Phản đối NATO mở văn phòng đại diện tại Nhật : Pháp tránh làm phật lòng Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đã « vĩnh viễn bác bỏ » khả năng Tokyo gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Còn Pháp thì phản đối ý tưởng NATO « mở văn vòng liên lạc tại Nhật Bản ». Paris muốn tránh « khơi thêm những hiềm khích » với phía Trung Quốc một cách « vô ích ». Tương tự như Mỹ, Pháp ngại để NATO mở rộng hoạt động trong vùng châu Á – Thái Bình Dương.

Đăng ngày: 07/06/2023

\"\"
\"\"
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron (P) và thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại cuộc họp của NATO ở Bruxelles. Ảnh ngày 24/03/2022. AP – Thomas Coex

Thanh Hà

Hôm 06/06/2023 một quan chức trong bộ Ngoại Giao Pháp xin được giấu tên xác nhận với hãng tin AFP, Paris thận trọng bởi NATO như tên gọi của nó, là một liên minh quân sự « hoạt động trong vùng Bắc Đại Tây Dương ». Các điều khoản 5 và 6 « giới hạn rõ ràng phạm vi hành động » trong khu vực này. 

Tuyên bố nói trên phần nào xác nhận lập trường của Pháp từng được báo tài chính Anh Financial Times tiết lộ. Paris có thể dùng quyền phủ quyết bác bỏ kế hoạch NATO đặt văn phòng đại diện tại Tokyo. Từ nhiều tháng qua, thủ tướng Fumio Kishida đã ráo riết vận động để Nhật Bản hội nhập nhiều hơn nữa vào liên minh quân sự này. 

Giáo sư Tomonori Yoshizaki, đại học Tokyo giải thích, Nhật Bản đang muốn mở rộng thêm các phương án về mặt chiến lược, nhằm « nâng cao khả năng răn đe » trong bối cảnh tình hình khu vực càng lúc càng nóng lên. Nga và Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ kể cả về mặt quân sự ; Bắc Triều Tiên thì cần đến Nga để phát triển các chương trình quân sự đó là chưa kể đến vấn đề Đài Loan.

Thực ra, từ 2007 dưới thời thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã tìm cách mở rộng liên lạc với NATO. Chiến tranh Ukraina, tham vọng của Bắc Kinh thôn tính Đài Loan bằng mọi cách, lại càng thúc đẩy Tokyo « gắn kết » Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Về phần NATO, tổng thư ký Jens Stoltenberg đã thảo luận với thủ tướng Fumio Kishida về việc mở văn phòng đầu tiên tại Châu Á – Thái Bình Dương nhân chuyến công tác hồi đầu năm. Tại thượng đỉnh ở Madrid – Tây Ban Nha hồi tháng 06/2022 các thành viên NATO đã nhìn nhận Trung Quốc là một mối đe dọa « ngày càng lớn » là một « đối thủ cạnh tranh có hệ thống ». Vậy tại sao một cột trụ của Liên Minh là Pháp lại chống đối việc mở văn phòng liên lạc tại Tokyo, nhất là khi biết rằng NATO đã có nhiều cơ sở tương tự ở ngoài khối như là tại Ukraina hay Kuweit … ?

Đại sứ Pháp tại Tokyo Philippe Setton giải thích : « Trước mắt đây mới chỉ là một đề xuất » và các thành viên của NATO sẽ thảo luận về việc mở văn phòng liên lạc tại Nhật và rất có thể hồ sơ này sẽ được đề cập đến nhân thượng đỉnh Vilnius trong hai ngày 11-12/07/2023. Paris lấy làm tiếc là các thành viên của NATO đã không được tham khảo ý kiến về dự án mở rộng liên lạc với Tokyo.

Quan chức của bên bộ Ngoại Giao Pháp được AFP trích dẫn khẳng định « NATO sẽ không có văn phòng liên lạc tại bất kỳ một quốc gia nào trong vùng Thái Bình Dương » và nếu cần « quan sát tình hình trong khu vực », thu thập và truyền tải thông tin của NATO với các đối tác trong vùng các bên đều đã có các « cơ sở ngoại giao, như các tòa đại sứ »

Nhật báo Le Figaro đưa ra hai lý do giải thích về thái độ của chính quyền Pháp. Một là văn phòng của NATO ở Nhật Bản sẽ « hoạt động quá xa khu vực » mà tổ chức này cần « phụ trách ». Thêm vào đó hiện tại Tokyo và các thành viên trong Liên Minh đã có những liên hệ chặt chẽ thông qua Chương Trình Hợp Tác Đối Tác Cá Nhân được gọi là IPCP. Vẫn theo nguồn tin trên, quy chế đó giữa Nhật Bản với NATO dự trù sẽ được nâng thêm một cấp nhân thượng đỉnh Vilnius vào tháng tới. 

Lý do thứ hai theo đánh giá của tờ Le Figaro, đơn giản là yếu tố Bắc Kinh. Các giới chức ngoại giao và quân sự của Pháp đã lập đi lập lại mối lo Paris bị đẩy vào thế kẹt giữa một bên là Hoa Kỳ và bên kia là Trung Quốc. Do vậy, số này e rằng văn phòng của NATO tại Nhật càng đổ thêm dầu vào lửa, khiêu khích ông Tập Cận Bình.

Không chỉ có Tokyo mà cả Seoul, một đồng minh khác của Mỹ, cũng đang đưa ra đòi hỏi tương tự. Nếu thỏa mãn đòi hỏi của Nhật, Liên Minh sẽ không có lý do gì để từ chối Hàn Quốc. Khi đó, thì tại Bắc Kinh ông Tập lại càng cảm thấy « ngột ngạt » vì bị NATO « bao vây tứ bề »

Đương nhiên, Tokyo khó hiểu về quan điểm của Paris. Chuyên gia về quan hệ quốc tế đại học Tokyo Akira Igata trên báo Le Figaro tiếc rằng vào lúc mà « những gì đang diễn ra tại châu Âu hiện nay sẽ được lập lại tại châu Á trong tương lai », vả lại mở văn phòng đại diện tại Nhật Bản không phải là việc kết nạp thêm một thành viên của Châu Á – Thái Bình Dương vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Nhà nghiên cứu Stephen R. Nagy của đại học Công Giáo ở Tokyo nêu lên một lý do khác cho thấy NATO và châu Á đang cần đến nhau hơn bao giờ hết, khi mà chiến đấu cơ của Âu-Mỹ sử dụng chíp do châu Á sản xuất. Một số nhà phân tích khác cho rằng, NATO muốn Nhật Bản ủng hộ Âu-Mỹ trên vấn đề Ukraina, nhưng lại đẩy những mối lo ngại của Tokyo về an ninh xuống hàng thứ yếu vì sợ bất hòa với Trung Quốc. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment