Đăng ngày: 02/06/2023
Cầu đường sắt Saint-Jean (cầu Eiffel), là một trong những công trình tiêu biểu, đánh dấu bước tiến đầu tiên trong ngành xây dựng của Gustave Eiffel. Cầu đã bị cho ngừng lưu thông từ năm 2008, trải qua bao thăng trầm, từ việc thoát khỏi nguy cơ bị tháo dỡ, đến khi được xếp hạng di tích lịch sử và ngày nay tiến gần đến viễn cảnh trở thành cây cầu-cư địa (văn phòng, nhà ở, bảo tàng…) đầu tiên trên thế giới.
Vào thế kỉ 19, nước Pháp chuyển mình trong cuộc cách mạng công nghiệp, các công trình cầu đường được xây dựng khắp nơi, để kết nối các vùng lãnh thổ của đất nước. Lúc đó, tại Bordeaux, phía tây nam nước Pháp, hai nhà ga xe lửa đã được xây dựng nhưng không kết nối với nhau. Dự án xây dựng cầu đường sắt kết nối hai nhà ga, bắc qua sông Garonne đã được thành phố phê duyệt cho Công ty Đường sắt miền Nam – Compagnie des chemins de fer du midi thực hiện, cũng là nơi mà Gustave Eiffel ‘khởi nghiệp’ ở vị trí kĩ sư. Bản vẽ cầu đường sắt do kiến trúc sư Laroche-Tolay và Paul Régnauld thiết kế, nhưng vị trí quản lý, giám sát công trình do Gustave Eiffel đảm nhận dù mới 26 tuổi, vì những nghiên cứu của ông liên quan đến kĩ thuật làm móng cầu qua việc sử dụng ép thủy lực để làm chìm các ống khí nén.
Trong một bức thư viết cho mẹ vào ngày 29/05/1857, được trích dẫn trong cuốn \’Gustave Eiffel et la passerelle de Bordeaux, Eiffel\’ cho biết “rất hài lòng vì chuyến đi tới Bordeaux và đây là công trình đánh dấu bước chân của con vào thế giới kinh doanh, con cũng không tồi lắm !… Con nhìn thấy tương lai màu hồng”.
Phòng thí nghiệm của Eiffel
Gustave Eiffel chịu trách nhiệm về dựng khung cầu, dựng các boong kim loại, giếng chìm hơi nén để đào và xây móng trụ cột cầu, cũng như phụ trách vận chuyển nguyên vật liệu. Công trình trị giá 3 triệu franc (tiền cũ của Pháp), đã hoàn thành sau 2 năm xây dựng (1858-1860) và được coi là “phòng thí nghiệm của Eiffel”, như nhận xét của bà Myriam Larnaudie-Eiffel, chủ tịch của Hiệp hội những người hậu duệ của Gustave Eiffel (L\’Association des descendants de Gustave Eiffel). Cháu gái đời thứ 5 của Eiffel (grand-père de la grand-mère maternelle), cho biết lúc đó Gustave Eiffel mới tốt nghiệp, và phải giải quyết những vấn đề khá phức tạp. Trên thực tế, “cả cuộc đời Eiffel, ông ấy không ngừng tìm giải pháp cho những thứ phức tạp. Chúng ta có thể thấy điều đó trong cây cầu ở Bordeaux, nhất là trong quá trình xây trụ cầu bằng khí nén. Kĩ thuật giếng chìm hơi nén đã xuất hiện ở Anh Quốc nhưng kiến thức của ông, với tư cách là một kĩ sư, đã cho phép tiết kiệm thời gian và xây dựng cầu trong hai năm, đây là thời gian xây dựng rất ngắn lúc đó. Cầu Bordeaux là một phòng thí nghiệm thực sự của Eiffel, tổng hợp một quy trình tiên tiến về việc xây trụ cột cầu bằng giếng chìm hơi nén. Tất cả những yếu tố về kĩ thuật xây cầu giàn được tổng hợp ở đây, mà lúc đó ông mới chỉ 26 tuổi. Đây là điều không thể tin được.”
Thời điểm đó, xây dựng một cầu đường sắt dài 500 mét bắc qua sông không hề đơn giản, về kĩ thuật cũng như điều kiện, chi phí xây dựng và phải tuân thủ thời gian. Cầu cũng phải bảo đảm đủ cao để tàu thuyền đi lại được, chịu được lực lớn vì những đoàn xe lửa chở hàng hóa. Phó thị trưởng phụ trách về văn hoá của thành phố Bordeaux, ông Baptiste Maurin, cho biết “cầu Saint-Jean hay còn gọi là cầu Eiffel là một trong những di tích lịch sử, một trang sử của thành phố vì đây là cây cầu đường sắt đầu tiên nối hai bờ sông Garonne. Đây cũng là công trình đầu tiên của Eiffel, mặc dù không phải do ông thiết kế xây dựng, nhưng ông là người thực hiện công trình này. Cây cầu được xem như viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp của Gustave Eiffel và chúng tôi rất vui vì có công trình này ở Bordeaux và cầu Eiffel vẫn tiếp tục bắc qua sông Garonne đầy kiêu hãnh”.
Nguy cơ bị tháo dỡ
Tuy nhiên trước khi được xem là một công trình lịch sử, một di sản của Bordeaux, cầu Eiffel đã phải đối mặt với nguy cơ bị phá hủy. Vào đầu những năm 2000, nhu cầu di chuyển đường sắt ngày càng cao, một dự án mở rộng cầu đường sắt tại Bordeaux đã được khởi xướng với đề xuất tháo dỡ cầu Saint-Jean. Trước thông tin này, bà Myriam Larnaudie, cháu gái đời thứ 5 của Eiffel đã thành lập một tổ chức “Sauvons la Passerelle Eiffel”, quy tụ hơn 300 thành viên, với mục đích giữ gìn di sản mà vị bậc thầy về sắt để lại để lại.
Vào tháng 6 năm 2008, tối hậu thư được đưa ra với cầu Saint-Jean. Ngày 15/06, các cần cẩu bắt đầu phá dỡ lối vào từ nhà ga, nhấc từng giàn cầu đi. Song song với quá trình này là cả một công cuộc đấu tranh với không biết bao nhiêu lời kêu gọi, cuộc họp với thành phố và các bên liên quan của những người muốn cứu lấy cây cầu. Đến ngày 23/06, một kì tích đã xảy ra khi UNESCO can thiệp, đe dọa loại bỏ khu vực \’Port de la lune\’ của Bordeaux khỏi danh sách Di sản của thế giới nếu phá hủy cầu Eiffel. Thành phố Bordeaux đã khẩn cấp xếp cầu Eiffel vào di tích lịch sử vào ngày 26/06.
“Cây cầu Eiffel đã được cứu !” Bà Myriam Larnaudie Eiffel xúc động thuật lại : “Khi tôi nhìn thấy những giàn giáo và cần cẩu được lắp đặt hai đầu cầu hai bên bờ sông, và cây cầu có thể bị tháo dỡ 3 tuần sau đó. Đó là một điều thật cay đắng, chúng tôi tưởng như đã thất bại. Đó là 3 tuần đấu tranh, bảo vệ hình ảnh, bảo vệ di sản. Nhưng cuối cùng thì cầu đã được cứu. Thật không tin được khi nghĩ đến việc tháp Eiffel cũng đã suýt chút nữa bị tháo dỡ, chỉ với một phiếu bầu của Hội đồng thành phố Paris. Khi sinh thời, Eiffel cũng đã phải tự bảo vệ những công trình của mình… Những dậu duệ của ông, chúng tôi cũng đã trải nghiệm điều này theo một cách nào đó.”
Cầu Saint-Jean chính thức được xếp vào danh sách di tích lịch sử của thành phố Bordeaux vào năm 2010 và trải qua vài lần trùng tu. Nằm song song với cây cầu đường sắt mới, cầu Saint-Jean với dấu ấn Eiffel, những hoạ tiết hoa văn thời trung cổ, đứng sừng sững giữa sông Garonne mà không còn có lối vào, đã ngừng hoạt động từ 2008 đến nay.
Các kế hoạch chuyển đổi sử dụng cầu đã được đưa ra từ 2012, với những ý tưởng như cầu đi bộ, khu triển lãm…vv. Đến năm 2019, một kế hoạch tỉ mỉ, cải tạo cây cầu thành một khu phức hợp văn hoá, thương mại, văn phòng, … được đưa ra bởi văn phòng kiến trúc Why Architecture, do kiến trúc sư trưởng là Julien Vincent phụ trách. Trong một dịp đặc biệt, vào năm 2017, ông Julien Vincent đã được đến khảo sát cầu Saint-Jean. Kiến trúc sư cho biết mình luôn bị ấn tượng bởi những công trình được xây dựng bằng sắt và rất lấy làm tiếc khi phải chứng kiến một công trình lịch sử của Eiffel bị bỏ rơi, han rỉ, và không còn bất cứ mục đích sử dụng nào : “Tôi đã thực sự rất sốc, tôi tự nói với bản thân là phải tìm ra mục đích sử dụng mới cho cây cầu này. Hiện cầu đã được xếp vào di tích lịch sử và được trùng tu nhờ ngân sách công. Trong 20, 50 năm nữa, ngay cả khi chúng ta có thể tiếp tục trùng tu cầu với những chi phí lớn từ ngân sách, nhưng một cây cầu bắc qua một con sông mà nước có độ mặn đáng kể, sẽ rất nhanh bị hư hại, chưa kể công trình sắt này tồn tại từ hơn 150 năm qua. Do vậy cần phải tìm ra cách sử dụng để bảo đảm tương lai của cây cầu này”.
Cải tạo cầu thành khu phức hợp văn hóa
Kiến trúc sư Julien Vincent cho biết đã thảo luận với bà Myriam Larnaudie-Eiffel, lúc đó là chủ tịch hiệp hội \’Sauvons la passerelle Eiffel\’, đưa ra những phương án khác nhau, như cầu đi bộ, tạo lối đi cho xe đạp. Ý tưởng này nhanh chóng đã vấp phải nhiều trở ngại, mà quan trọng nhất là vấn đề tài chính. Hiện Bordeaux đã có nhiều cầu cho phép di chuyển qua lại giữa hai bờ sông, có thêm một cây cầu đi bộ mà trị giá cải tạo lên đến cả triệu euro, thì khó có thể tìm được nguồn tài trợ. Thành phố Bordeaux có lẽ cần chi ngân sách để xây trường học, bể bơi…,vv, chứ không cần thêm cầu đi bộ nữa.
Do vậy, theo ông Julien Vincent, cần tính đến phương án làm sao để cho cây cầu có thể lưu thông trở lại mà vẫn có khả năng tự tài trợ cho dự án này, tạo giá trị gia tăng và nhất là không cần đến ngân sách Nhà nước. Đó là một dự án đầy tham vọng ! Lối đi bộ sẽ nằm sát hai bên thành cầu, gần với dòng sông, còn ở giữa sẽ được bố trí các không gian văn hoá, giúp cho người qua đường nhận thức được về sự đa dạng sinh học của dòng sông Garonne, đổ ra Đại Tây Dương. Những không gian giải trí, nghỉ ngơi, nhà hàng, hay thậm trí là một nơi tổ chức lễ cưới mà người ta có thể khiêu vũ…, và đáng chú ý nhất là một bảo tàng đầu tiên về Gustave Eiffel tại Pháp, ngay trên chính cây cầu đầu tiên mà ông chỉ đạo xây dựng. Ông Julien nói : “ Dĩ nhiên, ban đầu thì đây được xem như là một dự án không tưởng, và không có cơ hội để thực hiện được. Bởi vì tạo một cây cầu có thể ở được trên đó không phải là ý tưởng phổ biến. Hơn nữa cấu trúc bằng sắt của cầu đã cũ, và có rất nhiều hạn chế”.
Vị kiến trúc sư Bordeaux lần lượt đưa ra những giải pháp cho các hạn chế khi muốn xây dựng ở phía trên mặt sông, trên một cây cầu bằng sắt. Thứ nhất, là cần xây cây cầu đi bộ nối cầu với trung tâm văn hoá Mecca ngay cạnh đó. Cầu Eiffel nằm sát một cây cầu đường sắt, nhưng các đoàn tàu chuẩn bị vào nhà ga, đều phải di chuyển chậm, hạn chế được mức độ nguy hiểm. Vấn đề tiếng ồn thì được coi là “âm thanh của công nghiệp” nên có lẽ sẽ không gây phiền hà. Trên thế giới, không ít địa điểm có đường sắt qua lại trở thành nơi thu hút khách du lịch, như một số tuyến đường sắt chạy qua thành phố ở Hà Nội, Việt Nam, hoặc ở Thái Lan. Ngoài ra, kính và nhất là gỗ, một loại vật liệu nhẹ mà ông Julien ưu tiên sử dụng trong các công trình của mình, sẽ được sử dụng chủ yếu làm vật liệu xây dựng, nhằm giảm sức nặng cho cầu.
Vì là một vùng có thời tiết nóng vào mùa hè nên vấn đề về nhiệt độ cũng được xem xét. Ông Julien đã làm việc với một đội lính cứu hộ, cứu hỏa, để kiểm tra tính khả thi của những lối thoát hiểm nếu gặp phải rủi ro như hoả hoạn trên cầy cầu dài 500 mét ở giữa sông. Các khu vệ sinh cũng sẽ được bố trí. Nếu nhìn từ xa, cấu trúc của cây cầu sẽ không có bất cứ thay đổi nào, mà có sức sống trở lại, có thể trở thành một trung tâm văn hoá trong lòng người dân Bordeaux.“Một cây cầu được chuyển đổi cách sử dụng như vậy là chưa từng có”, như nhận định của ông Vincent. Ông nói : “Khi chúng ta thấy tác động của tháp Eiffel đối với Paris và khi thấy được tiềm năng của cây cầu dài 500 mét nằm ngang, tôi nghĩ rằng tác động đối với thành phố có thể lớn hơn là ngọn tháp cao 300 mét. Bordeaux cần có những biểu tượng mạnh. Với một vài toà nhà ấn tượng được xây dựng ở hai bên bờ sông, cây cầu này có thể trở thành một nơi độc nhất vô nhị trên thế giới. Nếu thực hiện được, dự án này sẽ có thể trở thành một tấm gương, tạo cảm hứng cho vô số những cây cầu của Eiffel trên thế giới, (tìm lại sức sống, tính hữu dụng).”
Số phận của cây cầu đầu tiên của Eiffel ?
Kế hoạch được đệ trình từ năm 2019 nhưng cho đến nay cầu Eiffel vẫn trong hành trình định hình số phận của mình. Theo kiến trúc Julien Vincent, cựu đồng sáng lập Why architecture, dự án trên đã nhận được phản hồi tích cực, có thể được xem là giải pháp tốt nhất hiện nay khi có khả năng tạo ra giá trị gia tăng nhờ nguồn thu tài chính mà dự án đem lại. Để dự án có thể thực hiện được thì cần phải tìm được một chủ thầu can đảm, dám đầu tư. Ông Julien Vincent khẳng định “những khó khăn có thể được xem như là những cơ hội và tin rằng có thể tìm được người đầu tư”. Theo kiến trúc sư, “nói đến khó khăn, đó là về chính trị, khi cần phải có sự đồng thuận của tất cả các bên đúng lúc từ ý kiến của Thành phố Bordeaux, EPA Bordeaux Euratlantique và SNCF – hiện là chủ của công trình này. Chỉ cần một giám đốc nào thay đổi thì cần phải bắt đầu lại từ đầu.”
Về phía Thành phố Bordeaux, phó thị trưởng phụ trách về văn hoá, ông Baptiste Maurin đánh giá cao dự án chuyển đổi, cải tạo cây cầu nhưng nhấn mạnh rằng có những vấn đề mà thành phố cho là phức tạp và cần nghiên cứu thêm. Ông nói: “Chúng tôi đã làm việc với các lãnh đạo khác nhau của dự án và đã suy nghĩ về tương lai của cây cầy này, sự thực khá là phức tạp. Bởi cầu không được thiết kế (như ban đầu), để tiếp nhận công chúng, nên có những hạn chế về an ninh. Hai đầu cầu không được kết nối với đất liền nên cần phải xây lại. Đó là một cây cầu cũ, xây dựng trong khu vực hay bị ngập lụt, nên cần phải xử lý khu vực này. Chúng tôi vẫn đang xem xét đến khả năng thoát hiểm, sơ tán nếu xảy ra vấn đề như hỏa hoạn. Bởi vì khi bị mắc kẹt trên một cây cầu thì chẳng khác nào ở trong ngõ cụt. Vì vậy đây là một chủ đề rất phức tạp!”
Liệu Gustave Eiffel có mong muốn cải tạo, sửa lại cây cầu và đưa mục đích sử dụng mới cho công trình của mình hay không? Theo bà Myriam, sinh thời Eiffel đặt ra hai mục đích chính khi xây dựng. Thứ nhất là sự tiến bộ về kĩ thuật trong thời đại mà khoa học đem lại niềm tin lớn cho tương lai. Thứ hai, Eiffel không xây cầu để làm đẹp làm cảnh mà là vì tính hữu dụng.
Chẳng hạn như tháp Eiffel, những năm cuối đời mình, ông đã dành thời gian nghiên cứu để ngọn tháp có thêm các tính năng khác, như lắp đặt sóng radio, truyền hình, cũng như phục vụ công tác nghiên cứu thiên văn. Do vậy bà Myriam cho rằng Eiffel có thể hoàn toàn đồng ý với dự án mang lại tính hữu dụng cho cây cầu. Chủ tịch Hiệp hội hậu duệ Eiffel nhấn mạnh rằng “đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền với di sản của Eiffel cần đưa ra quyết định”.