Đăng ngày: 06/06/2023
Pháp giữ được điểm tín nhiệm AA của cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Standard&Poor’s. Có sức thu hút đầu tư cao nhất tại châu Âu năm 2022, với các dự báo tăng trưởng không tệ, thất nghiệp ở mức thấp nhất từ 40 năm qua : Tại sao Paris lại sợ mất uy tín với các nhà đầu tư ? Đâu là những tiêu chí để « chấm điểm » một nền kinh tế ? Tiếng nói của những hãng thẩm định tài chính có trọng lượng đến mức độ nào ?
Cuối tháng 4/2028 Pháp đã bị Fitch, một trong ba tiếng nói uy tín nhất thế giới trong số các cơ quan thẩm định tài chính hạ điểm tín nhiệm. Trong suốt cả ngày 02/06/2023 bộ Tài Chính Pháp « đứng ngồi không yên », báo chí đồng loạt chờ đợi Standard&Poor’s cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự. Paris tạm thời an tâm, vì đến cuối ngày, kịch bản đó đã không xảy ra. Pháp tạm thời giữ được AA (tức là ở mức « an toàn và ổn định » chưa bị giáng xuống mức AA- (đồng nghĩa với việc tuy vẫn an toàn nhưng tình hình có khuynh hướng « xấu đi »).
Giới quan sát đồng loạt lưu ý : bảng xếp hạng về mức độ an toàn của một nền kinh tế tương tự như một cuốn « cẩm nang » hướng dẫn có nên đầu tư vào một quốc gia nào đó trên thế giới hay không. Từ nhiều thập niên qua, ba tiếng nói của Fitch, Standard&Poor’s và Moody’s luôn rất được lắng nghe. Ba chữ A (AAA) được coi là hạng điểm cao nhất và đứng cuối bảng là hạng D.
Moody’s hiện tại chưa đưa ra bảng xếp hạng mới về tình hình của Pháp, nhưng theo một số nguồn tin thông thạo, hãng này thận trọng về « khả năng cải tổ kinh tế » của tổng thống Emmanuel Macron trong nhiệm kỳ 5 năm do ông Macron và đảng cầm quyền không có được đa số tuyệt đối ở Quốc Hội để dễ dàng thông qua các chương trình cải tổ. Điển hình là với luật cải tổ chế độ hưu bổng tại Pháp.
Paris bị chỉ trích « vung tay quá trán »
Trả lời đài RFI Pháp ngữ, Norbert Gaillard, chuyên gia kinh tế giải thích vì sao các cơ quan thẩm định tài chính quốc tế « hoài nghi » về khả năng thanh toán của chính phủ Pháp :
« Nợ của Pháp khá cao. Thâm hụt ngân sách Nhà nước so với GDP hiện nay khoảng 5 % thay vì 3 % như quy định của hiệp ước Maastricht, và nợ công tương đương với 110 % tổng sản phẩm nội địa thay vì 60 %. Nợ của nước Pháp đã lên tới trên dưới 3.000 tỷ euro. Điều đáng chú ý là trong từ 20 -25 năm trở lại đây tình trạng tài chính của Pháp liên tục xấu đi. Ít có khả năng Pháp giảm được nợ công và thu hẹp thâm hụt ngân sách từ nay đến 2027, tức là khi tổng thống Macron kết thúc nhiệm kỳ ».
Hệ quả nào khi bị « tuột hạng » trên nấc thang an toàn ?
Để khắc phục hậu quả đại dịch Covid gây nên, chính phủ từ 2020 đã bơm thêm 240 tỷ euro trong 3 năm liên tiếp (tương đương với 10 % GDP của Pháp). Kinh tế gia Gaillard so sánh trường hợp của Pháp với một số nền kinh tế khác cũng đang được xếp hạng ở cấp 2 chữ A, thì « Ireland chẳng hạn có mức nợ công thấp hơn so với Pháp trong khi đó thì viễn cảnh tăng trưởng của Ireland lại cao hơn so với của Pháp. Thế còn tại vùng Vịnh, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, « nhờ giá năng lượng đang cao, thu nhập tại đây rất tốt, quốc gia vùng Vịnh này không mang nợ nhiều như Pháp ». Có điều, Abou Dabi lệ thuộc vào giá dầu hỏa và khí đốt. « Kinh tế của Pháp đa dạng hơn nhiều nên đó là một lợi thế của Paris trong mắt các cơ quan thẩm định tài chính ».
Hệ quả nào khi bị « tuột hạng » trên nấc thang an toàn ?
Khi bị sụt hạng trên nấc thang tín nhiệm hậu quả sẽ ra sao đối với Pháp nói riêng, với bất kỳ một quốc gia nào khác nói chung ? Norbert Gaillard trả lời :
« Thông thường khi bị hạ điểm, một quốc gia sẽ phải đi vay tín dụng với lãi suất cao hơn. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư có nhiều thông tin và họ không còn bị bất ngờ, không phải đợi khi mà cơ quan thẩm định tài chính công bố bảng chấm điểm mới có phản ứng. Do vậy tháng Tư vừa qua, khi Fitch hạ điểm tín nhiệm Pháp, không ảnh hưởng gì mấy đến việc Pháp huy động vốn ».
Nhà báo Dominique Seux của tờ báo kinh tế Les Echos và cũng là một nhà bình luận trên đài phát thanh France Inter hôm Thứ Sáu tuần trước nói rõ hơn :
« Không có gì thay đổi khi cần đi vay tín dụng ngắn hạn. Có nghĩa là lãi suất đi vay không tăng và không tăng ngay lập tức. Nhưng về lâu về dài, đương nhiên bị sụt điểm, tức là một tín hiệu không hay. Thực ra trong trường hợp của Pháp lần này, từ nhiều tháng qua mọi người đã nhận thấy Pháp càng lúc càng phải huy động thêm vốn để đài thọ các chương trình chi tiêu. Thâm hụt ngân sách của chính phủ càng lúc càng lớn. Hơn nữa trung bình, cứ trên 100 euro kiếm ra thì người ta phải đóng cho chính phủ 45,2 euro. Chưa bao giờ các khoản đóng góp cho xã hội và đóng thuế ở Pháp lại cao như vậy ».
Cũng ông Dominique Seux lưu ý sớm muộn gì chính phủ Pháp cũng sẽ phải đi vay với lãi suất cao hơn để đài thọ các chương trình chi tiêu.
« Năm 2023 Pháp đi vay 270 tỷ euro và là quốc gia đi vay nhiều nhất trong khối châu Âu. Thành thử đương nhiên là nếu bị đánh giá là kém an toàn, Paris đương nhiên phải đi vay với lãi suất đắt hơn. Gần 10 năm trước, Paris và Berlin trả lãi suất ngân hàng bằng nhau khi phải đi vay tín dụng, giờ đây thì Pháp phải trả lãi suất cao hơn so với Đức ».
Hơn nữa theo nghiên cứu của Ngân Hàng Trung Ương Pháp, nếu như hiện tại Paris dành đến 25 % GDP để thanh toán cho các chủ nợ thì tỉ lệ này ở Đức là 18 %. Điều đó có nghĩa là nhờ ít mang nợ, Berlin có nhiều phương tiện hơn để đầu tư phát triển kinh tế thay vì để nuôi các chủ nợ mà phần lớn là các quỹ đầu tư, các hãng bảo hiểm và ngân hàng.
Chính ở điểm này, chuyên gia kinh tế rất có uy tín của Pháp Thomas Piketty, đưa ra một góc nhìn rộng hơn về vấn đề lãi suất khi một quốc gia cần đi vay tín dụng :
« Yếu tố thực sự mang tính quyết định đầu tiên là chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE. Nếu lãi suất của BCE cao, các thành viên trong khối đồng euro dư thừa vốn, bởi vì tư bản những nơi khác, đặc biệt là tại các nước chậm phát triển sẽ dồn về châu Âu để kiếm lời. BCE dư thừa tiền để cho Pháp hay Đức cũng như các thành viên khác đi vay. Paris sẽ đi vay tín dụng với lãi suất thấp. Trong khi đó thì chính bản thân những nước nghèo lại thiếu tiền mặt và khó huy động vốn. Chính những nền kinh tế đang phát triển đó lại phải vay tín dụng với lãi suất cao. Đó là một sự bất thường trong thể thức vận hành của nền tài chính trên thế giới ».
Pháp, nam châm hút FDI
Chỉ hai tuần sau khi Pháp bị Fitch hạ điểm tín nhiệm, cơ quan kiểm toán của Anh, EY –Ernest& Young, trong báo cáo hôm 11/05/2023 tổng kết : năm 2022 Pháp là quốc gia có sức hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất tại châu Âu. Paris đạt được thành tích này trong 4 năm liên tiếp. Trong số những nhà đầu tư vào Pháp, Mỹ dẫn đầu bảng.
Với tổng cộng hơn 1.200 dự án đầu tư nước ngoài, Pháp dẫn đầu không chỉ trong khối sử dụng đồng euro mà cả với toàn châu Âu. (Anh Quốc là 929 dự án, Đức là hơn 830 dự án). Một điểm đáng nói khác là 40 % trong số các chương trình đầu tư của nước ngoài đó liên quan đến lĩnh vực công nghiệp. Không mấy khi một cơ quan kiểm toán của Anh lại đánh giá « đây là một điểm son trên con đường tái công nghiệp hóa » nước Pháp. Có điều, các dự án đầu tư ngoại quốc đổ vào Pháp không mang lại nhiều công việc làm cho người Pháp như chính phủ mong đợi. Vẫn theo thống kê của EY, về điểm này, trung bình một dự án đầu tư nước ngoài vào Anh hay Đức đem lại số công việc làm cao gấp hai lần so với ở Pháp.
Mathieu Plane, thuộc Đài Quan Sát Kinh Tế Pháp OFCE, ghi nhận ngoài khả năng thu hút đầu tư quốc tế, Pháp là một trong những quốc gia tại Lục Địa Già không lo thiếu nhân lực, dân Pháp có tỉ lệ tiết kiệm cao và nước Pháp có cơ cấu chính trị ổn định, vững chắc. Trái hẳn với các hãng thẩm định tài chính Anh, Mỹ, SCOPE của châu Âu (tuy không có được uy tín như Fitch hay S&P, Moody’s) xem việc chính phủ Pháp can thiệp nhiều vào các hoạt động kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư …. là một bảo đảm về ổn định của nền kinh tế này.
Từ 2012 Pháp đã bị loại khỏi nhóm các quốc gia được đánh giá là an toàn nhất, với bảng chấm điểm là 3 chữ A (nay chỉ còn có 11 nước trên thế giới giữ được hạng điểm này-trong số đó có Thụy Sĩ, hay Singapore, Đức, hay Na Uy, Đan Mạch). Hiện tại có 17 quốc gia được S&P xếp hạng AA, trên đó một nấc, là AA+ thì trong số này có Hoa Kỳ.
Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu, các bản xếp hạng của những công ty thẩm định tài chính dựa trên 5 tiêu chuẩn : một là yếu tố chính trị, hai là những chỉ số kinh tế (tỉ lệ thất nghiệp, GDP/đầu người …), ba là cán cân thượng mại và khả năng thu hút đầu tư quốc tế. Thứ tư là những yếu tố tiền tệ tức là khả năng chống lạm phát và mức độ đáng tin cậy của một đồng tiền quốc gia. Sau cùng là những chỉ số như là tổng nợ công so với GDP và thâm hụt nhân sách …. Chính về điểm này, mà ba ngày trước khi S&P công bố bảng xếp hạng của Pháp (hôm 31/05/2023), bộ trưởng Tài Chính và Kinh Tế, Bruno Le Maire đã phải thuyết phục được hãng Mỹ về quyết tâm của Paris cắt giảm chi tiêu, thu hẹp bội chi ngân sách …
Tuy nhiên, một số nhà quan sát ghi nhận tuy không một nền kinh tế nào muốn để bị sụt điểm tín nhiệm, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, trong quá khứ các cơ quan thẩm định tài chính với quyền sinh sát trong tay, như S&P hay Moody’s và Fitch đều đã nhiều lần nhầm lẫn.
Thomas Piketty nhắc lại hồi 2008, hơn một tháng trước vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers vỡ nợ – vụ phá sản được coi là « lớn nhất trong lịch sử tài chính Hoa Kỳ » S&P vẫn tin tưởng đây là một ngân hàng « an toàn ».