Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.06.08
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại kỳ họp Quốc hội khóa XV.
Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Lê Minh Khái, tại diễn đàn Quốc hội đã đưa ra các đề xuất được truyền thông, báo chí chính thống của Việt Nam hôm 08/6/2023 dẫn lời như \’ném chuột không vỡ đồ quý\’; cần ‘tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường thanh tra, kiểm tra v.v…’ trong quản lý. Từ trong nước, hai nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam, nhà báo, blogger Võ Văn Tạo từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh từ Đại học Quốc gia Hà Nội, đã chia sẻ góc nhìn trên quan điểm riêng của mình về nội dung trên cùng các nhận định khác xung quanh diễn biến ‘thời sự Quốc hội” Việt Nam.
Nhà báo Võ Văn Tạo: Nếu được hỏi rằng liệu đề xuất trên của ông Thủ tướng Lê Minh Khái có là giải pháp thực sự và căn cơ hay là không, tôi cho rằng trong guồng máy chính phủ Việt Nam, từ lâu đã có hệ thống Thanh tra từ Trung ương (TW) xuống cấp huyện. Bên cạnh đó, hệ thống đảng cũng có Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp. Nhưng lâu nay các cơ quan này hoạt động rất kém hiệu quả, phần do năng lực, phần do tiêu cực. Cho nên tăng cường giám sát như ông Khái nói khó mà cải thiện được tình trạng tiêu cực, trì trệ.
Trong nội bộ đảng, nếu như vẫn nêu tư tưởng \”ném chuột đừng để vỡ bình\” hay \”ta đánh ta\”… thì đừng mong có bước ngoặt cơ bản tiến bộ trong quản lý đất nước.
Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh: Tôi cũng thấy rằng chống tham nhũng bằng tăng cường công nghệ thông tin, tăng cường thanh tra, kiểm tra, v.v… nhưng để không vỡ đồ quý (nói ẩn dụ không làm sụp đổ chế độ) rõ ràng là không ổn. Đó không phải là giải pháp căn bản. Chúng ta biết các quốc gia dân chủ cũng chống tham nhũng và chống rất hiệu quả. Vậy thì Việt Nam hãy học bài học chống tham nhũng từ các nước đó. Khi xã hội Việt Nam thiếu vắng tự do tư tưởng, ngôn luận, tự do lập hội, tư pháp độc lập và xã hội dân sự thì mọi biện pháp chống tham nhũng đều không ngăn nổi tham nhũng hoành hành.
Việc gì sẽ phù hợp với loại cán bộ ‘đùn đẩy, sợ, né trách nhiệm?
Ở một khía cạnh khác, vẫn vị Phó Thủ tướng của Chính phủ Việt Nam, ông Lê Minh Khái được truyền thông Việt Nam hôm 08/5 dẫn lời phát biểu, yêu cầu rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm. Tính khả thi của yêu cầu này ra sao, các nhà quan sát nói với RFA Tiếng Việt:
Ông Võ Văn Tạo: Nếu đặt vấn đề rằng liệu đây có là đề xuất biện pháp mang tính tình thế như là chữa lửa, chữa cháy, hay đó thực sự là giải pháp cơ bản, giúp giải quyết vấn đề về gốc rễ, tôi xin nêu một câu hỏi ở đây rằng tại sao cán bộ yếu kém, sợ trách nhiệm, đùn đẩy lại xử lý bằng thay thế, điều chuyển sang việc khác? Vậy việc gì phù hợp với loại cán bộ ấy? Tôi cho rằng chỉ khi sa thải thẳng thừng loại cán bộ ấy, mới mong có chuyển biến phần nào. Nhưng cái khó là rất hiếm cán bộ đủ năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong bộ máy nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Vì nhiều thập kỷ qua, phần lớn nhân tố nhân lực tích cực do quá nản chính sách cán bộ, đãi ngộ lao động bất công, đã rời bỏ khối nhà nước để ra nước ngoài, hoặc sang khối tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài…
Ông Lê Văn Sinh: Tôi cũng cho rằng cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực hiện công vụ thì hãy kiên quyết loại họ ra khỏi guồng máy quản trị quốc gia. Cách tối ưu là tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tiệt trừ tận gốc nạn chạy chức chạy quyền dưới bất kỳ hình thức nào. Làm được thế, đất nước không thiếu người tài đức gánh vác việc xây dựng quốc gia Việt Nam hùng cường, giảm thiểu tối đa nạn tham nhũng, xã hội phát triển lành mạnh, bền vững.
‘Kiểm soát quyền lực, nhốt quyền lực’ và ‘siêu quyền lực’
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng được báo chí Việt Nam dẫn lời sử dụng cụm từ \”kiểm soát quyền lực\” khi nói rằng \”kiểm soát quyền lực là một trong những giải pháp căn cơ để phòng, chống tham nhũng; phải tăng cường giám sát, kiểm soát thực thi của người có chức vụ, quyền hạn\” , trong khi một số ý kiến cho rằng thông thường người ta chỉ dám đề cập đến khái niệm \’giám sát quyền lực\’ một cách khá khiêm tốn và thận trọng.
Khi được hỏi trong trường hợp Việt Nam hiện nay và theo logic đặt vấn đề của vị Thủ tướng chính phủ, thì liệu \’quyền lực\’ như ông Lê Minh Khái ngụ ý có thể ‘kiểm soát’ được ở Việt Nam hay không, loại quyền lực nào thì tạm gọi là có thể ‘kiểm soát’ được, loại nào thì việc đó có thể được cho là không khả thi, thậm chí có loại nào mà nếu không thay đổi (chẳng hạn về mặt thể chế, thậm chí về chế độ chính trị…), thì không hay là khó hiệu quả, về khía cạnh này, hai nhà quan sát từ Việt Nam nêu tiếp góc nhìn trên quan điểm cá nhân của mình với Đài Á Châu Tự Do:
Ông Võ Văn Tạo: Tổng Bí thư ĐCSVN ông Nguyễn Phú Trọng từng nêu vấn đề kiểm soát quyền lực, thậm chí ông đã dùng chữ \”nhốt quyền lực\”, nhưng theo tôi khư khư giữ độc tôn quyền lực, không chấp nhận đa nguyên, đối lập chính trị, không chấp nhận tự do ngôn luận, tự do báo chí… thì làm sao thực sự ‘kiểm soát’ được quyền lực đây.
Ông Lê Văn Sinh: Theo tôi, khi mà đất nước chưa tạo ra được cấu trúc xã hội là một hệ thống tam quyền phân lập và có nền báo chí tự do, thì việc ‘kiểm soát quyền lực’ là bất khả. Tất cả những gì diễn ra tại Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua chứng tỏ điều đó. Người ta loay hoay tìm đủ mọi cách để ‘kiểm soát quyền lực’, trớ trêu thay lại tạo ra siêu quyền lực. Kết quả là quyền lực đã và đang làm tha hóa con người ngày càng ghê gớm mà không sao hãm quá trình này lại được.
Vẫn liên quan ‘thời sự Quốc hội’ Việt Nam, tuần này, báo chí, truyền thông chính thống Việt Nam đưa tin về việc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ “cho điểm” hay “chấm điểm” với quan chức phụ trách một số ngành trong nội các Chính phủ khi họ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Có ý kiến cho rằng đây là một lề lối mà lâu nay thực chất là ‘không phù hợp’, rằng không hoặc rất hiếm nước nào lại có cách làm được cho là ‘chấm điểm’ hay ‘cho điểm’ như vậy.
Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Tạo và ông Lê Văn Sinh hôm thứ Năm từ Việt Nam cho RFA hay:
Ông Võ Văn Tạo: Ai cũng biết Quốc hội Việt Nam chỉ là cánh tay nối dài của ĐCSVN độc đoán, để tỏ ra dân chủ như các thể chế tiến bộ, để mị dân, để \”son phấn đối ngoại\”, về cơ bản theo tôi Quốc hội Việt Nam không có thực quyền, Quốc hội không đại diện ý chí của nhân dân, đại biểu Quốc hội không do dân bầu mà do đảng cử, cho nên chủ tịch Quốc hội chấm điểm chẳng có ý nghĩa gì. Về cơ bản, nếu dẹp Quốc hội ở Việt Nam như lề lối, cách thức hiện nay, sẽ làm biên chế trả lương và chi phí họp hành nhẹ đi.
Ông Lê Văn Sinh: Quốc hội Việt Nam, theo tôi, sẽ thay đổi hoàn toàn, trở thành một nhánh quyền lực xã hội thực sự, chất lượng các Đại biểu Quốc hội hay Nghị sĩ, Nghị viên cũng sẽ rất khác nếu dân chúng được tự mình chọn người xứng đáng tham dự công việc lập pháp. Các ứng viên Đại biểu Quốc hội buộc phải tiến hành các hoạt động tranh cử thực sự với cương lĩnh thuyết phục cử tri v.v… Cảnh tượng hoạt động cùng là các biện pháp điều hành các kỳ họp tại diễn đàn này từ ông Chủ tịch Quốc hội đến các đại biểu sẽ khác hẳn những gì đang diễn ra bấy lâu nay. Khi đó Quốc hội Việt Nam đúng là cơ quan quyền lực nhất.
Chủ tịch Quốc hội hành xử như là “Thủ trưởng’ của QH?
Giới quan sát chính trị Việt Nam cho rằng cho tới nay tại Quốc hội do ĐCSVN chi phối, Chủ tịch Quốc hội vẫn hành xử như một dạng \”Thủ trưởng của Quốc hội\” và mô hình về vai trò quyền lực này có thể là ‘không hề phù hợp’ và cần phải có thay đổi, các nhà quan sát từ Nha Trang và Hà Nội chia sẻ quan điểm của mình về mặt này:
Ông Võ Văn Tạo: Về bản chất, Quốc hội Việt Nam khác với nghị viện ở các quốc gia dân chủ, tự do, phát triển. Cho nên chủ tịch Quốc hội Việt Nam trong Quốc hội có ngôi vị theo tôi như một dạng ‘Thủ tướng’ trong Chính phủ Việt Nam, hoàn toàn bất bình đẳng với các đại biểu khác.
Chủ tịch Quốc hội ở Việt Nam cho đến nay là một trong bốn thành viên cao cấp nhất của Bộ Chính trị ĐCSVN (hay còn được gọi là \”Tứ trụ\”), nên ông (bà) ta tự cho mình cái quyền lực tối thượng trong Quốc hội, mà có thể phán xét các đại biểu khác qua động thái ‘cho điểm’ như thầy cho điểm trò trên lớp học vậy. Điều đó càng khẳng định Việt Nam là một thể chế xa lạ với dân chủ, tự do.
Tôi cho rằng cái gì, về hình thức, đã học văn minh phương Tây thì cần phải học cho ra học. Phải làm cho hình thức và nội dung phù hợp, mới mong thành công. Nếu không thay đổi căn bản thiết chế chính trị (đảng trị độc đoán) thì mọi loay hoay cải lương ở Quốc hội Việt Nam như đã thấy đến nay chỉ là vô ích.
Ông Lê Văn Sinh: Tôi đồng ý với nhận định rằng Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, mô hình quyền lực thể hiện qua vị trí này từ lâu nay, đã và đang hành xử như một “thủ trưởng của Quốc hội”. Điều này là tự nhiên, là bản chất của hệ thống quyền lực độc đảng trong xã hội.
Đòi hỏi ông hay bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hành xử như ở quốc hội tại các nước dân chủ, phát triển và có nền dân chủ pháp trị, nhà nước pháp quyền tiến bộ văn minh, là không thể. Thể chế chính trị nào tất sinh ra thứ quyền lực đó. Không thể đòi hỏi một hoàng đế cư xử với thần dân của ông ta bình đẳng như tại các xã hội văn minh ngày nay.
Thay đổi mô hình quyền lực \”Thủ trưởng Quốc hội\” là một thách thức to lớn với ĐCSVN. Chế độ đảng lãnh đạo tuyệt đối sẽ ra sao khi ông/bà Chủ tịch Quốc hội không phải là ủy viên Bộ Chính trị? Đây là vấn đề thuộc thể chế chính trị. Chỉ đến khi nhu cầu đổi mới chính trị trở nên cấp thiết như đổi mới kinh tế năm 1986, lúc đó thay đổi vai trò thủ trưởng của Chủ tịch Quốc hội sẽ lập tức diễn ra.
Bỏ phiếu tín nhiệm là ‘đối phó’ khi thiếu sức nặng lá phiếu của cử tri?
Cũng trong tuần lễ làm việc này của Quốc hội Việt Nam, báo chí truyền thông chính thống của nhà nước cũng đăng tin gợi ý và cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, như diễn ra lâu nay, là biện pháp đảm bảo trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội và quan chức chính quyền do Quốc hội bổ nhiệm. Tuy nhiên cũng có người cho rằng đó chỉ là giải pháp \’đối phó\’ của nhà nước và ĐCSVN, khi không có sức nặng thực sự của lá phiếu do người dân bầu, chọn đại biểu thực sự của mình, qua bầu cử tự do, dân chủ và công bằng. Vì vậy, việc bỏ phiếu tín nhiệm trong Quốc hội như thế, theo luồng ý kiến này, cho thấy hoàn toàn là ‘công việc nội bộ’ của Quốc hội do Đảng Cộng sản kiểm soát, mà người dân hoàn toàn không có vai trò gì trong vấn đề này.
Vẫn từ Nha Trang và Hà Nội, hai nhà quan sát đưa ra quan điểm của mình với Đài Á Châu Tự Do hôm thứ Năm:
Ông Võ Văn Tạo: Phần lớn giới quan sát chính trị VN cho rằng, động thái lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội Việt Nam chỉ là trò diễn thô thiển của người đạo diễn thực sự là Bộ Chính trị ĐCSVN.
Tôi nghĩ rằng chỉ khi nào Việt Nam theo mô hình dân chủ, tự do, quyền lực nhà nước bị kiểm soát bởi các đảng phái chính trị độc lập, bởi tự do báo chí, tự do ngôn luận… thì mới có cơ may giải phóng mọi tiềm năng đất nước và con người để có thể cất cánh cùng nhân loại văn minh.
Ông Lê Văn Sinh: Không nên coi bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội là giải pháp căn cơ đảm bảo chất lượng Đại biểu Quốc hội và các quan chức của cơ quan này. Bỏ phiếu tín nhiệm trong bối cảnh hiện thời không nâng cao chất lượng Quốc hội. Nó chỉ là giải pháp chắp vá mà thôi. Giải pháp căn cơ là Đảng Cộng Sản Việt Nam thực hiện quyền tự do bầu cử, tự do ứng cử, tự do tranh cử. Làm sao để lá phiếu của cử tri thực sự thể hiện ý chí và nguyện vọng của họ. Khi đó, đất nước sẽ có ngay các đại biểu Quốc hội, các quan chức Quốc hội có chất lượng tốt nhất để đảm đương sứ mệnh và quyền uy của Quốc hội. Đất nước Việt Nam sẽ hòa cùng thế giới tiến bộ, sánh vai cùng họ tiến bước trên con đường xây dựng quốc gia giàu mạnh, giữ vững nền độc lập và chủ quyền của Việt Nam.