June 13, 2023
Trong đơn cầu cứu, Luật sư Đào Kim Lân tiết lộ những sự việc được xem là hù dọa, bưng bít thông tin và có ý che giấu các hành vi vi phạm tố tụng tại địa bàn tỉnh Long An và có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, cản trở quyền hành nghề của luật sư.
Trong vai trò là các luật sư bào chữa cho bảy bị cáo vụ Tịnh thất Bồng Lai, nhận thấy tính chất phức tạp và những diễn tiến bất thường của vụ án, với ý thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can – bị cáo theo quy định pháp luật, mong muốn các quy định về tố tụng hình sự phải được tuân thủ và pháp chế được đề cao, ngăn ngừa những hệ lụy đáng tiếc và khó lường, bằng sự cân nhắc và thận trọng, chúng tôi đã làm báo cáo vụ án và kiến nghị giải quyết vụ án gửi Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan thẩm quyền và pháp luật Trung ương.
Tuy nhiên những văn bản nói trên lại được chuyển về Công an tỉnh Long An và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An và cho đến nay chưa có câu trả lời cũng như biện pháp xử lý các nội dung trên.
Ngày 28/02/2023, tôi có đơn trình bày và kêu cứu khẩn cấp gởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cơ quan Trung ương bao gồm Bộ Công an và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam để trình bày sự việc và kêu cứu vì nhiều khuất tất trong thông báo của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Long An.
Vì đây là một cơ quan trong số các cơ quan tố tụng khác của tỉnh Long An đang có đơn khiếu nại, tố cáo của các luật sư nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc có kết luận nhưng giờ đây lại là cơ quan tham gia xem xét, xử lý về các thông tin tố cáo, nhận định của các luật sư “về các vi phạm của Công an tỉnh Long An” thì sẽ thiếu tính khách quan, công tâm và có xung đột lợi ích, tương tự như vi phạm trước đây của Công an huyện Đức Hòa khi đứng ra xử lý hành vi “vu khống Công an Đức Hòa” trong vụ án Thiền Am dẫn đến việc sau đó vụ án phải chuyển lên tỉnh theo đúng thẩm quyền.
Đến ngày 8/3/2023, tôi nhận được Quyết định tạm hoãn xuất cảnh và giấy triệu tập vào ngày 15/03/2023 để làm việc liên quan đến tin báo về tội phạm của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao về các nội dung nêu trên.
Từ động thái nói trên của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An cho thấy việc cơ quan này thụ lý, giải quyết tin báo tội phạm liên quan đến cá nhân tôi có nhiều vấn đề cần thận trọng, cân nhắc xem xét về động cơ, thẩm quyền và các xung đột lợi ích.
Theo tin báo của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, hành vi được cho là cần xem xét, xử lý là hoạt động trên không gian mạng, hình ảnh, bài nói được ghi hình và phát sóng tại TP.HCM, vậy nơi tiếp nhận tin báo tội phạm phải là TP.HCM chứ không phải tỉnh Long An nên có thể có sự nhầm lẫn về thẩm quyền tiếp nhận trong vụ việc này.
Hiện tôi và các đồng nghiệp đang có văn bản khiếu nại, tố các về các vi phạm tố tụng nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng huyện Đức Hòa và các cơ quan tố tụng tỉnh Long An bao gồm cơ quan Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân từ huyện đến tỉnh mà đến nay chưa được xem xét, giải quyết kể cả xem thường các văn bản chuyển về của Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An là cơ quan có chức năng giám sát việc tuân thủ pháp luật ngoài chức năng giữ quyền công tố.
Từ đó cho thấy nếu các cơ quan tỉnh Long An thụ lý, tin báo tố giác tội phạm mà trong đó ít nhiều có liên quan trực tiếp đến việc chính “họ đang bị tố cáo” thì tính khách quan trong việc xử lý “người đang tố cáo” họ sẽ chắc chắn không được đảm bảo, chưa kể đến những lo ngại về việc trù dập, trả thù…. nhất là tính độc lập trong chức năng “giám sát việc tuân thủ pháp luật” của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An.
Có những chứng cứ vốn bị bỏ qua về các cơ quan tố tụng tỉnh Long An, đặc biệt là thái độ “làm ngơ” các nội dung tố cáo được đăng tải công khai bao gồm các hành vi sai trái của cán bộ, chiến sỹ công an huyện Đức Hòa như ông Trần Quốc Thắng, ông Bình, cô Nhi hoặc dấu hiệu dàn dựng vụ lừa đảo 100 triệu đồng có sự tiếp tay của một số cán bộ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An cùng nhiều hành vi có dấu hiệu mờ ám khác như tung tin loạn luân (có báo còn dẫn lời của Đại tá Văn Công Minh, lãnh đạo Công an tỉnh Long An), khám thân thể cô Bùi Ngọc Trâm trái pháp luật, cố tình che dấu thông tin cũng như việc tìm kiếm, giải cứu cô Võ Thị Diễm My, một nạn nhân đã có lời tố cáo việc mình bị nhiều tổ chức, cá nhân xâm hại.
Kể cả nghi án loạn luân giữa cô ấy và cha mình là ông Võ Văn Thắng, chậm xử lý hành vi có dấu hiệu của Luật sư Trần Quốc Dũ, cố ý “bỏ quên” hoặc không xem xét các chứng cứ do các Luật sư giao nộp để xét xử vụ án một cách khách quan, toàn diện, không bao che, bỏ lọt tội phạm và không gây oan sai người vô tội của Tòa án huyện Đức Hòa và Tòa án tỉnh Long An cũng như vai trò giám sát của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An là người giữ quyền công tố cả hai cấp tòa…
Những sự việc được xem là hù dọa, bưng bít thông tin và có ý che giấu các hành vi vi phạm tố tụng tại địa bàn tỉnh Long An và có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, cản trở quyền hành nghề của luật sư.
Đào Kim Lân