Chiến tranh Nga – Ukraine tốn kém kinh hoàng, Đức tiết lộ chỉ còn 20.000 quả đạn pháo trong kho

 Bình luậnLam Giang • 21/06/23

Với khúc dạo đầu cho một cuộc phản công quy mô lớn ở Ukraine, mặc dù chiến tranh Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng mức tiêu hao khí tài đã cán mốc đáng kinh ngạc. Truyền thông Đức tiết lộ, do viện trợ vũ khí và thiết bị cho Ukraine nên hiện Đức chỉ còn khoảng 20.000 quả đạn pháo trong kho dự trữ.

\"\"

Đức chỉ còn khoảng 20.000 quả đạn pháo

Tờ Der Spiegel ngày 20/6 dẫn tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Đức cho biết, lực lượng vũ trang nước này hiện đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt vũ khí dự trữ khi chỉ còn khoảng 20.000 quả đạn pháo có sức công phá mạnh.

Hãng tin Reuters cho biết sở dĩ quy mô kho đạn pháo của Đức suy giảm là vì nước này đã đổ rất nhiều lô đạn pháo viện trợ cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Theo Bộ Quốc phòng Đức, để đáp ứng tiêu chuẩn quốc phòng của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đến năm 2031, quân đội Đức phải có khoảng 230.000 viên đạn trong kho dự trữ đạn dược của mình, tức là phải có đủ đạn pháo để thực hiện yêu cầu tác chiến tập trung trong 30 ngày.

“Theo mục tiêu quốc phòng của NATO, tới năm 2031 quân đội Đức cần xây dựng kho vũ khí dự trữ với khoảng 230.000 quả đạn pháo”, tờ Der Spiegel trích dẫn tài liệu mật Bộ Quốc phòng Đức cho biết thêm.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Quốc phòng Đức sẽ đệ trình 9 yêu cầu về hợp đồng mua sắm quân sự lên Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức, đồng thời xúc tiến việc mua thêm đạn pháo và xe tăng cho kho dự trữ vũ khí quốc gia trong vài tháng tới.

Bộ Quốc phòng Đức không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của giới truyền thông.

Theo nhiều nguồn tin, kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga – Ukraine vào tháng 2/2022, Đức và các nước khác đã khẩn trương cung cấp cho Ukraine một số lượng lớn đạn pháo 155 mm có sức công phá cao, khiến kho đạn dược của các nước này cạn kiệt.

Mỹ ‘vay mượn’ vũ khí và đạn dược từ Hàn Quốc và Nhật Bản

Tờ Dong-A Ilbo của Hàn Quốc ngày 12/4 đưa tin, theo nhiều nguồn tin ẩn danh từ chính phủ Hàn Quốc, vào năm 2022, chính phủ Mỹ đã mua 100.000 quả đạn pháo 155mm từ Hàn Quốc. Tháng 2 năm nay, Mỹ một lần nữa đề nghị mua thêm 100.000 quả đạn pháo cùng cỡ. Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ, đã phản ứng bằng cách đồng ý cung cấp cho chính phủ Hoa Kỳ 500.000 quả đạn pháo 155mm do Hàn Quốc sản xuất dưới hình thức cho mượn thay vì bán.

Trên bình diện quốc tế, việc cung cấp các vũ khí như đạn pháo cho các quốc gia khác dưới danh nghĩa cho mượn là điều không phổ biến.

Vì chính phủ Hàn Quốc tuân thủ nguyên tắc không trực tiếp cung cấp vũ khí sát thương cho cả hai bên tham chiến, nên chính phủ Hàn Quốc cũng tuyên bố rằng luật pháp nước này cấm cung cấp vũ khí cho các quốc gia có liên quan đến xung đột quân sự vũ trang, điều đó có nghĩa là Hàn Quốc không thể gửi vũ khí cho Ukraine .

Được biết, chính phủ Mỹ sẽ không trực tiếp vận chuyển 500.000 quả đạn pháo 155mm do Hàn Quốc sản xuất tới Ukraine, nhưng sẽ bổ sung kho vũ khí và đạn dược hiện có. 100.000 quả đạn pháo mà Hoa Kỳ mua năm ngoái cũng được xử lý theo cách tương tự.

Chính phủ Hàn Quốc cho rằng phương thức cho vay có thể đảm bảo quyền sở hữu 500.000 viên đạn 155mm thuộc về chính phủ Hàn Quốc và Mỹ cũng phải trả lại cho Hàn Quốc trong tương lai. Do đó, Hoa Kỳ không thể cung cấp loại đạn này cho Ukraine mà không có sự cho phép của chính phủ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Hàn Quốc đã gián tiếp cung cấp vũ khí cho Ukraine

Tờ Reuters ngày 19/4 đưa tin, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng nếu thường dân Ukraine bị tấn công trên quy mô lớn, Hàn Quốc có thể mở rộng viện trợ cho Ukraine ngoài viện trợ nhân đạo và kinh tế, đánh dấu lần đầu tiên nước này đảo ngược lập trường phản đối quân sự hóa Ukraine.

Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách giúp bảo vệ và tái thiết Ukraine, giống như khi Hàn Quốc nhận viện trợ quốc tế trong Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.

\”Trong trường hợp xảy ra tình huống mà cộng đồng quốc tế không thể dung thứ, chẳng hạn như các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào thường dân, các vụ thảm sát hoặc vi phạm nghiêm trọng luật chiến tranh, chúng tôi khó có thể chỉ viện trợ nhân đạo hoặc kinh tế [cho Ukraine]”, ông nói.

Hơn một năm sau khi loại bỏ khả năng viện trợ vũ khí sát thương cho cả hai bên trong cuộc chiến Nga – Ukraine, lần đầu tiên chính quyền Seoul bày tỏ sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Ukraine với các điều kiện tiên quyết.

Hàn Quốc, một đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ và là nhà sản xuất đạn pháo lớn, cho đến nay đã cố gắng tránh đối đầu với Nga trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ các quốc gia phương Tây về việc cung cấp vũ khí vì lo ngại về việc các công ty Hàn Quốc kinh doanh tại Nga và ảnh hưởng của Moscow đối với Triều Tiên.

Mỹ tìm mua thuốc nổ ở Nhật để sản xuất đạn pháo cho Ukraine

Trong bối cảnh Washington cố gắng tăng nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine để giúp nước này triển khai chiến dịch phản công, Mỹ và các đồng minh dường như đã tìm ra giải pháp cho tình trạng thiếu đạn dược toàn cầu do chiến tranh Nga – Ukraine gây ra: mua thuốc nổ TNT ở Nhật Bản để sản xuất đạn pháo 155mm.

Các quy định hạn chế xuất khẩu cấm bán thương mại thiết bị lưỡng dụng không nghiêm ngặt như các quy định hạn chế thiết bị quân sự. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ có thể mua máy tính xách tay Toughbook của Panasonic để sử dụng cho mục đích quân sự.

“Có một cách để Mỹ mua thuốc nổ từ Nhật Bản”, một người nắm được các cuộc trao đổi giữa hai nước tiết lộ với hãng tin Reuters.

Một nguồn tin khác cho biết, trong chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong tuần này, chính quyền Tokyo cho biết họ sẽ cho phép xuất khẩu TNT vì thuốc nổ này không chỉ có thể dùng vào mục đích quân sự.

Đáp lại, Hoa Kỳ muốn đưa một công ty Nhật Bản vào chuỗi cung ứng chất nổ TNT để cung cấp chất nổ cho các nhà máy sản xuất đạn dược do Quân đội Hoa Kỳ điều hành, giúp họ có đủ nguyên liệu để đóng gói chất nổ TNT vào vỏ đạn 155mm.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Kinh tế Nhật Bản từ chối cho biết đã có công ty nào đã xin phép xuất khẩu TNT chưa. Bộ này cho biết, các mặt hàng không nằm trong danh sách hạn chế quân sự sẽ được đánh giá theo các quy định xuất khẩu thông thường, có tính đến ý định của người mua.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối trả lời trực tiếp câu hỏi rằng liệu Mỹ có kế hoạch mua TNT của Nhật hay không. Tuy nhiên, Washington cho biết họ đang làm việc với các đồng minh và đối tác để “cung cấp cho Ukraine những hỗ trợ mà họ cần” để tự vệ. Bộ này cũng cho rằng Nhật Bản “đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine”.

Lam Giang tổng hợp

Bài Liên Quan

Leave a Comment