Trước nguy cơ Trung Quốc, Indonesia trang bị radar tối tân của Pháp để giám sát không phận

Không lâu sau thông báo mua của Qatar 12 chiến đấu cơ Pháp Mirage 2000 đã qua sử dụng, Indonesia đặt mua 13 radar quân sự tầm xa của tập đoàn Pháp Thales. Ngày 18/06/2023, Thales và doanh nghiệp Nhà nước Indonesia PT Len Industri cho biết số thiết bị mới này nhằm đổi mới các phương tiện giám sát không phận của quần đảo rộng lớn gồm 17.000 hòn đảo.

Đăng ngày: 18/06/2023

\"\"
\"\"
Loại radar Ground Master 200 (GM200) được trưng bày tại nhà máy của Thales ở Limours, Pháp, ngày 01/02/2023. AP – Christophe Ena

Thu Hằng

Theo thông cáo, radar được mua là loại Ground Master 400 alpha (GM400α), được lắp trên khắp lãnh thổ, sẽ giúp quân đội Indonesia “có được hình ảnh trên không có một không hai, bao gồm cả việc phát hiện tất cả các kiểu đe dọa, cho dù là máy bay phản lực, tên lửa, trực thăng đang bay hạ cánh hoặc drone”.

Hợp đồng kéo dài nhiều năm, tập đoàn Pháp Thales chịu trách nhiệm lắp ráp radar và hệ thống tin học xử lý thông tin thu được từ radar. Công ty PT Len chịu trách nhiệm xây trạm lắp đặt radar. Tổng trị giá không được tiết lộ nhưng mỗi radar có giá vài chục triệu đô la.

Chủ tịch tập đoàn Thales International Pascale Sourisse cho AFP biết GM400α là radar di động có tầm hoạt động 515 km, “kết hợp năng lực trí tuệ nhân tạo để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ” nhận được. Bà cho rằng hợp đồng mua 13 radar đời mới nhất “cho thấy Indonesia đặt trọng tâm vào việc giám sát không phận quanh nước này và liên quan trực tiếp đến tình hình ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”, nơi Trung Quốc không ngừng thể hiện tham vọng.

Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông trong phạm vi đường 9 đoạn và chồng lấn với vùng biển Natuna của Indonesia. Tầu thuyền của Trung Quốc liên tục theo dõi, hăm dọa tầu thuyền các nước có tranh chấp trong khu vực. Trang ABS-CBN trích thông tin ngày 17/06 của Lực lượng Hải cảnh Philippines (PCG) cho biết một tầu hải quân Trung Quốc đã bám theo tầu BRP Francisco Dagohoy đến tiếp viện cho cư dân trên đảo Thị Tứ (Philippines gọi là đảo Pag-asa) trên đường trở về Palawan hôm 16/06. Tầu Trung Quốc rời khỏi khu vực sau khi phát sóng radio cảnh cáo. Trước đó, Manila tố cáo Trung Quốc suýt gây va chạm với một tàu hải cảnh Philippines và chiếu tia laser vào một tàu khác.

Bài Liên Quan

Leave a Comment