Trong những ngày qua, các phương tiện báo chí có uy tín tại Mỹ – cụ thể là nhật báo The New York Times ngày 16/06/2023 và hãng thông tấn AP ngày 18/06 – đã liên tiếp công bố những manh mối ban đầu trong cuộc điều tra do chính họ tiến hành về vụ đập thủy điện Kakhovka tại Ukraina đột nhiên bị phá vỡ hôm 06/06/2023. Kết luận của các cơ quan truyền thông Mỹ đều đi theo hướng: Chính Nga đã cho phá nổ con đập để cản bước phản công của lực lượng Ukraina.
Đăng ngày: 20/06/2023
Ngay sau khi đập Kakhovka bị vỡ, Nga và Ukraina đều tố cáo nhau là thủ phạm. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, các cáo buộc khác nhau của Nga – theo đó con đập bị trúng tên lửa hoặc bị đánh sập bằng chất nổ – đều không giải thích được một vụ nổ mạnh đến mức được ghi nhận trên các máy theo dõi địa chấn trong khu vực.
Đối với The New York Times, điều đã rõ là các “dấu hiệu đều gợi lên khả năng là Nga đã phá nổ đập Kakhovka”. Theo tờ báo, Kakhovka là một con đập đã được thiết kế để chống lại hầu hết các cuộc tấn công có thể tưởng tượng được từ bên ngoài. Do đó việc công trình kiên cố này lại bị phá vỡ là chỉ có thể bắt nguồn từ một vụ cho nổ tung từ bên trong, tại điểm yếu nhất của con đập, và sử dụng một khối lượng chất nổ cực lớn, điều mà chỉ có lực lượng Nga trấn giữ con đập là có thể làm được.
Kết luận của The New York Times đã phần nào được hãng tin AP bổ sung trong bài “Hình ảnh chụp từ drone và nhiều thông tin cho thấy là Nga có phương tiện, động cơ và cơ hội để phá hủy con đập Ukraina”.
Một chiếc xe gài chất nổ bên trên con đập ?
Trong những ngày trước khi xảy ra vụ nổ, các video quay bằng drone của quân đội Ukraina cho thấy hàng chục binh sĩ Nga đóng quân trên bờ sông Dnepr, thoải mái đi đi lại lại trên con đập mà không cần trú ẩn, cho thấy họ tin tưởng vào khả năng kiểm soát khu vực, và đặc biệt là con đập có tầm quan trọng chiến lược.
Theo AP, họ đã có được nhiều bức hình chụp đập Kakhovka cho thấy một chiếc ô tô dường như chứa đầy chất nổ, ở ngay bên trên công trình. Trên các bức ảnh, do drone Ukraina chụp ngày 28 tháng 5, người ta thấy một chiếc ô tô có mui được cắt ra một cách gọn gàng, để lộ ra những chiếc thùng khổng lồ, một chiếc có một vật trông giống như một quả mìn gắn trên nắp với một sợi cáp chạy dài về phía bờ sông dưới quyền kiểm soát của Nga. Không rõ chiếc xe đã ở lại vị trí này bao lâu.
Một quan chức chuyên về truyền tin của lực lượng đặc biệt Ukraina, cho rằng đó là một chiếc xe có gài chất nổ, và ông tin rằng việc đó có hai mục đích: Ngăn chặn bất kỳ bước tiến nào của Ukraina vào con đập và khuếch đại vụ nổ đã được lên kế hoạch nhắm vào phòng máy phía dưới và phá hủy phần trên cùng của con đập vì bản thân khối chất nổ gài trên xe sẽ không đủ để đánh sập con đập.
Hai quan chức Ukraina đã tiết lộ với AP là trước khi vụ nổ xẩy ra, Nga đã đóng quân ngay tại ở khu vực trọng yếu bên trong con đập, nơi được cho là tâm điểm của vụ nổ.
Chỉ có Nga mới có điều kiện tạo ra một vụ nổ lớn
Kakhovka là một trong những con đập thời Xô Viết dọc theo sông Dnepr được xây dựng để chịu được lực cực lớn, lên tới hàng nghìn cân thuốc nổ. Chỉ có lực lượng Nga chiếm đóng con đập mới có phương tiện để tạo ra một vụ nổ như đã xẩy ra, chứ phía Ukraina hoàn toàn không có điều kiện.
Theo Sidharth Kaushal, chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Anh RUSI tại Luân Đôn, được AP trích dẫn, Ukraina được biết là không có được bất kỳ tên lửa nào có thể mang theo đầu đạn lớn hơn 500 kg.
Ngoài ra, khó có thể nghĩ rằng lính biệt kích Ukraina có thể lén mang được vào hàng trăm ký thuốc nổ để cho phá hủy con đập, nơi được binh lính Nga kiểm soát hoàn toàn từ trong ra ngoài trong nhiều tháng.
Mới một ngày trước khi cấu trúc bị sập vào ngày 6 tháng 6, Nga đã thiết lập một ổ hỏa lực bên trong phòng máy quan trọng của con đập, nơi mà Ukrhydroenergo, cơ quan điều hành hệ thống đập Kakhovka, cho là chỗ bị phá nổ. Riêng tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ngay từ tháng 10 năm 2022, đã báo động về nguy cơ con đập bị Nga gài mìn.
Illia Zelinskyi , một tư lệnh Ukraina, cho rằng vụ nổ dường như phát ra từ khu vực đặt phòng máy. Ông và một quan chức Mỹ quen thuộc với giới tình báo đều xác nhận rằng các lực lượng Nga đã cố thủ ở đó một thời gian.
Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh (ISW), một tổ chức tư vấn của Mỹ đã theo dõi các hành động của Nga ở Ukraina kể từ khi chiến tranh bắt đầu, đã cho rằng “việc đưa lên bàn cân các bằng chứng, lập luận và luận điệu tuyên truyền (từ mỗi phía) cho thấy rằng Nga đã cố tình phá hủy”.
Phá đập để cản bước Ukraina
Theo ghi nhận của tất cả các nhà quan sát, Nga là bên được hưởng lợi từ tình trạng lũ lụt xẩy ra sau khi đập Kakhovka bị phá, cho dù vùng đất mà họ kiểm soát cũng bị nạn. Theo AP, ngăn chặn đường phản công của quân Ukraina có thể là động cơ thúc đẩy Nga cho phá nổ con đập.
Ngay sau vụ đập Kakhovka bị phá vỡ gây nên tình trạng lụt lội, theo hãng tin Mỹ, các chỉ huy Ukraina nói rằng họ đã thất bại trong một số kế hoạch đánh chiếm các vị trí của Nga trong một cuộc phản công hiện đang ở giai đoạn đầu.
Ở khu vực xung quanh con đập, sông Dnepr tạo thành tiền tuyến giữa các lực lượng Nga và Ukraina, trong đó lực lượng Nga kiểm soát chính con đập.
Hai chỉ huy Ukraina từng ở trong khu vực, nhưng ở các địa điểm khác nhau, nói với AP rằng nước dâng cao nhanh chóng đã tràn vào các vị trí của họ (và của Nga), phá hủy thiết bị, buộc họ phải bắt đầu lại từ đầu kế hoạch tấn công, và khiến họ phải hành quân trên một đoạn đường dài hơn nhiều so với dự kiến và khó khăn hơn vì phải lội bùn.
Một người xác định: “Hành động của Nga là làm gián đoạn một số chuỗi tiếp ứng của chúng tôi cũng như khiến cho việc vượt sông Dnepr phức tạp hơn đối với chúng tôi.”
Bản thân tổng thống Nga Vladimir Putin đã gián tiếp thừa nhận lợi thế cho lực lượng của mình vào tuần trước, mặc dù ông vẫn phủ nhận trách nhiệm của Nga.
Cơ quan tình báo Ukraina đã công bố một cuộc điện đàm bị nghe lén, được cho là giữa một người lính Nga và một người khác, trong đó người lính này nói rằng “các nhóm phá hoại của chúng ta đã ở đó. Họ muốn gây hoảng sợ với con đập. Vụ việc không hoàn toàn diễn ra theo kế hoạch.”