Vào đúng ngày thủ tướng Đức Olaf Scholz tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Lý Cường tại Berlin, hôm nay 20/06/2023, Ủy Ban Châu Âu công bố dự thảo chiến lược bảo đảm an ninh kinh tế, với Bắc Kinh trong tầm nhắm.
Đăng ngày: 20/06/2023
Liên Âu muốn rút ra các bài học từ vụ Nga xâm lăng Ukraina, vốn cho thấy Liên Hiệp Châu Âu đã quá lệ thuộc vào dầu lửa, khí đốt và than đá của Nga.
Chiến lược được giới thiệu vào hôm nay, mà Ủy Ban Châu Âu không nói rõ là nhằm đáp trả Trung Quốc, sẽ xác định các nguy cơ kinh tế mà Liên Âu phải đối mặt và các giải pháp có thể để giải quyết. Kế hoạch này, khác với cách tiếp cận tự do mậu dịch của Liên Hiệp, vốn rất cởi mở với cạnh tranh toàn cầu, đã làm dấy lên lo ngại giữa một số quốc gia thành viên về sự phát triển của chủ nghĩa bảo hộ.
Một nguồn tin ngoại giao châu Âu cho AFP biết một số đề xuất, như tăng cường sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài vào Liên Âu, kiểm soát các hoạt động xuất khẩu nhạy cảm và các khoản đầu tư ra ngoài Liên Âu có nguy cơ gây rò rỉ công nghệ.
Liên đoàn doanh nghiệp Châu Âu, BusinessEurope, kêu gọi Bruxelles xem xét « cẩn thận » các lợi ích và khả năng cạnh tranh của châu Âu « trước khi đưa ra các hạn chế bổ sung về xuất khẩu hàng hóa và công nghệ, cũng như về đầu tư (…) Liên Âu phải tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa bảo vệ các lợi ích về an ninh và duy trì một môi trường thuận lợi cho thương mại và đầu tư ».
Các nhà lãnh đạo Liên Âu sẽ thảo luận về các dự án này tại thượng đỉnh ở Bruxelles vào tuần tới.
Hồi tháng 03, trong một bài phát biểu về quan hệ giữa Liên Âu và Trung Quốc, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, đã đề cập đến khả năng đưa ra những hạn chế đối với một số khoản đầu tư hoặc xuất khẩu được xem là nhạy cảm. Nhiều biện pháp đã được thông qua. Vào đầu tháng 06, Liên Âu đã thông qua việc tạo ra một công cụ chung nhằm trừng phạt bất kỳ quốc gia nào sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây áp lực đối với một trong các nước thành viên Liên Hiệp, như Trung Quốc đã làm với Litva.