18 tháng 3 2021
Động vật thường phát triển những tập tính thích nghi phi thường để tồn tại dưới những điều kiện sống khắc nghiệt.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra ở những vùng địa chất luôn thay đổi suốt ngày như rừng mưa nhiệt đới Amazon khi mà khí hậu thay đổi bất thường chỉ trong tính tắc? Làm thế nào mà các loài động vật nơi đó học được khả năng thích nghi?
Rừng mưa nhiệt đới Amazon là một vùng rộng bạt ngàn đến mức có thể bỏ cả Vương quốc Anh và Cộng hoà Ireland vào đó 17 lầm mới hết, và là khu rừng có một hệ sinh thái vô cùng đa dạng với gần 40,000 loài thực vật khác nhau, 2.5 triệu loài côn trùng cư ngụ – và thêm vô số những giống loài mà chúng ta còn chưa biết đến nữa.
Có hàng tỷ các cây cối trong rừng, nước được rễ cây hút lên, chuyển lên những tán trên cao rồi xả vào không trung trong quá trình được gọi là sự thoát hơi nươc (evapotranspiration).
Nước bốc hơi sau đó tụ lại thành mây, rồi cuối cùng chuyển thành mưa, và khi trút xuống Amazon thì cơn mưa trở nên nặng hạt, mưa rất mau, biến khu rừng trở thành một trong những nơi ẩm ướt nhất trên Trái Đất.
Khi thử thách sinh tử này xảy ra, các loài sinh vật nơi đây chỉ có hai lựa chọn duy nhất: một là phải vượt được qua mực nước để leo lên cây, hai là bắt đầu lặn ngụp cầm cự qua ngày.
Thế nhưng có một loài sinh vật tuy nhỏ bé nhưng lại rất tinh khôn, biết cách sống sót qua thử thách này nhờ vào việc sử dụng sự khéo léo linh hoạt đặc trưng của loài, hoặc nói chính xác hơn, là khả năng làm việc nhóm và đoàn kết giữa các cá thể.
Đó chính là loài kiến lửa, được đặt têndo cảm giác đau đớn nhức nhối như lửa đốt mà chúng gây ra khi cắn loài khác để phòng vệ.
Kiến lửa sống thành từng đàn lớn dưới lòng đất, đồng nghĩa là chúng sẽ đặc biệt gặp rắc rối to mỗi khi cơn mưa kéo đến.
Nhưng chúng đã tạo ra được một giải pháp thích nghi tuyệt vời khi tổ của chúng bắt đầu bị ngập lụt.
Lúc nước dâng lên, hàng loạt con kiến thợ và kiến lính bắt đầu trồi lên từ dưới lòng đất, với kiến chúa và những ấu trùng của đàn trên lưng.
Khi đã ở trên mặt nước (kiến lửa có thể nổi được nhưng không thể cầm cự lâu trên mặt nước), các con kiến trong đàn bắt đầu liên kết lại với nhau, chúng khoá chân với các con xung quanh, và dần dần kết nên một cái bè khổng lồ, nổi được nhờ sức căng bề mặt của nước.
Xung quanh cơ thể kiến lửa có một lớp lông nhỏ mịn giúp giữ được một lớp không khí mỏng và chính lớp không khí này sẽ giúp chiếc bè cứu sinh kiến nổi một cách vững chãi trên mặt nước, đồng thời tạo nên một tấm đệm chất lượng cho tất cả thành viên trôi lềnh bềnh cùng nhau.
Số lượng kiến kết bè cứu sinh cùng nhau có khi lên tới 100.000 con. Bè kiến có thể trôi lềnh bềnh trong nhiều tuần mà không con nào bị chết đuối, chính là nhờ tới lớp không khí mỏng đã giúp chúng nổi.
Kiến chúa và các ấu trùng được ở vùng trung tâm – phần khô nhất của chiếc bè cứu sinh hình bánh kếp này – và được những con kiến xung quanh bảo vệ.
Các nhà sinh vật học và các kỹ sư đều vô cùng kinh ngạc trước khả năng chuyển biến, thích nghi thần tốc của loài kiến lửa khi kết bè vượt lũ, với các bộ phận cơ thể khóa chặt vào nhau như kết cấu của một loại vải sinh học, và dường như chúng không cần một con đầu đàn đứng ra để điều phối việc này.
Các chú kiến lửa làm điều này hoàn toàn theo bản năng và tập tính thích nghi vì chúng biết khi nào cần làm và làm như thế nào để phối hợp hiệu quả với nhau.
Kết bè vững chãi vượt lũ được, song mọi thứ không phải sẽ đương nhiên thuận buồm xuôi gió suốt cả hành trình.
Khi bè kiến trôi trên mặt nước, nó sẽ chịu sự tác động mạnh mẽ của dòng chảy và các cơn sóng, và thậm chí có thể phải trôi lềnh bềnh trong nhiều tuần trước khi có thể cập bến một bãi đất khô ráo – đấy là trong trường hợp chúng có thể cập bến an toàn.
Cá và những con thú săn mồi khác rõ ràng là rất thích thú khi trông thấy một món ăn xế ngon lành bỗng nhiên ở đâu trôi tới ngay trước mắt, và cho dò những con kiến ở ngoài rìa kiên cường cùng nhau kháng cự thì vẫn có những con trong đàn bị xơi tái bởi những sinh vật đói bụng này.
Nhưng nếu bè kiến có thể cập bến một vùng đất khô ráo, thì chúng sẽ nhanh chóng tách dần ra và bơi thành từng cụm, mang trên lưng những con non và kiến chúa.
Trên thực tế, loài kiến lửa đã biến thiên tai lũ lụt thành lợi thế của chúng, bằng cách coi đây là cơ hội để di cư đến các bãi thức ăn mới.
Đàn kiến sẽ đợi nước lũ rút đi rồi chúng sẽ cùng nhau dựng xây một tổ ấm mới dưới lòng đất.
Và khi những cơn mưa nặng hạt bất thình lình đổ ập đến, những chú kiến lửa kiên cường sẽ lại kết thành bè cứu sinh và lên đường chu du đến vùng đất mới.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.