June 3, 2023
Ý kiến nói cái thói của cộng sản là nói một đằng, làm một nẻo, lật lọng một cách trắng trợn. Cam kết của Phạm Minh Chính trước quốc tế chưa ráo mực thì Việt Nam đã lên kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy điện đốt than, đồng thời gây khó dễ, ngăn cản các dự án điện gió, điện mặt trời kết nối vào mạng lưới điện quốc gia.
Hồi Tháng Mười Một, 2021, Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn thế giới về biến đổi khí hậu tại Glasgow, Scotland, gọi tắt là COP26. Phái đoàn chính phủ Việt Nam do Phạm Minh Chính dẫn đầu, cam kết chấm dứt sử dụng than đá trong các nhà máy nhiệt điện và tham gia nỗ lực chung nhằm ngăn chặn nạn phá rừng nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thông tin về cam kết của Việt Nam tại COP26 bị che mờ do truyền thông xúm vào xì căng đan đớp thịt bò dát vàng của Tô Lâm, thành viên trong phái đoàn ông Chính. Nhưng các tổ chức bảo vệ môi trường đều đánh giá cam kết này mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội để chuyển đổi mô hình kinh tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Các tổ chức môi trường trong nước coi cam kết của ông Chính tại COP26 là một sự thay đổi tích cực trong nhận thức về môi trường của giới lãnh đạo Việt Nam và họ đẩy mạnh hoạt động để lôi kéo sự tham gia của người dân vào công cuộc biến cam kết đó thành hiện thực.
Tin vào cam kết của Chính, lãnh đạo nhóm các nước liên minh Đối Tác Chuyển Đổi Năng Lượng Công Bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP, gồm Liên Âu, Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Ý, Nhật, Na Uy, và Đan Mạch) đã ký một thỏa thuận hỗ trợ Việt Nam chuyển từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, chấm dứt việc phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hoàn thành cam kết mà ông Chính đã long trọng đưa ra tại COP26. Theo thỏa thuận ký ngày 14 Tháng Mười Hai, 2022, liên minh JETP sẽ huy động cho Việt Nam $15.5 tỷ trong khoảng 3-5 năm tới để thực hiện việc chuyển đổi này.
Nhưng cái thói của cộng sản là nói một đằng, làm một nẻo, lật lọng một cách trắng trợn. Cam kết của thủ tướng trước quốc tế chưa ráo mực thì Việt Nam đã lên kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy điện đốt than, đồng thời gây khó dễ, ngăn cản các dự án điện gió, điện mặt trời kết nối vào mạng lưới điện quốc gia. Theo báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN, hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đã hoàn thành, với tổng công suất 4,676.62 megawatt phải “đắp chiếu” vì không bán được điện vào lưới điện quốc gia do vướng thủ tục hành chính (!).
Tập Đoàn Điện Lực (EVN) độc quyền về điện xưa nay chỉ chú trọng xây dựng các nhà máy điện đốt than, mua các nhà máy điện than cũ mà Trung Quốc thải ra khi nước này chuyển sang năng lượng sạch, đem về dựng lên các “trung tâm nhiệt điện” khổng lồ ở Bình Thuận, Kiên Giang, Hà Tĩnh, và vài tỉnh khác ven biển, bất chấp các chuyên gia cảnh báo tình trạng thiếu than đá trầm trọng, những núi xỉ than chất ngất và khói bụi gây ô nhiễm môi trường không thể xử lý được.
Nhưng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi,” EVN cố tình bắt tay với Trung Quốc, trục lợi tối đa từ các dự án điện than, thiếu điện thì mua của Trung Quốc. Cách làm ăn như vậy gây tai họa cho đất nước nhưng mang lại lợi lộc vô cùng béo bở cho đám quan chức trong và ngoài ngành điện.
Các tổ chức môi trường như GreenID của bà Ngụy Thị Khanh, CHANGE của bà Hoàng Thị Minh Hồng là rào cản thủ đoạn làm ăn của các nhóm lợi ích xung quanh ngành điện, phản biện các luận điểm gian trá của họ, cho nên chúng phải bị đập tan, bất kể ông thủ tướng hứa hươu hứa vượn thế nào ở các diễn đàn quốc tế.
(Theo Người Việt)