Trung Quốc mất đầu tư ngoại quốc, lỗi tại Mỹ ?

Đăng ngày: 20/06/2023

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong năm 2022 rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2004. Đó là do « lỗi tại Hoa Kỳ » ? Hệ quả nào đối với Bắc Kinh, với các chính quyền ở cấp địa phương và các doanh nghiệp Trung Quốc khi đầu tư ngoại quốc sụt giảm ?

\"\"
\"\"
Tổng thống Mỹ Joe Biden (G) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) bên lề thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. AP – Alex Brandon

Thống kê của bộ Thương Mại Trung Quốc báo động, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hoa lục trong quý 4/2022 giảm 35% so với cùng thời kỳ một năm trước đó và đây là mức « tương đương với hồi năm 1996 ».

Trung Quốc gây thất vọng 

Theo báo tài chính Nhật Bản Asia Nikkei (ngày 28/02/2023) FDI đầu tư vào Trung Quốc trong nửa cuối 2022 rơi xuống mức « thấp nhất kể từ 18 năm trở lại đây ». Cơ quan tư vấn chuyên cung cấp các dữ liệu tài chính và kinh doanh, Refinitiv của Anh, Mỹ, trụ sở tại Luân Đôn trong báo cáo hôm 01/06/2023 ghi nhận trong tháng 5/2023 các nhà đầu tư nước ngoài đã « ồ ạt rút vốn khỏi Trung Quốc », chuyển nhượng 1,7 tỷ đô la các cổ phiếu đang nắm giữ. Con số này cao hơn gấp đôi so với thống kê của tháng 4/2023 (659 triệu đô la). Trong khi đó, các công ty Trung Quốc tiếp tục đầu tư ở hải ngoại, mua vào cổ phiếu của các đối tác, chủ yếu là tại châu Âu.

Nhiều yếu tố giải thích hiện tượng nói trên như phân tích của Vikas Pershad thuộc cơ quan tư vấn tài chính M&G : Tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của Trung Quốc từ đầu năm 2023 « gây thất vọng ». Lãi của các doanh nghiệp Trung Quốc sụt giảm trong bốn tháng đầu năm. Đầu tư vào địa ốc tại Hoa lục tiếp tục đổ dốc. Chỉ số sản xuất công nghiệp Trung Quốc « giảm mạnh » hơn các dự phóng. 

2022 là năm Trung Quốc có tỷ lệ tăng trưởng tệ hại nhất kể từ khi kết thúc cuộc Cánh Mạng Văn Hóa 1976. Trên tạp chí Diplomatie (số tháng 4-5/2023) chuyên gia về thị trường Trung Quốc, Jean-François Dufour, đồng sáng lập viên công ty tư vấn của Pháp Sinopole lưu ý : Trái với một số định kiến, tiêu thụ nội địa tại nước đông dân nhất địa cầu còn rất thấp. Kinh tế khó khăn, đại đa số người dân có khuynh hướng tiết kiệm thêm nữa. Tiêu thụ trong nước là lực đẩy, là nguồn đầu tư mạnh mẽ nhất đối với nhiều doanh nghiệp nhưng không còn được như thời kỳ trước dịch Covid.

Luật chơi do Bắc Kinh áp đặt

Lý do thứ nhì khiến các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng với Trung Quốc xuất phát từ chính những luật lệ do Bắc Kinh áp đặt : FDI vào Trung Quốc năm ngoái giảm mạnh do các biện pháp chống dịch triệt để mà ông Tập Cận Bình đề xướng. Suốt thời gian từ cuối 2019 đến cuối 2022 các doanh nhân nước ngoài bị cấm vào Hoa lục, các dự án đầu tư bị đóng băng, hoạt động bị đình trệ. Điều đó khiến các doanh nhân ngoại quốc nản lòng. Chính sách zero Covid của Bắc Kinh trước mắt vẫn còn để lại « nhiều vết hằn » đối với một số doanh nhân quốc tế.

Thêm vào đó, đành rằng để thu hút đầu tư ngoại quốc Bắc Kinh đã có những biện pháp ưu đãi thuế khóa, nhưng đồng thời đòi các nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ các khung pháp lý và chính sách của Trung Quốc về thương mại và đâu tư. Gay gắt nhất là những điều khoản liên quan đến việc chuyển lãi tại Trung Quốc về nguyên quán hay sang một quốc gia thứ ba.

Yếu tố Hoa Kỳ

Yếu tố thứ ba và có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất, là cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Từ đầu năm 2023 đã khá nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất của Mỹ từ chủ nhân hãng xe Tesla Elon Musk đến ông vua tin học Bill Gates và trước đó là cả lãnh đạo ngân hàng JP Morgan Chase, ông Jamie Dimon đã đến Bắc Kinh hay Thượng Hải.

Cuối tháng 5/2023 Jamie Dimon từng tuyên bố « Trung Quốc cơ hội lớn nhất của các tập đoàn Mỹ ở ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ » nhưng những chuyến công du Bắc Kinh hay Thượng Hải của các doanh nhân bậc nhất Hoa Kỳ ấy không che giấu nổi cuộc chiến âm ỉ giữa hai siêu cường thế giới.

Trên đài RFI Pháp ngữ giáo sư quan hệ quốc tế Bertrand Badie, trường Khoa Học Chính Trị Paris Sciences Po giải thích : 

« Một làn gió bảo hộ đã dấy lên từ dưới thời tổng thống Barack Obama và điều đó đè nặng lên chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Uy tín của Mỹ cũng bị ảnh hưởng do Washington muốn bớt phải can thiệp vào công chuyện của thế giới. Yếu tố thứ nhì là trước đây Mỹ giữ thế bá chủ và đặc biệt là từ khi Liên Xô cũ sụp đổ thì gần như Hoa Kỳ trở thành cực duy nhất của thế giới, nhưng rồi vai trò đã từng bước bị thu hẹp lại mà một phần là vì Mỹ không muốn phải một mình đóng vai trò sen đầm quốc tế, cùng lúc là đà vươn lên của Trung Quốc. Điểm thứ ba là sự trỗi dậy của Bắc Kinh và Trung Quốc đang phác họa ra một mô hình quan hệ quốc tế riêng biệt, dựa trên kinh tế toàn cầu. Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên tận dụng mô hình kinh tế mở rộng để phát triển một cách rất hiệu quả và đã hưởng lợi từ tiến trình toàn cầu hóa đó. Mỹ  tưởng chừng mô hình kinh tế toàn cầu đó trong tay mình, để rồi nhận thấy rằng, chính mình đang là nạn nhân. Giờ đây câu hỏi đặt ra là làm thế nào ngăn cản Trung Quốc thay đổi luật chơi quốc tế. Điều đáng lo ngại và cũng gây thất vọng là không một vị tổng thống Mỹ nào đã có thể đề xuất một công thức mới trong quan hệ với Trung Quốc ».

Giáo sư kinh tế Jérémy Ghez cộng tác viên của trường Cao Đẳng Kinh Doanh HEC – Pháp, cho rằng mặc dù các doanh nhân Mỹ vận động để xoa dịu căng thẳng Washington -Bắc Kinh nhưng cuộc tranh hùng giữa hai siêu cường kinh tế thế giới khó có thể nhanh chóng khép lại, một khi mà đối với cả Mỹ lẫn Trung Quốc, ngoài vế kinh tế và thương mại, còn có yếu tố chính trị :

« Tại Washington –đặc biệt là bên đảng Cộng Hòa, mọi người hoài nghi quan sát việc các doanh nhân lớn của Hoa Kỳ thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh, có nghĩa là đặt quyền lợi của các tập đoàn họ điều hành lên trên lợi ích chiến lược của Mỹ. Câu hỏi then chốt ở đây là để tránh xảy ra xung đột, có nhất thiết phải nói lại liên lạc với Trung Quốc hay không khi biết rằng, trên nguyên tắc, hai nền kinh tế gắn kết với nhau về kinh tế thì sẽ không gây chiến với nhau. Đó là quan điểm của những người lạc quan. Nhưng bên cạnh đó cũng có những tiếng nói bi quan hơn họ cho rằng, các ông chủ của các hãng lớn ở Mỹ đang quên đi lợi ích của các tầng lớp trung lưu. Jacke Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, phát biểu gần đây đã nhắc nhở rằng quyền lợi của các tầng lớp trung lưu tại Hoa Kỳ phải là trung tâm chính sách ngoại giao của nước Mỹ. Nói cách khác, tranh luận giữa một bên là quyền lợi thực sự của các đại tập đoàn –bởi vì Trung Quốc là một thị trường quá lớn, không ai dám bỏ qua, và bên kia là lợi ích của mang tính sống còn đối với các tầng lớp trung lưu đang dấy lên tại Mỹ. Đây không chỉ là một cuộc tranh luận giữa các đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Quan hệ với Trung Quốc gây nhiều tranh cãi sôi nổi trong nội bộ của cả đôi bên ».    

Thách thức khi Trung Quốc thiếu FDI ?

Câu hỏi còn lại là liệu rằng hiện tượng đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Hoa lục có gây trở ngại cho các doanh nghiệp Trung Quốc hay không ? Câu trả lời là có.  

Một trong những tác động trực tiếp khác là các chính quyền địa phương ráo riết tìm kiếm các đối tác ở Trung Đông. Theo nhật báo tài chính Anh Financial Times (08/05/2023) từ khi khi dẹp bỏ chính sách Zero Covid, nhiều thành phố như Thâm Quyến, Quảng Châu, Thành Đô đã gửi những phái đoàn hùng hậu đàm phán với Quỹ Đầu tư Qatar, với các chi nhánh trực thuộc Cơ quan đầu tư Ả Rập Xê Út và của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Đại diện của tỉnh Tứ Xuyên chẳng hạn muốn huy động vốn đầu tư vào các lĩnh vực từ công nghệ sinh học đến năng lượng tái tạo. Còn tỉnh Quảng Đông thì tìm kiếm FDI để phát triển các nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn. Chính quyền thành phố Quảng Châu đề ra mục tiêu đầy tham vọng huy động 29 tỷ đô la FDI. Thâm Quyến thì đề nghị thành lập Quỹ Đầu Tư  Trung Quốc và Trung Đông, trị giá hơn 1 tỷ đô la  với đối tác chính là Ả Rập Xê Út.

Tình hình tại chỗ, theo Financial Times trở nên cấp bách đến nỗi « một số công chức không được trả lương đúng hạn » do các chính quyền ở cấp tỉnh, cấp thành phố bắt đầu cạn tiền, bởi trợ cấp từ chính quyền Trung Ương thì có hạn trong khi đó thì « các đối tác tư nhân không còn tin tưởng vào mức độ an toàn » tài chính của các nhà quản lý địa phương.

FDI : Trung Quốc sợ mất cổng vào thế giới công nghệ

Nếu như báo Financial Times chủ yếu tập trung vào khó khăn về ngân sách ở cấp các chính quyền địa phương, thì đồng sáng lập cơ quan tư vấn Sinopole, Jean- François Dufour nhìn vấn đề dưới một góc độ khác : Sở dĩ FDI rút khỏi Hoa lục, do các đối tác nước ngoài đánh giá tầm hoạt động các doanh nghiệp Trung Quốc ở hải ngoại khó có triển vọng nhanh chóng cất cánh.

Theo chuyên gia này, một trong những ưu tiên của Trung Quốc là trở thành nền công nghiệp số 1 của thế giới, nhưng đó phải là « một nền công nghiệp thuộc thế hệ 4.0 hoàn toàn được số hóa ». Hiện tại Trung Quốc đang tập trung đến 60 % hệ thống ăng ten 5G trên thế giới. Thành tích này nhằm phục vụ cho một cỗ máy công nghiệp thế hệ mới. Vấn đề đặt ra là « tham vọng đó đang bị Hoa Kỳ tìm cách chận lại », đẩy xa Trung Quốc ra khỏi các thị trường chip điện tử hiện đại nhất. Bắc Kinh ý thức được đấy là nhược điểm quan trọng nhất cần phải khắc phục.

Về điểm này theo Jean- François Dufour Trung Quốc trông chờ nhiều vào châu Âu hơn cả bởi (Nhật Bản hay Hàn Quốc được đặt dưới ô dù an ninh của Mỹ). Bắc Kinh bằng mọi giá muốn tránh để Bruxelles đứng hẳn về phía Washington, « cấm cửa » hay ngừng hợp tác các công ty Trung Quốc khi mà châu Âu là một kênh hiếm hoi để tiếp cận với công nghệ cao.

Cuối cùng, chuyên gia Pháp này ghi nhận các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc không thể hài lòng khi chỉ có thể chinh phục được những thị trường ở Trung Đông hay châu Phi, châu Á… Đó mới thực sự là mối đe dọa khi Trung Quốc mất các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thanh Hà

Bài Liên Quan

Leave a Comment