Những điều chưa biết về nhà tù khét tiếng Lefortovo của Nga

Saigon Nhỏ

\"\"

Cổng chính của Lefortovo (ảnh: Vlad Karkov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Trong nhiều thập niên, Lefortovo là biểu tượng của sự áp bức và trấn áp ở Nga, đặc biệt đối với những kẻ dám thách thức quyền lực Kremlin. Nhà báo Mỹ Evan Gershkovich, bị bắt vào Tháng Ba, hiện bị giam tại đây, chờ xét xử về tội “gián điệp”.

Về “lý thuyết”, Lefortovo là một trại “tạm giam” trước khi can phạm được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nạn nhân đã bị nhốt ở Lefortovo suốt nhiều năm. Paul Whelan, một cựu thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, đã ăn cơm tù Lefortovo suốt hai năm trước khi bị đưa ra tòa xử tội gián điệp và hiện thụ án 16 năm tại một nhà tù khác.

Báo chí Mỹ đã viết khá nhiều về Lefortovo. Mới đây, tờ The Washington Post (31 Tháng Năm 2023) cho biết nhiều chi tiết hơn. Dựa trên mô tả của các tù nhân, luật sư và cả giám thị nhà tù, cùng những bức thư và bản phác thảo, phim tài liệu và ảnh về Lefortovo, The Washington Post đã soi rọi thêm về cuộc sống bên trong nhà tù Lefortovo. Ivan Safronov, một nhà báo người Nga đang thụ án 22 năm ở Krasnodar (một thành phố ở Nam nước Nga) vì tội phản quốc, đã bị nhốt ở Lefortovo hơn hai năm, từ năm 2020 đến 2022. Trong một lá thư gửi The Washington Post, Ivan Safronov cho biết, việc bị giam giữ nhiều ngày được thực hiện với “mục đích cô lập, để ‘đóng băng’ trí não tù nhân để họ chịu không nổi và cuối cùng phải nhận tội”.

Lefortovo được xây vào cuối những năm 1800, thời Sa hoàng, nằm ở rìa phía Đông Kremlin. Tòa nhà bốn tầng có tường màu vàng được xây theo hình chữ K. Các cựu tù nhân kể lại, Lefortovo được thiết kế để gieo rắc sợ hãi, sự cô lập và nhằm bẻ gãy tinh thần người bị giam. Trong các hành lang bên ngoài phòng giam, tất cả đều bị cách âm bởi những tấm thảm cũ nát. Toàn bộ không gian trong Lefortovo đều luôn chìm trong im lặng tuyệt đối. Tuyệt đối không có bất kỳ âm thanh gì. Nó như một hầm mộ lạnh ngắt đến rợn người – theo miêu tả của Valentin Moiseyev, một nhà ngoại giao Nga từng bị buộc tội làm gián điệp, thuật lại trong trong hồi ký “How I Was a ‘South Korean Spy” năm 1998. Đương sự từng bị giam ba năm rưỡi ở Lefortovo.

\"\"
Một trong những cổng vào Lefortovo, ghi hàng chữ “Không được đậu xe trước cổng” (ảnh: Vlad Karkov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Thời Liên Xô, một chái nhà dùng làm nơi làm việc của KGB được xây thêm vào cấu trúc tòa nhà Lefortovo. Sau này, chái nhà này thuộc về cơ quan kế nhiệm, Cơ quan An ninh Liên bang (FSB). Đầu những năm 2000, quyền quản lý Lefortovo được chuyển từ FSB sang Bộ Tư pháp do Hội đồng Châu Âu cấm các cơ quan điều tra điều hành nhà tù. Tuy nhiên trên thực tế, FSB vẫn là “giám ngục” thật sự của Lefortovo.

Theo lời kể của Ivan Safronov cũng như nhiều nhân chứng khác, mỗi ngày, tù nhân được phép tản bộ một giờ trong các bãi tập thể dục. Lúc đó, hệ thống radio trung tâm bắt đầu phát nhạc ầm ĩ, để tù nhân trò chuyện được vì không thể nghe thấy nhau. Sau 10 ngày cách ly ban đầu, tù nhân được chuyển đến phòng giam. Họ bị giam một mình hoặc với tối đa một người nữa. Mỗi phòng giam gần như giống hệt nhau, rộng khoảng 8 mét vuông.

Một cửa sổ nhỏ có chấn song được mở bằng một đòn bẩy đặc biệt cho phép tù nhân nhìn thấy một ít bầu trời. Nhà vệ sinh được thiết kế sơ sài. Một nửa bức tường lát gạch ngăn nó với chiếc giường. Ngoài ra còn có bồn rửa, tủ lạnh và một tủ âm tường đựng thức ăn mua từ cửa hàng của trại giam hoặc do người nhà mang đến. Một cái bàn và cái ghế được bắt vít xuống sàn. Có một chiếc TV chỉ phát các kênh nhà nước. Trong hồi ký, Valentin Moiseyev kể, cứ hai hoặc ba phút lại có một tên lính gác nhìn vào lỗ cửa. Những người bị giam chỉ rời khỏi phòng vào giờ đi dạo, thẩm vấn, kiểm tra y tế hoặc lúc ra tòa. Họ chỉ được phép tắm mỗi tuần một lần…

Lefortovo từng là một trong những địa điểm chính được cảnh sát mật sử dụng thời chiến dịch Đại Thanh trừng tàn bạo của Joseph Stalin những năm 1930. Nó trở thành nơi tra hỏi, tra tấn và hành quyết. Trong hồi ký, nhà văn và nhà bất đồng chính kiến người Nga Eduard Limonov thuật rằng những người bị giam được áp giải từ phòng giam đến phòng thẩm vấn giữa những âm thanh kim loại nghe rợn người. Đó là lúc bọn cai ngục búng tay hoặc sử dụng một dụng cụ kim loại đặc biệt để tạo âm thanh nhắc mọi người tránh đường.

Trong bài viết gần đây, Wall Street Journal cho biết thêm, trong các phòng thẩm vấn, người ta không thấy gì trừ một chiếc bàn gỗ, vài chiếc ghế, một két sắt màu xám và một cuốn lịch treo tường do Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) in ấn. Có một cửa sổ nhìn ra mảnh sân trống. Trevor Reed, cựu Thủy quân lục chiến Mỹ từng trải qua bốn ngày ở Lefortovo vào năm 2022, cho biết Lefortovo là nhà tù độc ác nhất trong sáu nhà tù mà ông bị giam khi thụ án ba năm trong bản án chín năm. Reed được trả tự do vào Tháng Tư 2022 trong một cuộc trao đổi tù nhân với Konstantin Yaroshenko, một phi công người Nga bị kết án tại tòa án liên bang Hoa Kỳ về tội buôn lậu ma túy.

Bọn lính bảo vệ Lefortovo luôn cạo râu sạch sẽ và tướng tá cường tráng. Chúng tỏ ra rất hãnh diện về tầm quan trọng của Lefortovo đối với nước Nga. Chúng thường nhắc lại nhân vật Lavrentiy Beria với vẻ tự hào. Beria là tên sếp mật vụ lâu đời nhất của Stalin. Chúng nói rằng bóng ma Beria lâu lâu vẫn trở về thăm Lefortovo lúc trời tối. Sảnh làm việc cũ của Beria, nơi hàng đêm Beria thẩm vấn những tướng tá bội phản Stalin, chính là nơi mà bọn quản lý nhà tù Lefortovo dùng làm “phòng phiếu” bầu tổng thống hồi năm 2018, lần bầu cử mà Putin đã đắc cử nhiệm kỳ bốn với tỉ lệ 77%.

Bài Liên Quan

Leave a Comment