Cục diện châu Âu như thế nào nếu Putin thua cuộc chiến ở Ukraine?

Saigon Nhỏ

\"\"

Làng Posad Pokrovske, Kherson, Ukraine ngày 1 Tháng Sáu 2023 – một sự yên tĩnh vẫn bị đè nặng bởi mối đe dọa chết chóc chiến tranh (ảnh: Svitlana Horieva/Anadolu Agency via Getty Images)

Không ai biết cuộc chiến của Vladimir Putin sẽ kết thúc ra sao, nhưng từ năm 1994, Zbigniew Brzezinski đã xác định được lý do tại sao tham vọng đế chế của Nga là không thể mất. “Không có Ukraine – ông viết trên tờ Foreign Affairs – Nga không còn là một đế chế”. Nhận xét này đã làm hài lòng Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga vây quanh ông.

Đối với họ, Nga sẽ là một đế chế hoặc “chẳng là gì cả” nếu không có Ukraine. Một chiến thắng của Ukraine (cũng có thể xem là sự kết thúc cuộc xung đột) có nghĩa là Ukraine sẽ lấy lại toàn bộ hoặc phần lớn lãnh thổ (trước khi Nga chiếm bán đảo Crimea) và cũng có nghĩa là Ukraine sẽ độc lập với Moscow và liên kết chặt chẽ với phương Tây.

Triển vọng này được xem như một “trận động đất địa chính trị”, vì lúc đó, đế chế Nga (được châu Âu biết đến và sợ hãi từ thế kỷ 18 vì lãnh thổ rộng lớn nhưng vẫn không ngừng mở rộng về phía Tây) sẽ không còn nữa. Hậu quả, nền chính trị của châu Âu và Trung Đông được định hình lại, một kỷ nguyên mới mở ra trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung để làm bá chủ thế giới.

Cách nay vài chục năm, nhiều người ở phương Tây hy vọng sự sụp đổ của Liên Xô sẽ chấm dứt mối đe dọa của chủ nghĩa đế quốc Nga (với tỷ lệ cược lớn), nhưng chế độ của Putin chứng minh họ đã sai khi đánh giá tham vọng đế quốc của Nga quá thấp! Nước Nga Sa hoàng đã sụp đổ trong Đại chiến Thế giới lần thứ nhất và những người Cộng sản phải đau đớn ký hiệp ước Brest-Litovsk với đế quốc Đức, phải từ bỏ một số đất đai và thừa nhận nền độc lập của các lãnh thổ thuộc đế chế cũ, gồm cả Ukraine.

Không lâu sau, lợi dụng sự chia rẽ và yếu kém của phương Tây, Lenin đã lấy lại được gần như toàn bộ đế chế của Nicholas II. Sau đó, Stalin chiếm thêm nhiều lãnh thổ sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai để biến Liên Xô thành một siêu cường toàn cầu. Nay Putin muốn đi theo con đường đó, nhưng không chỉ đơn thuần là lãnh thổ Ukraine mà cả dân số Ukraine.

Nga phải đối mặt với một trong những thách thức nhân khẩu lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Sau khi đạt đỉnh vào năm 1992, đến 2021 dân số Liên bang Nga đã giảm khoảng năm triệu người. Điều làm Putin nhức đầu nhất là bất chấp làn sóng nhập cư đáng kể vào Nga của những người gốc Nga từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ mới độc lập ở Trung Á, dân số gốc Nga vẫn rơi tự do, giảm 5.4 triệu người từ 2010-2021 (chỉ còn 72% so với 78%).

Ngược lại, thiểu số người Hồi giáo tiếp tục đông lên. Trong dân số hiện nay của Nga có 10% thuộc các nhóm dân tộc Hồi giáo (nhiều công dân Nga thuộc mọi sắc tộc không theo tôn giáo nào). Đến năm 2034, dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên 30% dân số liên bang. Trước tình hình này, Putin cần người Ukraine bổ sung để củng cố quyền bá chủ của người Slav chính thống tại Liên bang Nga. Không có họ, đối mặt với dân số ngày càng tăng ở các nước Trung Á như Uzbekistan (tăng 63% kể từ khi Liên Xô sụp đổ lên ước tính 35 triệu người vào năm 2023), những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga thấy trước nguy cơ diệt vong và suy tàn –  – nhà bình luận Walter Russell Mead – tác giả quyển Special Providence: American Foreign Policy and How It Changed the World (Alfred A. Knopf, 2004) và quyển The Arc of a Covenant: The United States, Israel, and the Fate of the Jewish People (Knopf, 2022) – viết trên Wall Street Journal.

Thực tế này đã làm tăng quyết tâm của những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga cứng rắn để có được chiến thắng ở Ukraine và tránh những hậu quả khó lường nếu thất bại. Một chiến thắng của Ukraine sẽ khiến Kremlin suy yếu, mất uy tín. Tận dụng cơ hội Trung Quốc sẽ vươn lên, các quốc gia Trung Á cũng trỗi dậy ở phía Đông và một liên minh NATO mạnh hơn ở phía Tây. Các nhóm dân tộc thiểu số bất mãn cũng tăng cường quấy rối bên trong nước Nga.

Một chiến thắng của Ukraine sẽ dẫn đến thách thức chính trị nguy hiểm cho Putin. Nhưng không có gì chắc chắn Ukraine sẽ ra khỏi cuộc chiến để trở thành một quốc gia hiện đại và dân chủ thực sự. Hãy nhìn lại nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, các nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ và một số quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw cũ đã gặp khó khăn như thế nào trong việc thiết lập nền dân chủ ổn định. Ukraine thắng trận cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước.

Dù vậy, nếu Ukraine trở thành người chiến thắng trong cuộc chiến, họ sẽ chứng minh phong cách lãnh đạo của Putin không phải là mô hình duy nhất có thể áp dụng được trong thế giới những người Slav chính thống. Nhiều người Nga sẽ quay sang học hỏi mô hình lãnh đạo của Ukraine. Xét về cơ bản, một thất bại của Nga sẽ củng cố vị thế của Mỹ trên toàn cầu, nhưng không hề đơn giản.

Về mặt tích cực, khi “chủ nghĩa bành trướng Nga” đã được kiểm soát chặt chẽ, nhiệm vụ duy trì an ninh ở châu Âu sẽ cần ít đầu tư tiền bạc và nguồn lực hơn từ Mỹ. Uy tín của Mỹ và phương Tây sẽ được nâng cao đáng kể nếu Ukraine chiến thắng (nhưng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu Nga chiến thắng).

Một Ukraine chiến thắng sẽ cùng với Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic và các nước Scandinavi hợp thành một khối phòng thủ vững chắc gồm những quốc gia hiểu được giá trị của việc liên minh với Mỹ. Nhưng không phải tất cả đều thuận lợi. Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ chỉ hội nhập hơn với NATO nếu nỗi sợ Nga không còn nữa. Hungary và một số quốc gia khác cũng thế. Một Kremlin nhu nhược, cay đắng vì thất trận khó tránh khỏi rơi vào vòng cương toả của Trung Quốc.

Bất ổn bên trong nước Nga sẽ đặt ra những thách thức an ninh lớn. Vũ khí hạt nhân và sinh học sẽ rơi vào tay những kẻ nguy hiểm hơn. Các nhà khoa học hạt nhân có thể chạy sang quốc gia khác, mang theo các kỹ năng để bán. Các tập đoàn tội phạm và tin tặc mạng vốn đã hoành hành nay sẽ hoạt động thoải mái mà không sợ bị trừng phạt bên trong một nước Nga bất ổn. Dù vậy, với sự tàn ác và tàn bạo của lịch sử đế quốc Nga, ít người sẽ rơi nước mắt nếu Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến và chứng minh Brzezinski đã đúng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment