Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken

\"Reuters\"/
Chụp lại hình ảnh,Ngoại trưởng Blinken (trái) đang có chuyến công du hai ngày tới Trung Quốc

Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vừa kết thúc lúc 17:09 (09:09 GMT) tại Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng ra thông cáo về cuộc họp.

Trong thông cáo, ông Tập cho biết phía Trung Quốc đã \”làm rõ quan điểm của mình\” và đạt được một số tiến bộ cũng như thỏa thuận về \”các vấn đề cụ thể\”.

Ông Tập nói các cuộc đàm phán của ông Blinken với những người đồng cấp Trung Quốc diễn ra \”thẳng thắn và sâu sắc\”, và ông hy vọng Ngoại trưởng Mỹ, thông qua chuyến thăm này, có thể góp phần \”ổn định quan hệ Mỹ-Trung\”.

Cuộc gặp gửi ra một thông điệp rằng chính phủ của ông Tập đang cố gắng ngăn chặn tình trạng trượt dốc trong quan hệ Trung-Mỹ, phóng viên BBC chuyên theo dõi tình hình Trung Quốc, Stephen McDonell, tường thuật.

Nghi lễ buổi đón tiếp ông Blinken là nghi lễ thường chỉ áp dụng khi lãnh đạo Trung Quốc gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia; tuy nhiên, có lẽ những căng thẳng gần đây giữa Washington và Bắc Kinh đòi hỏi cần một cử chỉ mang tính biểu tượng lớn để tạo thay đổi hướng đi giữa hai quốc gia, phóng viên chúng tôi nói.

Ông Blinken hiện đang có chuyến thăm hai ngày tới Trung Quốc. Chuyến công du lẽ ra đã diễn ra hồi tháng Hai nhưng bị trì hoãn quanh vụ Hoa Kỳ bắn hạ khinh khí cầu bị cho là phục vụ mục đích gián điệp của Trung Quốc.

Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã gặp gỡ quan chức ngoại giao cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Nghị, người đã quy trách nhiệm cho Hoa Kỳ về tình trạng bất ổn hiện tại, và nói rằng chính quyền ông Biden nên “ngừng thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Với TQ, vẫn đề Đài Loan là điểm bất di bất dịch về ngoại giao, ông Vương nói với vị khách Mỹ.

Tuy nhiên, cả hai bên sẽ vui vẻ vì chuyến đi này ít nhất đã nối lại thông tin liên lạc giữa Mỹ-Trung và mở đường cho nhiều cuộc tiếp xúc ở cấp cao hơn.

Cả hai nước đều có vai trò quan trọng trong nhiều hồ sơ địa chính trị quốc tế, gồm cả Ukraine.

Trung Quốc muốn có vai trò ở châu Âu về Ukraine?

Các hoạt động ngoại giao Mỹ-Trung diễn ra sau khi Trung Quốc cử một đặc sứ, ông Lý Huy, sang Ukraine và Ba Lan gần đây (trong tháng 5) để vận động cho “sáng kiến hòa bình” của Bắc Kinh.

Thế nhưng, điều ông Lý Huy được nghe từ lãnh đạo Ukraine là họ “bác bỏ hoàn toàn ý tưởng đổi lãnh thổ để có hòa bình”, theo các báo châu Âu tuần qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov nhắn trên Twitter hôm 14/05 rằng \”Đặc sứ Lý Huy đang ở đây tại Kyiv khi Nga bắn tên lửa Kinzhal vào Ukraine\”.

Tại Ba Lan, sau cuộc gặp của ông Lý Huy với Thứ trưởng Ngoại giao Woicjech Gerwek (người từng làm đại sứ Ba Lan ở Việt Nam) hồi tháng 5, chính phủ Ba Lan ra ngay một thông cáo báo chí cảnh báo Trung Quốc.

Nội dung của thông cáo này nhắc Trung Quốc không nên đánh đồng “quốc gia xâm lược là Nga” với nước bị xâm lăng là Ukraine.

Các nhà quan sát tại Warsaw cho rằng thái độ của Bắc Kinh ngầm ủng hộ chiến tranh của Nga ở Ukraine là cản trở lớn cho bất cứ hợp tác nào với Ba Lan về vấn đề Ukraine.

Bà Alicja Bachulska, nhà nghiên cứu thuộc thinktank European Council on Foreign Relations được South China Morning Post trích lời nói dư luận Ba Lan ngày càng cảm thấy Trung Quốc ủng hộ Nga đánh Ukraine, và vì thế, gián tiếp khiến Ba Lan cảm thấy an ninh của mình bị đe dọa.

Dù chưa có bằng chứng Trung Quốc gửi vũ khí cho Nga để đánh Ukraine, nếu điều đó xảy ra thì đấy chính là “lằn ranh đỏ” và Ba Lan sẵn sàng làm tất cả, kể cả đi ngược lại các ý kiến của đồng minh Tây Âu như Pháp, Đức trong EU và Nato, để bảo vệ an ninh của mình, và trừng phạt Trung Quốc, theo bà Bachulska.

Với Ba Lan, cuộc chiến của Nga ở Ukraine là vấn đề sống còn của dân tộc họ, nên Warsaw sẽ không ngần ngại coi quan hệ với Trung Quốc, vốn “đang rất quan trọng” như một thách thức mới, một khi Trung Quốc ủng hộ Nga.

Ngoài ra, phía Ba Lan ngỏ ý rằng nếu TQ có một ghế bên bàn đàm phán hòa bình về tương lai Ukraine thì Warsaw cũng phải có một ghế.

Bài Liên Quan

Leave a Comment