Cựu lãnh đạo NATO: Một số nước thành viên có thể tham chiến ở Ukraina

Một số nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương như Ba Lan có thể gởi quân đến tham chiến ở Ukraina nếu thượng đỉnh khối NATO tại Vilnius vào đầu tháng 7 không đưa ra những bảo đảm an ninh cho quốc gia đang bị Nga xâm lược. Đó là cảnh báo của cựu tổng thư ký NATO Anders Rasmussen khi trả lời phỏng vấn nhật báo Anh The Guardian ngày 07/06. 

Đăng ngày: 09/06/2023

\"\"
\"\"
Cựu tổng thư ký khối NATO, Anders Fogh Rasmussen (P), trong lần thăm thành phố Irpin, ngoại ô Kiev, Ukraina, ngày 01/07/2022. AP – Nariman El-Mofty

Thanh Phương

Kể từ đầu cuộc chiến Ukraina, có một lằn ranh đỏ đã được vạch ra: Khối NATO không thể chính thức tham chiến cùng với Ukraina để chống Nga, vì làm như vậy sẽ khiến cho cuộc xung đột lan rộng ra châu Âu, thậm chí có nguy cơ biến thành thế chiến thứ ba, cuộc chiến giữa phương Tây và Nga. 

Thật ra thì Liên Minh Bắc Đại Tây Dương cũng không có nghĩa vụ bảo vệ Ukraina, vì nước này không phải là thành viên NATO, nên không thể áp dụng điều 5 về « phòng thủ tập thể » của hiệp ước. Nhưng có thể một số nước thành viên của Liên Minh hành động riêng lẻ để hỗ trợ nước láng giềng Ukraina chống quân xâm lược Nga. 

Nguyên là tổng thư ký NATO từ 2009 đến 2014 và hiện là cố vấn của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, ông Rasmussen không loại trừ khả năng là nhiều nước thành viên, đặc biệt là Ba Lan và các nước vùng Baltic, sẽ gởi quân đến Ukraina, nếu trong cuộc họp thượng đỉnh tại Vilnius 11 và 12/07 tới, khối NATO không có một sự hỗ trợ cụ thể cho Kiev. Các nước này đòi Liên Minh phải đưa ra những bảo đảm an ninh vững chắc cho Ukraina cũng như phải đẩy nhanh tiến trình thâu nhận nước này vào NATO và Liên Hiệp Châu Âu.

Cụ thể, họ muốn Liên Minh phải đưa ra những bảo đảm an ninh cụ thể bằng giấy trắng mực đen, bao gồm việc chia sẽ tin tình báo, huấn luyện binh lính Ukraina, cải thiện khả năng sản xuất đạn dược, cung cấp đầy đủ vũ khí cho Kiev. 

Ông Rasmussen dự báo, nếu các yêu cầu đó không được đáp ứng, các nước nói trên có thể sẽ quyết định thành lập một liên minh các quốc gia tình nguyện để gởi quân đến chiến trường Ukraina.

Lãnh đạo hiện nay của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg đã tuyên bố là thượng đỉnh NATO tại Vilnius sẽ gởi một tín hiệu yểm trợ mạnh mẽ đến Ukraina. Nhưng theo cựu tổng thư ký NATO, Ba Lan đánh giá rằng các nước Tây Âu đã không lắng nghe những cảnh báo của họ trong những năm qua về mối đe dọa Nga, cho nên có thể họ sẽ buộc phải đánh những ván bài riêng. Ông Rasmussen nhấn mạnh, tại thượng đỉnh Vilnius, các nước Đông Âu chắc chắn sẽ không chấp nhận nghe lại điệp khúc quen thuộc: NATO chỉ có thể bảo đảm an ninh cho những nước thành viên. 

Như vậy là một số nước thành viên của Liên Minh chắc chắn sẽ gây áp lực tại thượng đỉnh Vilnius để thúc đẩy NATO đáp ứng yêu cầu của họ về bảo đảm an ninh cho Kiev. Theo ông Rasmussen, về việc thâu nhận Ukraina vào NATO, các nước này có thể chấp nhận chờ đến thượng đỉnh năm 2024 tại Washington. Nhưng ông nhấn mạnh lịch sử đã cho thấy là không thể để Ukraina ngồi chờ ngoài cửa NATO một cách vô hạn định. Nếu tại thượng đỉnh Vilinus NATO không thể đưa ra lời mời Ukraina gia nhập, thì ít ra Liên Minh phải nêu lên khả năng đưa ra lời mời này tại thượng đỉnh Washington năm tới. Ông Rasmussen cũng bác bỏ lập luận cho rằng nên đợi đến khi chiến tranh kết thúc mới đề ra lộ trình cho Ukraina gia nhập NATO. Theo cựu tổng thư ký của Liên Minh, làm như vậy chẳng khác gì trao cho Putin « quyền phủ quyết » trong vấn đề này.

Dầu sao, chiến tranh Ukraina buộc khối NATO hơn bao giờ hết phải sẵn sàng kích hoạt điều 5 về phòng thủ tập thể nếu một trong các nước thành viên, nhất là những nước láng giềng với Nga, bị Nga tấn công. Chính là để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống này mà vào đầu tháng 5 vừa qua, hàng ngàn binh sĩ từ 11 nước thành viên NATO đã tham gia một cuộc tập trận lớn, với kịch bản là ứng phó với một cuộc tấn công vào một nước đồng minh. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment