Cuộc tập trận Air Defender 23: Tín hiệu kép của NATO gửi đến Nga và của Mỹ gửi châu Âu

Đối với giới phân tích, mở ra trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraina, cuộc tập trận mang tên Air Defender 23 của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mở ra kể từ hôm nay 12/06/2023, rõ ràng là một tín hiệu cảnh cáo rất mạnh của NATO nhắm vào Nga. Bên cạnh đó, khi phái một lực lượng hùng hậu tham gia cuộc tập trận tại châu Âu do Đức chỉ huy, Hoa Kỳ, nước đứng đầu Liên Minh Bắc Đại Tây Dương cũng muốn gởi một thông điệp đến các đối tác châu Âu.

Đăng ngày: 12/06/2023

\"\"
\"\"
máy bay vận tải C-130 Hercules của Không lực Hoa Kỳ, cất cánh từ căn cứ không quân Wunstorf, Đức, ngày 12/06/2023. AP – Julian Stratenschulte

Trọng Nghĩa

Về mặt chính thức, như lời khằng định của tướng Gerhartz, tư lệnh Không Quân Đức, nước chỉ huy cuộc diễn tập, Air Defender 23 không nhắm vào “bất kỳ ai”. Tuyên bố này tuy nhiên đã bị chính ông phủ nhận khi ông nhắc lại rằng ý tưởng tổ chức cuộc thao diễn đã có từ năm 2018 trong khuôn khổ những phản ứng chống lại việc Nga sáp nhập vùng Crimée của Ukraina.

Đại diện Mỹ, nước đứng đầu NATO, thì có tuyên bố thẳng thắn hơn khi nêu bật việc cuộc tập trận cũng gửi đi một thông điệp tới nhiều nước trong đó có cả Nga. Phát biểu với giới báo chí, đại sứ Mỹ tại Đức, bà Amy Gutmann cho rằng: “Tôi sẽ khá ngạc nhiên nếu một lãnh đạo nào đó trên thế giới, kể cả ông Putin, không lưu ý đến những điều được thể hiện trên phương diện ý nghĩa, tức là sức mạnh của liên minh (NATO) này”.

Đối với giới phân tích, thông điệp gởi đến Nga manh tính chất thị uy rất rõ. Trả lời RFI, ông Cyrille Bret, nhà nghiên cứu tại Viện Jacques Delors của Pháp nhận định: “Số lượng quốc gia tham gia và số lượng máy bay được huy động tự nó là một thông điệp gửi đến Liên Bang Nga. Không một tấc lãnh thổ nào của Liên Minh có thể bị đe dọa. Đó là thông điệp mà NATO gửi đi, và trong lĩnh vực không quân, một lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm vì Nga đã không thành công trong việc thiết lập uy thế không thể tranh cãi trong lĩnh vực này mặc dù luôn khẳng định mình đi đầu về không quân”.

Đối với chuyên gia Pháp, cuộc tập trận thực sự là một thông điệp răn đe gửi đến Nga trong bối cảnh Ukraina bắt đầu phản công.

Giới phân tích cũng chú ý đến sự kiện Hoa Kỳ quyết định gởi cả trăm phi cơ cùng với 2000 người trong lực lượng Vệ Binh Không Quân Quốc Gia qua châu Âu tham gia tập trận. Mục tiêu của Mỹ được cho là nhằm kiểm tra khả năng vượt Đại Tây Dương của mình trong trường hợp xảy ra khủng hoảng lớn ở Châu Âu.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Cyrille Bret, Washington cũng muốn gởi thông điệp tới các đối tác Châu Âu trong NATO. Theo ông, sự hiện diện hùng hậu của Mỹ trong cuộc tập trận là nhằm khẳng định với các nước là Hoa Kỳ đã thực sự trở lại châu Âu và sẽ tiếp tục làm như vậy trên quy mô lớn.

Đi sâu vào chi tiết, chuyên gia Pháp cho rằng Washington cũng muốn gởi đi một thông điệp thứ hai quen thuộc hơn: Mỹ là nguồn đảm bảo an ninh chính cho lục địa châu Âu, một thực tế được thấy qua lực lượng Hoa Kỳ hùng hậu tham gia cuộc tập trận, với gần một nửa số phi cơ do Mỹ cung cấp. Washington đã đưa ra một thông điệp rõ ràng về gánh nặng mà châu Âu phải chia sẻ, nghĩa là phải đóng góp thêm, đặc biệt là về mặt tài chính, cho nỗ lực bảo vệ an ninh chung.

Bài Liên Quan

Leave a Comment