Liên Hiệp Quốc sẽ đưa ra bản dự thảo đầu tiên về hiệp ước chống ô nhiễm rác thải nhựa

Sau 5 ngày họp căng thẳng tại Paris, Pháp, hôm qua, 02/06/2023, 175 quốc gia đã nhất trí đưa ra bản thảo đầu tiên về hiệp ước chống ô nhiễm rác thải nhựa toàn cầu, trước khi cuộc họp tiếp theo tại Kenya diễn ra vào tháng 11/2023.   

Đăng ngày: 03/06/2023

\"\"
\"\"
Rác nhựa ở hồ Potpecko, miền tây nam Serbia, ngày 12/01/2023. © Marjan Vucetic / AP

Chi Phương

Trong ngày cuối của cuộc họp tại trụ sở UNESCO ở Paris, tối hôm qua 02/06, các quốc gia đã cam kết từ nay đến tháng 11/2023 sẽ đưa ra một bản dự thảo đầu tiên của hiệp ước về chống ô nhiễm nhựa. Các nước cũng đã đạt thỏa thuận về việc hiệp ước sẽ được áp dụng như thế nào, hoặc các nguyên tắc cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Đây là vòng đàm phán thứ 2 trong số 5 vòng đàm phán, nhằm thiết lập một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm 2024, chống ô nhiễm rác thải nhựa. Sau cuộc họp tiếp theo ở Kenya, các cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra ở Canada vào tháng 04/2024 và kết thúc ở Hàn Quốc vào cuối năm 2024.  

Tại buổi bế mạc hôm qua, thư ký của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về nhựa (INC), ông Jyoti Mathur-Filipp, nhấn mạnh : “Ngay từ những ngày đầu của cuộc họp này, tôi đã kêu gọi quý vị hãy làm cho cuộc họp của Paris có giá trị. Mọi người đã làm được điều đó… !”. Bộ trưởng Chuyển Đổi Sinh Thái của Pháp, Chrisophe Béchu, nhận định rằng kết quả tích cực này có được sau “một tuần làm việc mà khởi đầu không dễ dàng” với những lời bắt bẻ, những kế hoãn binh của một số quốc gia.

Cuộc họp bắt đầu từ thứ Hai, nhưng các nhà đàm phán chỉ có thể đi vào vấn đề chính từ thứ Tư. Trong hai ngày đầu, 29 và 30 tháng Năm, các quốc gia vùng Vịnh, và những nước gây ô nhiễm nhựa nhiều nhất như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ, đã có những hành động ngăn cản đàm phán.   

Trong một thông cáo được AFP trích dẫn, tổ chức Green Peace nhận định “các cuộc đàm phán tuần này cho thấy các quốc gia sản xuất dầu mỏ và ngành năng lượng hóa thạch đã làm mọi cách để làm suy yếu hiệp ước và làm chậm quá trình đàm phán”. Ngay cả khi những cuộc thảo luận quan trọng đã diễn ra, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Không thể nói chắc rằng từ nay đến năm 2024, 175 nước sẽ đạt được một hiệp ước đầy tham vọng như vậy đối với môi trường. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment