Trừng phạt kinh tế Nga : Nhật nói một đằng làm một nẻo

Vào lúc Hoa Kỳ và châu Âu liên tục ban hành trừng phạt nhắm vào Nga, thì trái tim nước Nhật lại dao động giữa món sashimi cua tuyết và sự ủng hộ Ukraina. Để tỏ ra có tinh thần đoàn kết với Kiev  chống lại Nga xâm lược, Tokyo không ngừng kêu gọi cần cứng rắn hơn nữa trong việc trừng phạt kinh tế Matxcơva. Thậm chí tại thượng đỉnh G7 hồi tháng 05/2023, thủ tướng Nhật Fumio Kishida còn nhấn mạnh : Cần « ủng hộ mạnh mẽ Kiev và trừng phạt nghiêm khắc Nga ».

Đăng ngày: 09/06/2023

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa: Cua tuyết. Năm 2022, Nhật nhập khẩu 1,1 tỷ euro hải sản của Nga. AFP – –

Đức Tâm

Có thể nói, Tokyo đang « diễn », dàn dựng cảnh thể hiện lập trường cứng rắn với Matxcơva nhưng không chấp nhận từ bỏ nhập khẩu nhiều mặt hàng của Nga. Thậm chí, chính phủ Nhật hiện nay vẫn duy trì chức « bộ trưởng phụ trách hợp tác kinh tế với Nga ».

Theo giáo sư James Brown thuộc Đại học Temple, Tokyo, được báo Pháp Les Echos trích dẫn, nếu so với các nước trong khu vực châu Á, thì Nhật dường như can dự mạnh mẽ vào việc trừng phạt Nga. Nhưng nếu so với các nước trong nhóm G7, thì Tokyo tỏ ra không nghiêm khắc lắm. Xin nhắc lại là rất ít nước trong vùng châu Á lên án cuộc xâm lược Ukraina hoặc giảm trao đổi mậu dịch với Nga.

Viện lý do đe dọa « an ninh kinh tế » hoặc gây tổn hại ngoại thương, Nhật Bản tiếp tục nhập khẩu ồ ạt nhiều sản phẩm và các nguồn nhiên liệu của Nga và do vậy, bảo đảm nguồn thu nhập và ngoại tế cho chế độ của Vladimir Putin.

Báo kinh tế Les Echos cho biết, trong toàn năm 2022, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (GNL) của Nga đã tăng 4%. Cũng trong năm ngoái, gần 9,5 lượng GNL tiêu thụ tại Nhật được nhập khẩu từ Nga. Tỷ lệ này trong năm 2021 là 8,8%. Đáng chú ý là từ nay, Nhật chấp nhận mua dầu lửa của Nga với giá cao hơn giá trần là 60 đô la/thùng mà nhóm G7 và Liên Hiệp Châu Âu đã đề ra. Cụ thể, Tokyo đã mua với giá 68 đô la/thùng dầu cho các đợt giao hàng vào tháng Giêng và tháng Hai 2023.

Mặt khác, Nhật tiếp tục nhập khẩu hải sản đánh bắt tại Nga. Theo số liệu của bộ Tài Chính nước này, năm 2022, các tập đoàn công nghiệp thực phẩm đã nhập tới mức kỷ lục, 1,1 tỷ euro, các loại tôm cua cá của Nga. Theo giải thích của Tokyo, cấm vận hải sản Nga sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Nhật !

Cho đến nay, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu chưa gây sức ép với Nhật nhưng Canada đã công khai chỉ trích Tokyo « nói một đằng làm một nẻo ». Một nguồn tin ngoại giao Canada cho biết « chủ đề này đã được nêu ra trong cuộc họp của G7 ». Ottawa khó chịu vì Nhật thay vì nhập của Canada, đã tranh thủ mua được cua giá rẻ của Nga vì nước này bị cấm vận, không bán được cho nhiều thị trường châu Âu.

Phát biểu trước Hạ Viện, bộ trưởng Thương Mại Mary Ng khẳng định đang gây sức ép để Nhật lựa chọn nguồn cung ứng có « đạo đức hơn ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment