Bắc Hàn: Người dân kể cho BBC chuyện hàng xóm chết đói

  • Jean Mackenzie
  • Phóng viên BBC tại Seoul
\"Illustration

Người dân Bắc Hàn kể với BBC rằng thực phẩm thiếu đến nỗi hàng xóm của họ đã chết đói.

Các cuộc phỏng vấn độc quyền được thực hiện bên trong đất nước cô lập nhất thế giới này cho thấy tình trạng tồi tệ nhất tại đây kể từ những năm 1990, theo các chuyên gia.

Chính phủ đã đóng cửa các biên giới từ năm 2020, cắt hoàn toàn các nguồn cung cấp sống còn. Chính phủ cũng thắt chặt kiểm soát cuộc sống của người dân, những người được BBC phỏng vấn cho hay.

Bình Nhưỡng nói với BBC rằng đất nước này luôn ưu tiên quyền lợi của người dân.

BBC đã bí mật phỏng vấn ba dân thường ở Bắc Hàn, với sự trợ giúp của tổ chức Daily NK – nơi vận hành một mạng lưới các nguồn tin tại Bắc Hàn. Họ nói với chúng tôi rằng kể từ khi biên giới đóng cửa, họ lo sợ rằng họ sẽ hoặc chết đói hoặc bị xử tử vì vi phạm các quy định.

Việc được nghe trực tiếp từ người dân sống tại Bắc Hàn là rất hiếm hoi.

Cuộc phỏng vấn tiết lộ một thảm kịch bi thương đang diễn ra tại Bắc Hàn – theo Sokeel Part từ tổ chức Tự do ở Bắc Hàn (LiNK) – tổ chức hỗ trợ những người Bắc Hàn đào tẩu.

Một phụ nữ sống ở thủ đô Bình Nhưỡng nói với chúng tôi rằng chị biết một gia đình ba người đã chết đói tại nhà.

\”Chúng tôi gõ cửa nhà họ để đưa nước cho họ, nhưng không ai mở cửa,\” Ji Yeon nói. Khi chính quyền vào được nhà, họ thấy cả ba đã chết, chị nói.

Tên của Ji Yeon đã được thay đổi để bảo vệ chị, cùng với những người khác tham gia cuộc phỏng vấn này.

Một thợ hồ sống gần biên giới với Trung Quốc, người mà chúng tôi gọi là Chan Ho, nói rằng nguồn cung cấp thực phẩm rất eo hẹp khiến năm người sống trong làng của anh đã chết vì đói.

\”Ban đầu, tôi sợ chết vì Covid, nhưng rồi tôi bắt đầu sợ chết đói,\” anh nói.

Bắc Hàn chưa từng có khả năng sản xuất đủ thực phẩm cho 26 triệu dân. Khi nước này đóng cửa biên giới vào tháng 1/2020, chính quyền ngưng nhập khẩu ngũ gốc từ Trung Quốc, cũng như phân bón và máy móc cần để trồng hoa màu.

Trong khi đó, họ cho gia cố biên giới với hàng rào, đồng thời được cho là yêu cầu lính bắn bất cứ ai cố vượt qua biên giới. Điều này khiến cho những người buôn lậu thực phẩm để bán tại các chợ đen, nơi phần lớn người dân Bắc Hàn mua sắm, không thể hoạt động được.

Một tiểu thương từ phía bắc nước này, người mà chúng tôi gọi là Myong Suk, nói rằng hầu hết ba phần tư các sản phẩm từ chợ địa phương tại nơi cô sống được nhập từ Trung Quốc, nhưng các chợ này \’nay trống trơn\’.

Cô, giống những người sống nhờ bán hàng lậu dọc biên giới, thấy hầu hết nguồn thu của họ biến mất. Cô nói với chúng tôi rằng gia đình cô chưa bao giờ có ít thực phẩm để ăn đến vậy, và rằng gần đây người ta đên gõ cửa nhà cô xin thức ăn vì quá đói.

Từ Bình Nhưỡng, Ji Yeon nói với chúng tôi rằng chị nghe thấy có người đã tự tử tại nhà hoặc chết trên núi bởi họ không thể nào kiếm sống được nữa.

Chật vật để có thể nuôi ba đứa con. Một lần, chị đã nhịn ăn hai ngày và nghĩ mình sẽ chết khi ngủ.

Cuối những năm 1990, Bắc Hàn trải qua nạn đói tàn khốc giết chết khoảng ba triệu người.

Các lời đồn thổi hiện nay về nạn đói, được ba người trả lời phỏng vấn chứng thực, đã khiến người ta lo sợ rằng Bắc Hàn có thể đang trên bờ vực một thảm họa khác.

\”Việc những người dân bình thường, thuộc tầng lớp trung lưu, chứng kiến hàng xóm chết đói, là vô cùng đáng quan ngại,\” nhà kinh tế học Bắc Hàn, Peter Ward nói. \”Chúng ta không nói về sự sụp đổ xã hội hoàn toàn hay nạn đói trên diện rộng, nhưng tình trạng hiện nay không tốt chút nào.\”

Hanna Song, giám đốc NKDB, nơi lưu hồ sơ vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn, đồng tình với điều này. \”Trong 10-15 năm qua chúng ta đã nghe về các trường hợp chết đói. Việc này gợi chúng ta nhớ lại thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử Bắc Hàn.\”

Thậm chí lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un cũng hé lộ các dấu hiệu về sự nghiêm trọng của tình hình – có thời điểm đã nhắc công khai về \’một cuộc khủng hoảng lương thực\’, trong khi thực hiện hàng loạt nỗ lực để tăng cường năng suất nông nghiệp. Bất chấp điều này, ông ta ưu tiên đầu tư cho các chương trình vũ khí hạt nhân của mình, thử nghiệm kỷ lục 63 tên lửa đạn đạo vào 2022. Có ước tính rằng toàn bộ chi phí cho các thử nghiệm này lên tới hơn 500 triệu USD – hơn số tiền cần thiết để giúp bù đắp cho việc thiếu hụt ngũ cốc hàng năm của Bắc Hàn.

\"Masked
Chụp lại hình ảnh,Một bức ảnh hiếm chụp tại Bắc Hàn trong thời kỳ đại dịch, cho thấy mọi người tại một ngã tư ở Phyongysong

Những người dân tham gia phỏng vấn của chúng tôi tiết lộ chính phủ đã sử dụng ba năm qua để tăng cường kiểm soát cuộc sống của người dân như thế nào, thông qua việc củng cố các hình phạt và thông qua các luật mới.

Trước đại dịch, hơn 1.000 người chạy khỏi đất nước mỗi năm, vượt sông Yalu sang Trung Quốc, theo số liệu do chính phủ Hàn Quốc đưa ra. Tiểu thương Myong Suk nói với chúng tôi rằng việc chạy trốn đã trở nên không tưởng. \”Nếu bạn tới gần sông bây giờ bạn sẽ chịu hình phạt rất nặng, vì vậy gần như không ai vượt sông,\” chị nói.

Thợ công trình Chan Ho nói rằng con trai bạn anh mới đây chứng kiến vài cuộc xử tử bí mật. Trong mỗi trường hợp, ba đến bốn người bị giết do cố tìm cách chạy trốn. \”Mỗi ngày lại trở nên khó khăn hơn để sống,\” anh nói với chúng tôi. \”Đi sai một bước và thế là bạn đối diện án tử.\”

\”Chúng tôi mắc kẹt tại đây, chờ chết.\”

Trong hơn ba năm, Bắc Hàn đã đóng cửa các biên giới. Người dân bị cấm xuất cảnh hoặc nhập cảnh vào Bắc Hàn. Hầu hết người nước ngoài sống tại Bắc Hàn đã rời đi. Quốc gia bí mật và độc tài nhất thế giới này hiện là một hố đen về thông tin. Trong suốt nhiều tháng, ba người sống tại Bắc Hàn đã liều mạng sống để kể với BBC điều gì đang thật sự diễn ra.

Chúng tôi đưa những thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được cho chính phủ Bắc Hàn, họ nói với chúng tôi rằng họ \’luôn ưu tiên quyền lợi của người dân, ngay cả trong các thời điểm khó khăn.\”

\”Sức khỏe của người dân là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, ngay cả khi đối mặt với khó khăn thử thách,\” người đại diện Đại sứ quán Bắc Hàn tại London nói.

Họ cũng nói rằng thông tin này \’không hoàn toàn chính xác\’, khẳng định nó được lấy từ các lời khai bịa đặt từ các thế lực chống lại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.\”

Nhưng ông Sokeel Park, từ LiNK, nói rằng những cuộc phỏng vấn này đã tiết lộ những khó khăn gấp ba lần. \”Tình hình thực phẩm trở nên khó khăn người, người dân có ít tự do hơn để bảo vệ mình, và hiện gần như không thể bỏ trốn.\” Họ ủng hộ một lý thuyết rằng \”Bắc Hàn hiện đang đàn áp hơn bao giờ hết,\” ông nói.

Tại Bình Nhưỡng, chị Ji Yeon nói rằng việc giám sát và đàn áp hiện nay quá tàn nhẫn khiến người dân không tin nhau nữa. Chị bị thẩm vấn theo một luật mới, được thông qua vào tháng 12/2020, cấm người dân chia sẻ hay xem phim, các chương trình TV hay các bài hát nước ngoài. Theo Đạo luật Từ chối Văn hóa và Tư tưởng Phản động này, nhằm loại bỏ thông tin nước ngoài, những người bị phát hiện phát tán các nội dung của Hàn Quốc có thể bị tử hình.

Một nhà cựu ngoại giao Bắc Hàn, người đào tẩu năm 2019, nói ông bị sốc vì sự cực đoan đàn áp lên sự ảnh hưởng của nước ngoài. \”Kim Jong-un lo ngại rằng nếu người dân hiểu tình hình mà họ đang lâm vào, và Hàn Quốc giàu mạnh thế nào, họ sẽ bắt đầu căm ghét ông ta và nổi dậy,\” nhà cựu ngoại giao Ryu Hyun Woo giải thích.

Các cuộc phỏng vấn của chúng tôi cho thấy lòng trung thành của một số người dân đã bị bào mòn trong ba năm qua.

\”Trước Covid, người dân nhìn nhận Kim Jong-un rất tích cực,\” Myong Suk nói. \”nay hầu hết mọi người đều vô cùng bất mãn.\”

BBC sẽ đăng tải thêm các thông tin khác trong cuộc phỏng vấn về cuộc sống hằng ngày ở Bắc Hàn vào 15/6, thứ Năm.

Bài Liên Quan

Leave a Comment