Các nhóm lừa đảo trên mạng ‘chặt chém’ học sinh Anh hàng trăm bảng mỗi người cho các đề thi GCSE và A-level mà họ nói là bị rò rỉ, nhưng thực chất có vẻ là đề giả.
Một học sinh thi GCSE (kỳ thi cuối cấp tiểu học cho học sinh 16 tuổi, gồm tối thiểu 9 môn) năm nay được một người trên Instagram báo giá 500 bảng Anh cho đề thi một môn.
Các cơ quan ra đề thi cho biết việc lộ đề là rất hiếm khi xảy ra.
Họ cũng cảnh báo các vụ lừa đảo bán đề thi đang ngày một phổ biến, với những kẻ lừa đảo đòi từ 7,5 tới 4000 bảng Anh cho một đề.
Instagram, Tiktok và Snapchat nói các hoạt động lừa đảo đi ngược với quy định của các hãng này và người dùng nào phát hiện các tài khoản lừa đảo nên report chúng.
Cơ quan phụ trách thi quốc gia Ofqual cảnh báo học sinh nào bị phát hiện gian lận sẽ bị cấm thi.
Jade (không phải tên thật), một học sinh 15 tuổi, cho BBC News biết lần đầu em thấy có các tài khoản bán đề thi GCSE là trên TikTok. Sau khi chat với một tài khoản, em được dặn là phải liên hệ với người bán đề thi trên Instagram.
\”Em rất ngạc nhiên vì giá cao trên trời,” Jade nói.
“Giá họ rao là từ 500 bảng trở lên cho một môn.”
Jade không mua đề thi nhưng cho biết em quen một vài học sinh đã mua, có người trả tới 900 bảng cho một đề.
Một học sinh khác cho biết em đã trả một tài khoản 60 bảng cho đề thi toán GCSE năm ngoái.
Nhưng sau đó tài khoản này chặn em và không gửi đề, khiến em cảm thấy “bị xúc phạm và bực mình”.
Điều tra của đài BBC
BBC News giả làm một học sinh sắp thi GCSE và liên hệ với hai toàn khoản riêng rẽ trên Instagram rao bán đề thi.
Một tài khoản báo giá 120 bảng cho đề thi địa lý và 150 bảng cho đề tiếng Anh. Tài khoản kia báo giá 150 bảng cho một môn.
Sau khi trả phí, các tin nhắn của chúng tôi bị phớt lờ và không có đề thi nào được gửi. Tài khoản của kẻ lừa đảo được xóa trước khi chúng tôi có cơ hội report với Instagram.
Một người phát ngôn cho Meta, công ty sở hữu Instagram, nói việc bán đề thi hay đáp án trong tương lai sẽ bị cấm và bất kỳ nội dung nào như vậy sẽ bị xóa khỏi mạng này.
Các ban ra đề thi không có quyền đóng các tài khoản lừa đảo, nên họ report tới các mạng xã hội.
Người phát ngôn cho TikTok nói bất kỳ tài khoản nào “quảng cáo gian lận hay lừa đảo” sẽ bị xóa, còn Snapchat cho biết người dùng phải report các hoạt động đáng ngờ để mạng này xử lý.
Người điều hành cơ quan quản lý kỳ thi Ofqual Jo Saxton dặn học sinh không nên dựa vào “những kẻ lừa đảo trên mạng” để chuẩn bị cho kỳ thi.
“Các em có nguy cơ không những mất tiền mà còn phải chịu hậu quả nghiêm trọng cho bản thân,” bà nói.