Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi công du Mỹ 4 ngày, bắt đầu từ hôm nay, 21/06 dến 24/06/2023. Đây là lần thứ hai tổng thống Hoa Kỳ đón một lãnh đạo nước ngoài với nghi thức cấp Nhà nước. Đây cũng là lần đầu tiên thủ tướng Ấn Độ công du Hoa Kỳ cấp nhà nước, kể từ khi lên cầm quyền từ năm 2014. Chuyến công du của thủ tướng Ấn hiển nhiên được cả hai bên đặc biệt coi trọng.
Đăng ngày: 21/06/2023
Theo giới quan sát, hợp tác về các công nghệ trọng yếu được coi là một động lực hàng đầu của hợp tác Ấn – Mỹ, đang được siết chặt trong những năm gần đây. RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
iCET: Hợp tác công nghệ do Hội Đồng An ninh Quốc gia điều hành
Cách đây một năm, hồi tháng 5/2022, tổng thống Joe Biden Mỹ và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố Sáng kiến Ấn Độ-Hoa Kỳ về Công nghệ Trọng yếu và Mới nổi (Initiative on Critical and Emerging Technology, gọi tắt là iCET), bên lề Hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ Quad ở Tokyo. Trang mạng Carnegie Ấn Độ, có bài tổng thuật về Sáng kiến Ấn Độ-Hoa Kỳ về Công nghệ Trọng yếu và Mới nổi iCET.
Sáng kiến iCET đã được các cố vấn an ninh quốc gia của hai nước, Jake Sullivan và Ajit Doval, chính thức công bố vào ngày 31/01/2023 tại thủ đô Washington. ICET, “một khuôn khổ liên kết hợp tác về các công nghệ quan trọng và mới nổi”, nhằm định hướng và thúc đẩy các hợp tác giữa hai nước, trước hết trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như trí thông minh nhân tạo (AI), chip bán dẫn và điện toán lượng tử, và đặc biệt các hợp tác liên quan đến lĩnh vực quốc phòng.
‘‘Những điều không thể có cách đây ít năm’’
Sáng kiến iCET do Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Hoa Kỳ và Ban Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (NSCS) Ấn Độ điều hành. Từ một năm nay, kể từ khi được tung ra, Sáng kiến này đã cho phép làm sâu hơn và làm rộng thêm các đàm phán hợp tác giữa các giới chức Mỹ và Ấn Độ. Giới chức hai bên thừa nhận là: “Ấn Độ và Hoa Kỳ đã thảo luận về các mối quan hệ chiến lược và những thách thức chung ở tầm mức mà chỉ vài năm trước đây đã là điều không thể.”.
Một năm kể từ khi Sáng kiến này lần đầu tiên được đề cập ở Tokyo, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Hoa Kỳ và Ban Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (NSCS) Ấn Độ đã tập trung nhiều thời gian để thiết lập chương trình hành động cho iCET, bao gồm việc tiếp cận với một các tập đoàn đầu tư vào ‘‘công nghệ của tương lai’’, nhiều tổ chức học thuật tập trung vào các công nghệ trọng yếu và mới nổi, các start-up – công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), các nhóm tư vấn, và gần như tất cả mọi bộ, ngành và cơ quan ở Hoa Kỳ và ở Ấn Độ có liên quan nhiều đến lĩnh vực công nghệ này. Kể từ khi Sáng kiến iCET được công bố, từ 4 tháng nay, hai bên đã bắt đầu triển khai nhiều hợp tác cụ thể.
‘‘Hệ sinh thái công nghệ’’ chung: Bước tiến sau bốn tháng đi vào hoạt động
iCET là khuôn khổ cho phép hình thành ‘‘một hệ sinh thái công nghệ mới nổi và quan trọng’’ thực sự được liên kết mật thiết. Cụ thể là tạo điều kiện cho việc trao đổi công nghệ và vốn (ví dụ như xây dựng các cầu nối để gây dựng ‘‘năng lực cách tân bền vững’’ trong lĩnh vực quốc phòng), xây dựng các tiêu chuẩn trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo AI, nới lỏng kiểm soát đối với xuất khẩu để thúc đẩy đổi mới công nghệ và sản xuất (bắt đầu bao gồm một thỏa thuận ‘‘gần như đã được hoàn tất’’ về việc cùng sản xuất động cơ phản lực GE cho máy bay chiến đấu, sản xuất ngay tại Ấn Độ), thành lập các trung tâm lượng tử và các nhóm làm việc phối hợp của các nhóm chuyên gia hai bên, đồng thời nhân rộng hơn nữa các tác động của các tương tác giữa các tập đoàn và các tổ chức nghiên cứu, hiện đang đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi ở cả hai quốc gia.
Chuỗi cung ứng bán dẫn, công nghệ lưỡng dụng, lượng tử, không gian…
Các quan chức cao cấp Hoa Kỳ và Ấn Độ liên tục có các cuộc tiếp xúc gần như hàng tháng, để thảo luận về một số khía cạnh của Sáng kiến iCET trong những tháng vừa qua. Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đến thăm Ấn Độ vào tháng 3/2023. Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Raimondo và đồng nhiệm Ấn Độ Piyush Goyal, đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) để “thiết lập một cơ chế hợp tác về khả năng phục hồi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn”. Điều quan trọng là cả hai bên đã đồng ý phối hợp về ‘‘cấu trúc’’ của các chương trình khuyến khích lĩnh vực chất bán dẫn. Phái đoàn Bán dẫn Ấn Độ (ISM), trực thuộc bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ, đã ký một thỏa thuận với Đại học Purdue (Mỹ) vào tháng 5/2023 để tiến hành các chương trình nghiên cứu và phát triển chung, nhằm “thiết kế, sản xuất và thương mại hóa chip bán dẫn .”
Trợ lý bộ trưởng thương mại phụ trách quản lý xuất khẩu thuộc Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) Mỹ, Thea Kendler, đã đến Bengaluru, thủ phủ công nghệ Ấn Độ, và Delhi, vào tháng 4/2023, để xem xét giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến việc kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng, dân sự/quân sự. Giới chức này nhấn mạnh đến việc Hoa Kỳ “đang đối xử với Ấn Độ như thể với đối tác NATO’’ trong lĩnh vực kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng.
Trong lĩnh vực công nghệ lượng tử, bao gồm điện toán lượng tử, Ấn Độ đã công bố Mục tiêu lượng tử quốc gia với đầu tư khoảng 727 triệu đô la, để ươm mầm ‘‘một hệ sinh thái đổi mới trong công nghệ lượng tử’’. Trong hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5/2023 tại Nhật Bản, Google và IBM sẽ đóng góp lần lượt là 50 triệu đô la và 100 triệu đô la để phát triển điện toán lượng tử tại Đại học Chicago và Đại học Tokyo. Hiện đang có một thảo luận với Ấn Độ về cách thức để các cơ sở nghiên cứu và công ty khởi nghiệp của Ấn Độ có thể kết nối với các đối tác Mỹ – Nhật.
‘‘Đối thoại Thương mại Chiến lược’’ để thúc đẩy các công nghệ trọng yếu
Vào tháng 5, P. K. Mishra, thư ký chính của thủ tướng Ấn Độ và Giridhar Aramane, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ, đã đến thăm Hoa Kỳ. Giới chức hai bên đã trao đổi về cách thức tận dụng “những cơ hội chưa từng có” mở ra nhờ Sáng kiến iCET đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng của cả hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã đến Ấn Độ ngay sau đó, ngày 05/06. Hai nước đã vạch ra lộ trình hợp tác công nghiệp quốc phòng trong vài năm tới trong chuyến thăm Ấn Độ của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ.
Về mặt thương mại, cuộc Đối thoại Thương mại Chiến lược đầu tiên (India-U.S. Strategic Trade Dialogue – IUSSTD) Ấn – Mỹ đã diễn ra vào ngày 06/06 tại Washington. Đối thoại quan trọng này được thiết kế để tháo gỡ các quy định về kiểm soát xuất khẩu, nhằm thúc đẩy “các hợp tác thương mại và công nghệ chiến lược”, được tạo ra trong khuôn khổ Sáng kiến iCET.
Ấn – Mỹ đối mặt với những thách thức nào trong lĩnh vực hợp tác này?
Tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan, giám đốc Trung tâm An ninh, Chiến lược và Công nghệ (CSST) thuộcObserver Research Foundation, New Delhi, có cuộc trả lời phỏng vấn về chủ đề này với trang mạng chính trị quốc tế Atlantico. Các bước ban đầu của Sáng kiến iCET đã được thực hiện, bao gồm việc thành lập ‘‘các nhóm đặc nhiệm’’ (Task Force) và các nhóm làm việc song phương, để thiết lập mối liên kết giữa các ngành công nghiệp, các cơ sở đào tạo – nghiên cứu và chính phủ hai nước, nhưng thành công thực sự của iCET cuối cùng sẽ phụ thuộc vào kết nối sâu rộng các nỗ lực song phương trong lĩnh vực các công nghệ trọng yếu, đang trỗi dậy.
Tiến sĩ Rajagopalan, một mặt nhấn mạnh đến các tiềm năng rất lớn của các hợp tác về công nghệ trọng yếu Ấn – Mỹ, nhưng cũng chỉ ra thách thức lớn với Ấn Độ là ‘‘cân bằng được các mối quan hệ với các đối tác khác nhau và ưu tiên cho các liên minh chiến lược’’. Cho đến nay, Ấn Độ duy trì chính sách ‘‘đa liên kết’’, không hẳn ngả về phương Tây. Hoa Kỳ và các quốc gia nhóm Bộ Tứ và nhiều quốc gia phương Tây khác đang có vai trò ngày càng quan trọng hơn với Ấn Độ. Nga khó có thể trở thành đối tác quan trọng của Ấn Độ do Trung Quốc – gần như là đồng minh của Nga – được coi là mối đe dọa chính của Ấn Độ, như khẳng định của cựu tổng Tham mưu trưởng Quân Đội Ấn Độ, tướng Bipin Rawat.
Tuy nhiên, trong hợp tác với Hoa Kỳ, Ấn Độ vẫn có một ‘‘thái độ lưỡng lự bắt nguồn từ lịch sử’’, khó chấp nhận Mỹ như ‘‘một đối tác hoàn toàn’’ (hay đồng minh), tâm lý xuất phát từ thời Chiến tranh Lạnh, cũng như các lo ngại về các trừng phạt hiện tại của Mỹ, đặc biệt do các giao thương với Nga. Ngược lại, về phía Mỹ, có những cản trở, như các vấn đề liên quan đến nguy cơ ‘‘nền dân chủ bị sói mòn, tự do tôn giáo và tự do truyền thông suy giảm’’ tại Ấn Độ. Về phía chính phủ Mỹ, dường như đây không phải các yếu tố gây ảnh hưởng lớn. Theo chuyên gia Rajagopalan, thành công của Sáng kiến ICET về các công nghệ trọng yếu phụ thuộc chủ yếu vào ‘‘khả năng triển khai hiệu quả’’ và khả năng của Ấn Độ ‘‘lèo lái giữa các mối quan hệ quốc tế phức tạp, giải quyết các vấn đề nội bộ, cùng lúc với việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ’’.