Chiến tranh Ukraina: Phái đoàn trung gian hòa giải của châu Phi đến Kiev

Một phái đoàn trung gian hòa giải của châu Phi đã đến Kiev hôm nay, 16/06/2023, và sẽ tới Saint-Petersburg ngày mai để cố giải quyết cuộc xung đột giữa Ukraina với Nga, nhưng cơ may thành công của phái đoàn rất thấp.

Đăng ngày: 16/06/2023

\"\"
\"\"
Tổng thống Zambia, Senegal, Comoros, Nam Phi và thu tướng Ai Cập đến viếng một nghĩa trang ở thành phố Butcha, ngoại ô Kiev, Ukraina, ngày 16/06/2023. REUTERS – VALENTYN OGIRENKO

Thanh Phương

Chuyến đi của phái đoàn trung gian hòa giải châu Phi đã được Nam Phi thông báo vào tháng trước. Cho tới nay, Nam Phi vẫn không lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraina, khẳng định mong muốn giữ thái độ trung lập, đồng thời chủ trương Kiev và Matxcơva nên đối thoại với nhau. 

Phái đoàn châu Phi sẽ mở các cuộc hội đàm với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và sau đó với tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, một số thành viên của phái đoàn vào giờ chót đã rút ra, cho nên tham gia chuyến đi rốt cuộc chỉ có 4 vị tổng thống, trong đó có tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, cùng với một vị thủ tướng và một đặc phái viên.

Trong một thông cáo đưa ra hôm qua, tổng thống Nam Phi cho rằng “trong bối cảnh chiến sự leo thang, việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình phải được đẩy nhanh”. Về phần Kiev, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ukraina cũng ra thông cáo khẳng định: ”Chúng tôi muốn mở các cuộc thảo luận để xem là, nhờ các nỗ lực chung, có thể tiến gần đến hòa bình ở Ukraina hay không”.   

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan nhận định: 

Nhiệm vụ của phái đoàn sẽ rất phức tạp, trước hết là do tình hình quân sự hiện nay, lực lượng Ukraina vừa mới bắt đầu chiến dịch phản công. Thứ hai là phái đoàn bị suy yếu, bị mất đà. Theo dự kiến ban đầu có đến bảy tổng thống tham gia chuyến đi, nhưng ba người đã bỏ vào giờ chót. 

Cho nên, giới thân cận của các tổng thống châu Phi phải giảm bớt tham vọng của phái đoàn, tức là không còn thương lượng về một lệnh ngừng bắn giữa Kiev và Matxcơva, mà sẽ tập trung vào vế ngoại giao, kinh tế, cụ thể là phái đoàn hy vọng trong vòng 24 tiếng đồng hồ tới sẽ đạt được tiến bộ về vấn đề cung cấp phân bón, ngũ cốc.

Còn theo các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn, cơ may thành công của phái đoàn trung gian hòa giải châu Phi rất thấp, bởi vì Ukraina đã tuyên bố không chấp nhận bất cứ nhân nhượng lãnh thổ nào, cho dù điều này có thể giúp chấm dứt xung đột. Thứ hai là các lãnh đạo châu Phi trong phái đoàn không thể đóng vai trò trung gian do không có trọng lượng chính trị, không có bất cứ ảnh hưởng nào.

Bài Liên Quan

Leave a Comment