Đăng ngày: 09/06/2023
Năm 2023 đánh dấu 100 năm ngày mất của Gustave Eiffel. Các sự kiện nhằm tưởng nhớ đến ông được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới. Tên tuổi của vị kiến trúc sư được hậu thế lưu danh, với những công trình đồ sộ trở thành biểu tượng như tháp Eiffel và tượng Nữ thần Tự do. Đằng sau sự ghi nhận đó là một cuộc đấu tranh của Hiệp hội Hậu duệ của Gustave Eiffel, nhằm quảng bá hình ảnh cũng như bảo vệ tên tuổi của ông cũng như các công trình mà Eiffel xây dựng.
RFI Việt Ngữ có dịp trao đổi với bà Myriam Larnaudie-Eiffel, cháu gái đời thứ năm của Gustave Eiffel, hiện giữ chức chủ tịch Hiệp hội Hậu duệ của Gustave Eiffel. Bà cũng là người lập ra Hiệp hội Sauvons la passerelle Eiffel – Cứu lấy cầu Eiffel, ở Bordeaux, dấu ấn đầu tiên của Eiffel trong sự nghiệp kiến trúc xây dựng của ông.
Xin cảm ơn bà Myriam Larnaudie-Eiffel, đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của RFI. Trước tiên, xin bà cho biết Hiệp hội Hậu duệ của Gustave Eiffel được thành lập từ khi nào, và với mục đích gì ?
Anh cả của tôi, Xavier Larnaudie-Eiffel, lập ra tổ chức này vào năm 1995. Tại sao lại lập ra một hiệp hội như vậy ? Đầu tiên là để những thành viên của đại gia đình Eiffel có thể biết nhau. Hiện chúng tôi gồm 70 thành viên, là con cháu của Eiffel. Tôi đã từng là trợ lý của nhiều chủ tịch hiệp hội khác nhau.
Tôi đã có thể đóng góp kĩ năng nghề nghiệp như là một giám tuyển vào hiệp hội, cùng với trí tò mò và mong muốn của tôi thắt chặt liên kết với Gustave Eiffel. Hiệp hội của chúng tôi có nhiều nhiệm vụ. Một trong số đó là tìm cách hiểu sâu, có thêm kiến thức về Eiffel, bởi những công trình mà ông tạo ra ở tầm quốc tế, được quốc tế biết đến. Tên của ông có lẽ là một trong những tên tuổi được biết đến nhiều nhất thế giới nhờ vào tháp Eiffel. Tuy nhiên, đằng sau cái tên đó, chúng tôi cũng vẫn chưa thể biết hết được tất cả những gì ông đã làm và đến trình độ nào mà ông đã đạt được, để có thể thực hiện những công trình đó. Do đó, thông qua một ban khoa học, chúng tôi đưa ra đề xuất, để có thể tiếp cận các kiến thức phong phú hơn, nhờ vào những lời chứng của mọi người, của các nhà khoa học, nhà lịch sử.
Khi được sinh ra mang họ Eiffel, liệu bà có cảm thấy phải mang một trọng trách đặc biệt nào đó đối với gia tộc của mình hay không ? Điều này có ảnh hưởng gì đến cuộc sống hay định hướng công việc của bà hay không ?
Đúng là khi là một hậu duệ của Eiffel, tôi nhanh chóng cảm thấy có trách nhiệm phải biết về cuộc đời của Gustave Eiffel cũng như về các công trình của ông.
Nghề nghiệp của tôi đó là giám tuyển, phụ trách đấu giá (commissaire priseur) tại Paris và Bordeaux. Đó là một nghề đòi hỏi chuyên môn, cần khám phá và cần có trí tò mò, trau dồi kiến thức và tiếp cận lịch sử một cách đa dạng. Nghề của tôi cho phép khám phá những đồ vật, những công trình mới mỗi ngày. Chúng tôi cần bổ sung cho kho kiến thức rộng lớn và việc đặt chân vào thị trường nghệ thuật, trau dồi cho tôi trí tò mò cũng như có kiến thức về lịch sử, và có thể điều này đến từ tổ tiên của tôi, cho phép tôi hiểu rõ về tổ tiên của tôi.
Là thành viên của hiệp hội giống như một hành trình đi ngược thời gian. Qua việc bảo tồn di sản, lịch sử chúng tôi cũng đã có được nhiều bài học. Thực tế đôi khi khá là tương phản. Đôi lúc chúng tôi cảm thấy có tầm quan trọng lớn khi nhìn vào những ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người đối với những gì mà Eiffel đã làm ra, khiến cho chúng tôi thấy được rằng những gì chúng tôi làm là nghiêm túc và sâu sắc. Trái lại điều này đôi lúc cũng khiến chúng tôi phải thực sự đấu tranh. Giống như là cuộc chiến phòng thủ, bảo vệ hình ảnh, công trình của Eiffel. Bởi vì đôi khi, chúng bị đe dọa phá huỷ, như trường hợp của cầu Saint-Jean ở Bordeaux.
Không chỉ với tháp Eiffel, các công trình của Gustave Eiffel đã vượt ra ngoài lãnh thổ Pháp, như tượng Nữ thần Tự do ở Hoa Kỳ, cầu Maria Pia ở Bồ Đào Nha, nhà ga xe lửa ở Budapest, Hungary, các công trình cầu đường ở châu Mỹ La Tinh hay ở cả Đông Dương. Với quy mô quốc tế như vậy, liệu bà có gặp phải khó khăn gì trong quá trình bảo tồn những di sản mà Eiffel để lại hay không ?
Dĩ nhiên, với tính quốc tế trong di sản của Gustave Eiffel, chúng tôi cũng đã gặp nhiều vấn đề, ngay cả khi hiệp hội của chúng tôi dần dần đã phát triển, có những thành viên quốc tế trong ban khoa học. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có đủ tiếng tăm. Chúng tôi đã đến những nước có công trình của ông, nhưng chỉ kết nối về mặt ngoại giao là chưa đủ. Chúng tôi cần tìm thêm các nhóm, ban khoa học về công trình của Eiffel trong các nước khác trên thế giới để cùng làm việc với nhau một cách hiệu quả.
Khó khăn thứ hai là về việc thiếu tư liệu. Ngay cả khi gia đình chúng tôi nắm giữ các tư liệu về đơn hàng trong các xưởng của Gustave Eiffel, nhưng không vì thế mà có thể làm sáng tỏ tất cả các bí ẩn về những công trình của Eiffel, đôi khi có những công trình được gắn tên Eiffel nhưng lại không phải là do ông xây dựng. Chúng tôi liên tục phải làm những việc như tách biệt đâu là thật đâu là giả, một cách trung thực nhất. Thứ nhất là để xác định công trình thực sự của ông và đồng thời để có thêm kiến thức về phong cách thiết thế có hơi hướng kiểu Eiffel nhưng không gắn tên của ông. Đó là một công việc rất thú vị nhưng cũng có quá nhiều việc phải làm.
Bà có ví dụ nào cụ thể về việc phải xác định thực giả trong các công trình của Eiffel hay không ?
Chúng tôi nhận được email được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới. Đó thường là những yêu cầu xác nhận tác giả, phải chăng công trình đó do Eiffel làm ra. Đôi khi chúng tôi có thể công nhận, nhưng đôi khi lại không, bởi vì một số công trình đó, không có giấy tờ nào do Eiffel kí, một số được xây dựng sau, và nhiều khi các tài liệu trữ bị mất. Do vậy, đây là một câu hỏi khá là phức tạp, khó có thể trả lời. Gần đây, tôi đã có liên lạc với một nhà sử học, nghiên cứu về hải đăng trên thế giới, tôi đã rất vinh dự được gặp ông ấy ở Estonia và khám phá lại công trình của Gustave Eiffel ở quốc gia này, những tháng vừa qua, chúng tôi đã thực hiện những bước mang tính quyết định, cho phép xác định rằng những ngọn hải đăng này là do Eiffel xây dựng, nhưng sử dụng một cái tên khác trong tệp đơn đặt hàng. Eiffel đã từng có một bằng về chiếu sáng (brevet éclairage). Điều này cho phép chúng tôi nghiên cứu thêm về những ngọn hải đăng ở Pháp.
Năm 2023 là dịp kỉ niệm 100 năm ngày mất của Gustave Eiffel, ngày 27/12/1923, có nhiều hoạt động, hội thảo, triển lãm được diễn ra tại nhiều nơi, tại tháp Eiffel, cầu Bordeaux hay Đài quan sát thiên văn ở Nice tại Pháp. Trên thế giới, nhiều hoạt động cũng được tổ chức như ở Hoa Kỳ hay Hungary, liệu việc tổ chức các hoạt động kỉ niệm ở nước ngoài có dễ dàng hay không
Có thể nói rằng những nơi được lựa chọn tổ chức là từ các mối liên hệ với các nhà nghiên cứu hoặc các bên xây dựng tại chỗ. Ngoài ra, một số địa điểm có công trình của Eiffel, chúng tôi có thể dễ dàng liên hệ với những người tại nước đó hơn và đó cũng phải là những nơi mong muốn tổ chức kỉ niệm 100 năm ngày mất của Eiffel.
Tôi biết rằng việc bố trí đèn chiếu sáng các công trình của Eiffel sẽ được thực hiện ở Bordeaux và Nice, có thể là những nơi khác, như Hoa Kỳ, hiện vẫn có nhiều sự kiện đang trong quá trình chuẩn bị. Cụ thể như ở cầu Bordeaux và Đài thiên văn Nice, chúng tôi sẽ treo một dòng chữ : “Gustave Eiffel, thách thức của sắt thép trước những cơn gió vượt thời gian”, để chỉ ra tính phổ quát trong công trình của Eiffel, bất tử (với thời gian).
Chúng tôi chọn tổ chức ở Budapest bởi vì sợi dây liên kết giữa Eiffel và nhà ga xe lửa thật đẹp và đặc biệt là đã được trùng tu và bảo tồn rất tốt. Nhân dịp này, tôi đã đến Budapest vào tháng trước, và khám phá một di sản tuyệt đẹp của Gustave Eiffel, đồng thời đề xuất tổ chức lễ kỉ niệm ở đây. Còn tại Hoa Kỳ, chúng tôi tập trung vào khai thác góc nhìn về Eiffel như một nhà nghiên cứu, với một bảo tàng ở Hoa Kỳ, Smithsonian Institution, sự kiện này cho phép khám phá về Eiffel trong ngành hàng không và những nghiên cứu của ông với Louis Blériot và Breguet, cũng như tượng Nữ thần Tự do, một công trình quan trọng với Eiffel và với người dân Mỹ.