Hãy nhanh chóng ‘tách rời’ ngành công nghiệp máy bay của Trung Quốc

 Bình luậnRichard A. Bitzinger •  09/06/23

\"\"

“Tách rời” (decoupling) là thuật ngữ thông dụng hiện nay khi nói đến việc trừng phạt Trung Quốc vì những hành vi xấu của họ. Cơ sở lập luận đằng sau thuật ngữ này là phương Tây không nên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc để có được các sản phẩm thiết yếu; thay vào đó, phương Tây hãy hành động để giảm bớt, thậm chí loại bỏ, vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Có những ứng viên rõ ràng cho việc “tách rời”. Không chỉ hàng dệt may (sẽ không còn nữa những gói vớ 12 chiếc với giá 5,99 USD), mà cả tivi, điện thoại thông minh, bất kỳ loại sản phẩm tiêu dùng nào (từ lò nướng bánh đến dây điện), vi mạch tích hợp, máy tính — danh sách này là vô tận.

Không phải mọi hình thức “tách rời” đều là ý tưởng hay, hoặc ít nhất là ý tưởng nên được thực hiện nhanh chóng. Ít nhất phải nói rằng, việc loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mang đến rủi ro trong ngắn hạn, mặc dù nó có thể mang lại những lợi ích to lớn theo thời gian. Thiết lập lại các dây chuyền lắp ráp ở phương Tây là một bước đi thông minh nếu nó có thể được thực hiện với chi phí thấp, nhưng sẽ mất thời gian và công sức.

Tuy nhiên, có những lĩnh vực mà việc “tách rời” có thể được thực hiện một cách nhanh chóng và ít rủi ro nhất cho phương Tây. Một trong số đó là vi mạch, và thứ còn lại, rõ ràng là ngành công nghiệp máy bay thương mại của Trung Quốc.

Ngành công nghiệp bán dẫn cao cấp

Điểm yếu của Trung Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn đã được biết đến rộng rãi. Có một khoảng cách lớn giữa công nghệ chip hiện tại của Trung Quốc và công nghệ tiên tiến toàn cầu. Trung Quốc không có khả năng thiết kế và chế tạo các vi mạch cao cấp, đặc biệt là Bắc Kinh không thể phá vỡ “bức tường 7 nanomet” – tức là họ không thể sản xuất chất bán dẫn nhỏ hơn 7 nanomet.

Trong khi đó, Đài Loan đã chế tạo chip nhỏ tới 5 nanomet và Hàn Quốc sẽ sớm sản xuất chip 3 nanomet.

Hơn nữa, hầu hết công nghệ sản xuất chip tại Trung Quốc đã cũ và ngày càng cũ hơn. Mô hình phát triển do nhà nước chỉ đạo từ trên xuống của Trung Quốc đã không thể hiện thực hóa tham vọng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình về việc tạo ra một ngành công nghiệp bán dẫn cao cấp.

Trung Quốc đặt mục tiêu tự sản xuất 70% chip mà họ cần vào năm 2025, nhưng khó có thể đạt được mục tiêu đó. Trên thực tế, Trung Quốc chỉ có thể tự cung cấp hơn 15% lượng chất bán dẫn mà nước này cần (và hầu hết là hàng thấp cấp). Kết quả là, Bắc Kinh phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn cung vi mạch và công nghệ sản xuất chip của nước ngoài. Chỉ riêng trong năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 300 tỷ USD chất bán dẫn.

Việc Bắc Kinh không thể sản xuất chip cao cấp có nguy cơ khiến nước này không thể tham gia cái gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo ông Mathieu Duchatel, Giám đốc Chương trình châu Á tại Institut Montaigne, nếu không có lĩnh vực bán dẫn tiên tiến, Trung Quốc sẽ khó “thống trị cuộc cách mạng kỹ thuật số” được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, cơ sở hạ tầng không dây 5G, và những thứ tương tự. Điều này sẽ tác động lên nền kinh tế thương mại công nghệ cao trong tương lai và kế hoạch hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc.

Sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào hàng vi mạch nhập khẩu và công nghệ vi mạch nước ngoài tạo ra một nút thắt lớn cho tham vọng công nghệ cao của Bắc Kinh. Việc loại bỏ Trung Quốc khỏi nguồn cung chất bán dẫn của phương Tây, cũng như khỏi các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như AI và điện toán tiên tiến, có thể khiến Bắc Kinh phải vật lộn trong nhiều năm để tìm giải pháp thay thế trong nước. Trong khi đó, chi phí của việc này đối với phương Tây sẽ ở mức rất nhỏ.

Ngành công nghiệp máy bay dân sự

Một ứng viên thậm chí giữ vị trí cao hơn cho việc “tách rời” là ngành công nghiệp máy bay dân sự của Trung Quốc. Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng một doanh nghiệp máy bay thương mại mà hai thập kỷ trước hầu như không tồn tại. Họ đã ra mắt máy bay chở khách đầu tiên – máy bay phản lực 70 chỗ ARJ21 – vào năm 2002, và chiếc thứ hai – C919 (có kích thước tương đương với Boeing 737 hay Airbus A320) – vào năm 2008.Mẫu máy bay C919 của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) được trưng bày trong Triển lãm Hàng không Singapore, tại Trung tâm Triển lãm Changi ở Singapore, ngày 06/02/2018. (Ảnh: Seong Joon Cho/Bloomberg qua Getty Images)

Cả hai loại máy bay này đều gặp khó khăn trong quá trình ra công chúng; ngoài ra, khoản chi phí bị đội lên đã ở con số khổng lồ. Hơn nữa, cả hai đều chưa đạt được chứng nhận đủ điều kiện bay từ Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) hoặc Cơ quan Hàng không Chung của châu Âu (JAA); đây là những điều cần thiết nếu Bắc Kinh muốn bán máy bay ra nước ngoài.

Chưa hết, cả ARJ21 và C919 đều không thể được gọi là chiếc máy bay mang tính đột phá. Các nhà phân tích hàng không vũ trụ phương Tây cho hay, C919 không được trang bị công nghệ mới.

Quan trọng hơn, việc gọi một chiếc máy bay như C919 là “hàng của Trung Quốc” là điều sai lầm. Chiếc máy bay này sử dụng rất nhiều các bộ phận và hệ thống phụ quan trọng mua từ các nhà cung cấp phương Tây, bao gồm hệ thống điện tử hàng không và điều khiển chuyến bay, thiết bị hạ cánh, vỏ động cơ và – quan trọng nhất – động cơ phản lực. Ví dụ, động cơ phản lực LEAP của chiếc máy bay này được mua từ General Electric, trong khi Rockwell Collins cung cấp hệ thống điện tử hàng không, Goodrich và Liebherr (một công ty Đức – Thụy Sĩ) cung cấp thiết bị hạ cánh của máy bay.

Nhìn chung, khoảng 60% các nhà cung cấp nước ngoài của C919 là các công ty Hoa Kỳ, bao gồm General Electric, Honeywell, và Eaton.

Trên thực tế, người ta ước tính rằng chỉ có 25% tổng giá trị của C919 thực sự là của Trung Quốc, chủ yếu là việc sản xuất thân máy bay và cánh, cũng như việc lắp ráp cuối cùng.

Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ phải chịu rất ít tổn thất khi loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ của họ.

Hơn nữa, phương Tây có thể sớm có lý do chính đáng để “tách rời” ngành công nghiệp máy bay của Trung Quốc. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đang diễn biến tồi tệ và Moscow đang cạn kiệt vũ khí. Nga rất muốn được Bắc Kinh cung cấp thiết bị sát thương, vì Trung Quốc gần như là quốc gia duy nhất có kho dự trữ, năng lực công nghiệp và vị thế chính trị để bán cho Nga.Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bước vào hội trường trong cuộc họp tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, ngày 21/03/2023. (Ảnh: Alexey Maishev/Sputnik/AFP qua Getty Images)

Bất chấp sự lôi kéo dai dẳng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho đến nay, ông Tập vẫn phản đối việc cung cấp cho Nga các thiết bị quân sự sát thương. Nhưng nếu ông Tập đổi ý và bắt đầu bán vũ khí cho Nga, phương Tây có thể sử dụng một đòn bẩy mạnh mẽ để chống lại Trung Quốc. Nhà phân tích hàng không vũ trụ phương Tây Richard Aboulafia đã đưa ra quan điểm rằng phương Tây nên ngay lập tức cấm vận ngành máy bay thương mại của Trung Quốc. Trong bối cảnh tương lai ngành hàng không vũ trụ của Bắc Kinh “phụ thuộc sâu sắc” vào các công ty phương Tây, ông lập luận rằng “các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ và EU có thể khiến ngành hàng không quốc nội của họ bị đình trệ”.

Việc không cung cấp các linh kiện như động cơ phản lực, hệ thống điện tử hàng không, thiết bị hạ cánh và những thứ tương tự sẽ ngay lập tức giáng một đòn mạnh vào ngành kinh doanh máy bay dân dụng của Trung Quốc. Đơn giản là Bắc Kinh không có nhà cung cấp thay thế nào: Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc sản xuất động cơ nội địa, CJ-1000A, còn nhiều năm nữa mới cho ra kết quả và nó vẫn sử dụng một số công nghệ nhập khẩu.

Nga khó có thể thay thế phương Tây; ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của chính Nga đang trong tình trạng hỗn loạn. Trên thực tế, Moscow và Bắc Kinh có một loại máy bay chở khách chung đang được chế tạo (chiếc C929), nhưng tình hình kinh tế hỗn loạn hiện nay của Nga khiến nước này trở thành một đối tác tồi.

Mặt khác, việc “tách rời” Trung Quốc mang đến nhiều lợi ích tiềm năng cho ngành kinh doanh hàng không vũ trụ của phương Tây. Giảm phụ thuộc vào các hệ thống phụ hoặc linh kiện do Trung Quốc chế tạo sẽ giúp ích cho các công ty phương Tây, đồng thời cản trở sự phát triển của lĩnh vực hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Điều này cũng sẽ làm suy yếu quá trình hiện đại hóa quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hơn nữa hạn chế việc Bắc Kinh khai thác các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các nhiệm vụ như giám sát, tình báo, nhắm mục tiêu vào các đối tượng và tấn công tự động.

Hơn bao giờ hết, phương Tây có các công cụ quan trọng để trừng phạt Trung Quốc, trong khi việc sử dụng những công cụ này chỉ gây ra tổn thất rất nhỏ cho phương Tây. Nếu Bắc Kinh quyết định giúp Nga giết người Ukraine, thì phương Tây nên giết chết ngành công nghiệp máy bay của Trung Quốc.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment