Tập trận với các nước Đông Nam Á : Lá bài cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ

Những tháng gần đây, Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận với các nước Đông Nam Á. Theo giới quan sát, Bắc Kinh đang dùng « ngoại giao quân sự » nhằm khẳng định vị thế một đối tác an ninh thay thế cho Mỹ. Tuy nhiên, những căng thẳng ở Biển Đông cũng có thể là một áp lực khiến nhiều nước Đông Nam Á không thắt chặt quan hệ quốc phòng với Bắc Kinh. 

Đăng ngày: 02/06/2023

\"\"
\"\"
Tàu tuần duyên của Mỹ và Nhật neo đậu tại Manila, Philippines, ngày 01/06/2023 để tham gia thao dượt với lực lượng tuần duyên Philippines tại một khu vực gần Biển Đông. AP – Aaron Favila

Minh Anh

Trong hai tháng gần đây, quân đội Trung Quốc liên tiếp có những cuộc tập trận chung với một số nước trong khu vực, chẳng hạn cuộc tập trận Trung – Lào mang tên Friendship Shield 2023, tập trận hải quân bắn đạn thật Singapore – Trung Quốc, thao dượt tuần tra chung Trung Quốc – Việt Nam ở vịnh Bắc Bộ, hay chiến dịch Golden Dragon 2023 Trung Quốc – Cam Bốt, mô phỏng cuộc chiến chống khủng bố v.v…  

Ngoại giao quân sự của Trung Quốc  

Tuy nhiên, trong những cuộc tập trận này, Bắc Kinh chỉ triển khai những loại trang thiết bị quân sự không mấy tiên tiến, tinh vi và khả năng phòng thủ thấp. Theo đánh giá của giáo sư Paul J. Smith, thuộc US Naval War College, được tờ báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn, đây thực chất chỉ là một chiến lược « ngoại giao quân sự » được Bắc Kinh đẩy mạnh dưới thời ông Tập Cận Bình.   

Trong chính sách này, sự « phô bày » và « báo hiệu » là những thành tố không thể bỏ qua trong ngoại giao quân sự. Thế nên, chuyên gia người Mỹ này cho rằng Trung Quốc có nhiều khả năng gia tăng tần suất của những cuộc tập trận như thế trong khu vực như một phương cách để thoát khỏi điều mà Bắc Kinh cho là một hành động « bao vây  » của Washington.  

Mặt khác, nhà nghiên cứu Blake Herzinger, thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Mỹ tại Sydney, đánh giá, khi tổ chức những cuộc tập trận chung này, Trung Quốc đang tìm cách khẳng định vị thế như là một đối tác an ninh mới, có thể thay thế Mỹ và nhiều cường quốc khác. Bắc Kinh cho rằng những cuộc tập trận làm quen có thể giúp cho Trung Quốc và quân đội các nước đối tác hiểu nhau hơn và tránh được những vấn đề lớn hơn.  

Nhưng vị thế này của Trung Quốc sẽ rất khó được nhiều nước chấp nhận do thái độ và hành xử của Bắc Kinh trong những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, với những yêu sách quá đáng tại Biển Đông, những hành động bắt nạt và quấy rối tầu thuyền các nước trong khu vực. Đối với ông Blake Herzinger, Trung Quốc không phải là một đối tác đáng tin cậy trong khu vực.  

Mỹ vẫn là một «tiêu chuẩn vàng» 

Trong khi đó, từ nhiều thập niên qua, các nước Đông Nam Á đã tiến hành những cuộc tập trận với nhiều đối tác khác trong khu vực và với phương Tây, chẳng hạn như chiến dịch Balikatan – tập trận Mỹ – Philippines, chiến dịch Cobra Gold tại Thái Lan giữa Mỹ với nhiều nước khác tại châu Á; hay cuộc tập trận Five Power Defense Arrangement giữa Singapore, Malaysia, Úc, New Zealand và Anh, hoặc thao dượt cứu trợ nhân đạo giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tóm lại, theo đánh giá của ông Blake Herzinger, trước sự ve vãn của Trung Quốc, Mỹ và cường quốc quân sự khác, các nước Đông Nam Á sẽ là bên quyết định tính chất quan hệ quân sự – an ninh phù hợp nhất với nhu cầu của họ.   

Đương nhiên, phần lớn những nước này chọn một mối quan hệ cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh, vài nước sẽ có xu hướng nghiêng về một phía nhiều hơn phía kia, nhưng « chương trình huấn luyện, thao dượt của Mỹ vẫn là một tiêu chuẩn vàng ». Ngoài thiết bị tinh vi hiện đại, những cuộc tập trận với Mỹ đòi hỏi một sự hợp tác chặt chẽ hơn, và mang tính liên tác chiến cao hơn, theo kết luận của chuyên gia Blake Herzinger. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment