nợ với khoản tiền 31,4 nghìn tỷ USD, vốn là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu.

Vào tối thứ Tư 31/5, 165 đảng viên Dân chủ đã cùng với 149 đảng viên Cộng hòa thông qua dự luật dài 99 trang nhằm nâng trần nợ công, cho phép Hạ viện thông qua với mức đa số cần thiết.

Khi Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện và Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện cũng như Nhà Trắng, thỏa thuận này trải qua một quá trình rất khó khăn trong nhiều tuần qua, cho đến khi Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy ký thông qua một thỏa hiệp lưỡng đảng hồi cuối tuần.

Chiến thắng của Chủ tịch Hạ viện McCarthy

\"BBC\"/

Ông Kevin McCarthy đã có thể đẩy Joe Biden và thành viên Đảng Dân chủ đang còn lưỡng lự ngồi vào bàn đàm phán, bằng cách thông qua dự luật nâng trần nợ nhưng bao gồm một danh sách những ưu tiên của phe bảo thủ.

Sau đó, ông ấy đã có thể đoàn kết các thành viên trong đảng của mình khi McCarthy đạt được một thỏa thuận ít tham vọng hơn với tổng thống, nhằm cắt giảm khiêm tốn mức gia tăng chi tiêu liên bang và bổ sung một số điều kiện mới về trợ cấp cho người Mỹ có thu nhập thấp.

Điều này không làm nhóm những người bảo thủ theo đường lối cứng rắn thỏa mãn, một số người ra dấu hiệu rằng họ sẽ phế truất ông McCarthy và buộc phải có cuộc bầu cử mới cho chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện.

Nhưng đến ngày thứ Tư 31/5, ngay cả những người gay gắt nhất trong số chỉ trích cũng phải lùi bước trong lời phát biểu của họ. Và đến thời điểm bỏ phiếu, đa số đảng viên Cộng hòa đã chấp thuận thỏa thuận của ông McCarthy.

Mặc dù những người theo đường lối cứng rắn có thể không hài lòng, nhưng rõ ràng họ không có đủ sự ủng hộ cần thiết để ông McCarthy bị thay thế – hoặc thậm chí không có bất kỳ ý tưởng nào về ai sẽ thay thế ông ấy.

\"GETTY
Chụp lại hình ảnh,Thành viên Hạ viện Chip Roy của bang Texas tuyên bố sẽ không ủng hộ dự luật

Theo thỏa thuận này, thì trần nợ sẽ được hoãn cho đến ngày 1/1/2025.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết luật này sẽ tiết kiệm được 1,5 nghìn tỷ USD trong một thập kỷ.

Nhưng việc thông qua dự luật đã gặp nguy cơ, sau khi các nhà lập pháp của cả hai bên lên tiếng phản đối.

Một số thành viên cực bảo thủ của Đảng Cộng hòa khiếu nại rằng họ đã nhận được quá ít sự nhượng bộ để đổi lấy việc tăng mức giới hạn nợ.

Các đảng viên Đảng Dân chủ phản đối các điều khoản tăng yêu cầu về công việc đối với người Mỹ về viện trợ lương thực của liên bang và bắt đầu lại các khoản vay cho sinh viên.

Emanuel Cleaver, một thành viên Đảng Dân chủ từ bang Missouri, cho biết ông sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật, mặc dù ông coi đó là \”phần ăn thứ hai trong món sandwich của Satan\”.

Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện với thế đa số mong manh 222-213, nhưng Chủ tịch McCarthy đã có thể thúc đẩy dự luật vượt qua ranh giới với sự ủng hộ từ những người trung dung chính trị từ cả hai phe.

Ông xem thỏa thuận này \”là một sự cắt giảm và mức tiết kiệm nhiều nhất mà Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua\”.

Vẫn chưa có lộ trình đảm bảo nào cho dự luật này. Dự luật này sẽ được chuyển đến Thượng viện để bỏ phiếu nếu cần thiết, bao gồm lá phiếu từ thành viên thuộc lưỡng đảng.

Một đảng viên Cộng hòa thuộc phe bảo thủ, Mike Lee từ bang Utah trước đó đe dọa sử dụng \”mọi công cụ về mặt thủ tục\” để chặn việc xem xét thỏa thuận.

Thượng nghị sĩ cánh tả Bernie Sanders cũng đã lên tiếng phản đối dự luật vào thứ Tư, tuyên bố ông không thể ủng hộ \”theo bất kỳ tiêu chuẩn nào\”.

Cả các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tại Thượng viện đều đang làm việc để đảm bảo rằng một dự luật sẽ nằm trên bàn của ông Biden để được ký ban hành luật vào cuối tuần này trước khi có thể xảy ra vỡ nợ.

Lần gần nhất, nước Mỹ tiến gần đến mức vượt trần nợ là vào năm 2011, cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor\’s đã hạ bậc xếp hạng của Mỹ, một động thái vẫn chưa được đảo ngược.

Trước cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư 31/5, thị trường chứng khoán Mỹ khép lại một ngày giao dịch với các chỉ số chứng khoán chính giảm nhẹ, Dow Jones giảm 0,4%, trong khi S&P và Nasdaq \’bốc hơi\’ 0,6%.

Bài Liên Quan

Leave a Comment