June 10, 2023
33 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc và mọi quốc gia thành viên Liên hiệp Châu Âu, ngoại trừ Hungary, đã yêu cầu tham gia đứng về phía Ukraine trong vụ kiện.
Tòa án Công lý Quốc tế chấp nhận yêu cầu của 32 quốc gia ủng hộ Ukraine trong vụ kiện diệt chủng chống lại Nga, tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc cho biết ngày 9/6.
Đây là số lượng lớn nhất các quốc gia tham gia khiếu nại một nước khác tại tòa án thế giới có trụ sở tại The Hague, Hà Lan.
Chính phủ Ukraine đã đưa ra vụ kiện vài ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Điện Kremlin đã từ chối các phiên điều trần được tổ chức vào tháng sau, trong khi những người biểu tình cầm cờ Ukraine hô vang các khẩu hiệu phản chiến bên ngoài cổng tòa án.
Latvia là quốc gia đầu tiên can thiệp vào đơn kiện cáo buộc Nga vi phạm Công ước Diệt chủng năm 1948 bằng cách cáo buộc sai sự thật Ukraine phạm tội diệt chủng ở các khu vực phía Đông Luhansk và Donetsk, đồng thời lấy đó làm cái cớ cho cuộc xâm lược.
Con số kỷ lục 33 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc và mọi quốc gia thành viên Liên hiệp Châu Âu, ngoại trừ Hungary, đã yêu cầu tham gia đứng về phía Ukraine trong vụ kiện. Tuy nhiên, các thẩm phán của tòa án Liên Hiệp Quốc đã từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ vì lý do kỹ thuật.
“Tòa án kết luận rằng các tuyên bố can thiệp được đệ trình trong trường hợp này, ngoại trừ tuyên bố do Hoa Kỳ đệ trình, đều được chấp nhận,” các thẩm phán nói.
Bất kỳ quốc gia nào đã ký hiệp ước hình sự hóa tội ác diệt chủng sau Thế chiến II đều được phép nộp đơn xin can thiệp trong các trường hợp được đưa ra theo hiệp định. Hoa Kỳ đã không chấp nhận một phần của Công ước diệt chủng khi ký hiệp ước, vì vậy các thẩm phán xác định quốc gia này không có quyền tham gia.
Các quốc gia và tổ chức không trực tiếp tham gia tố tụng thường yêu cầu tòa xem có cho họ đưa ra lập luận hay không, đặc biệt nếu kết quả có thể tác động đến họ theo một cách nào đó.
Các chuyên gia coi các kiến nghị trong vụ kiện đang chờ xử lý là nỗ lực thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine và lên án cuộc chiến của Nga hơn là các quốc gia đang tìm kiếm cơ hội để ủng hộ các lập trường hoặc lập luận pháp lý cụ thể.
Ông Ori Pomson, một học giả pháp lý tại Đại học Cambridge, người có nghiên cứu tập trung vào Tòa án Công lý Quốc tế, nói với hãng tin AP: “Các quốc gia đang bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine.”
Vào tháng 3 năm 2022, tòa án đã ra lệnh cho Nga ngừng các hoạt động thù địch ở Ukraine, nhưng Moscow đã không tuân thủ.
Tòa án thế giới đang xét xử một vụ kiện riêng do Ukraine đưa ra trước đó liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và việc Nga tài trợ cho lực lượng nổi dậy ly khai ở miền Đông Ukraine.
(Theo VOA)