MỘT KỶ NIỆM KINH HOÀNG VỚI CA SĨ MAI HƯƠNG

\"\"

Ca sĩ Mai Hương tên thật là Phạm Thị Mai Hương, sinh năm 1941 tại Đà Nẵng, mất ngày 29 tháng 11, 2020 tại California, hưởng thọ 79 tuổi.

Tôi yêu tiếng hát Mai Hương từ thời mới lớn. Tiếng hát cao vút và trong như pha lê. Lúc đó tuy chưa quen Mai Hương vậy mà tôi đã cảm thấy rất gần gũi với Mai Hương. Tôi không hề có cảm giác xa cách giữa một thính giả và một ca sĩ nhà nghề. Tiếng hát Mai Hương, dáng dấp Mai Hương, với tôi thân quen như một người bạn. Một người bạn quen biết rất lâu với nhiều tình cảm đậm đà quý mến. Có lẽ tại vì chúng tôi cùng tuổi với nhau. Có lẽ tại vì Mai Hương lúc nào cũng đơn giản. Ngay cả khi đứng trên sân khấu, trông Mai Hương cũng đơn sơ giản dị như nột cô nữ sinh trên sân khấu nhà trường. Mai Hương không điệu đà, không làm dáng, không tỏ ra mình là ca sĩ nổi tiếng. Tôi thích cái vẻ e lệ dịu dàng của Mai Hương, và nụ cười với chiếc răng khểnh duyên ơi là duyên.

Bây giờ tôi xin vào đề câu chuyện kinh hoàng của hai chúng tôi. Tôi lập gia đình rất sớm nên phải theo ông chồng nhà binh di chuyển đi các nơi. Tôi phải rời xa Sài Gòn một thời gian khá dài. Tôi rất buồn vì nhớ bạn bè, nhớ cái không khí văn nghệ của Sài Gòn. Nhớ những khuôn mặt, những giọng hát của các ca sĩ mà tôi yêu mến.

Năm 1971, nhà tôi được thuyên chuyển về lại Sài Gòn. Tôi mừng rỡ quá vì sẽ được gặp lại bao nhiêu là người thân. Tôi về trước lo sửa sang nhà cửa, luôn tiện đưa con gái út (cháu Uyển Diễm vừa tròn 5 tuổi) về Sài Gòn để người bạn thân của chúng tôi, anh nha sĩ Cân chữa răng cho cháu.

Về tới Sài Gòn được hai hôm thì nhóm bạn thân rủ tôi đi phòng trà Tự Do nghe nhạc. Các bạn quảng cáo là có Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Anh Tú và ban nhạc Blue Jet. Đặc biệt có cả Mai Hương nữa (Mai Hương rất khi ít khi hát ở phòng trà). Nghe nói vậy là tôi đồng ý đi liền dù phải mang theo cả cháu Uyển Diễm vì cháu không chịu rời mẹ.

Nhóm bạn tôi có cả thảy 16 người. Chúng tôi chọn một dãy ghế dài ngay trước sân khấu. Chương trình ca nhạc hôm đó mở đầu với những bài hát thật hay, tôi ngồi ngây người ra nghe. Sau Tuấn Ngọc là Mai Hương. Tôi đang say sưa uống từng lời ca của Mai Hương qua nhạc phẩm “Love Story” lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy thì cháu gái kêu lạnh. Tôi bế cháu lên lòng và ôm chặt cho cháu đỡ lạnh vì cháu mặc váy ngắn mà phòng trà họ để máy lạnh hơi nhiều. Bỗng nhiên một tiếng nổ long trời lở đất. Tôi tưởng như mình đang nằm mơ.

Bụi tro màu xám lẫn trong khói bay mù mịt trước mặt. Mai Hương nằm té xỉu ngay trên sân khấu. Tiếng người la hét, rồi người ta chen chúc nhau để thoát ra ngoài. Mùi thuốc nổ khét lẹt xung quanh. Tôi ngồi bất động bàng hoàng như không tin ở mắt mình với những cảnh vật kinh hoàng trước mặt. Ba người bạn trong nhóm của tôi nằm chết dưới sàn ngay cạnh chỗ tôi.

Anh nha sĩ Cân chưa kịp chữa răng cho cháu Uyển Diễm thì đã ra người thiên cổ. Xác anh chị Sang nằm sóng sượt bất động. Đầu anh Sang gối lên chiếc giày màu bạc óng ánh của tôi. Chị Cân bị thương mất một con mắt và vỡ một bên quai hàm máu ra đầy khắp mặt. Anh Hiệp cũng trong nhóm tôi bị sức ép của mìn nổ làm một bên lỗ tai bị rỉ máu. Chi Mô bị thương nhẹ ở chân. Xác chết nằm la liệt dưới sàn. Sợ hãi làm tôi cảm thấy toàn thân lạnh run như người lên cơn sốt rét.

Cháu Uyển Diễm khóc òa lên vì sợ. Tôi ôm con trong tay, lấy hết sức bình sinh rút chân ra khỏi chiếc giày mà ông bạn thân của tôi đang nằm gối đầu yên nghỉ giấc ngàn thu.

Tôi tưởng như mình đi không vững. Tôi cố lết ra khỏi phòng trà. Gần cửa ra vào chiếc màn nhung màu đỏ thắm vẫn còn đang cháy. Bên trong và bên ngoài phòng trà tiếng la hét, tiếng còi xe chữa lửa, xe cứu thương, tiếng người khóc, tiếng người gọi nhau và những ngọn lửa còn âm ỉ cháy bên cạnh những đám khói mờ mịt tạo thành một cảnh tượng hãi hùng náo loạn.

\"\"

Người bạn đi cùng chở tôi về nhà. Bước qua chiếc gương của cái tủ đứng trong phòng ngủ tôi hết hồn sững lại. Trong gương là hình ảnh người đàn bà mặt mũi, tóc tai, quần áo, đều màu xám. Bụi tro của mìn claymore, phủ kín người tôi từ đầu tới chân khiến mái tóc đen và chiếc áo đầm hàng ren đen bóng của tôi cũng biến thành mầu xám tro. Một chiếc bông tai của tôi văng đi hồi nào, chỉ còn lại chiếc kia toòng teng lủng lẳng bên tai trái trông thật khôi hài.

Tôi bỏ cả giầy, quên cả bóp để lại phòng trà. Như một phép lạ, hai mẹ con tôi không hề hấn một chút nào. Sau khi tắm rửa thay quần áo, hai mẹ con tôi chui vào chăn nằm ôm nhau, lúc đó tôi mới bắt đầu khóc. Khóc vì sợ, khóc vì nghĩ đến những người bạn mà mới buổi chiều tối chúng tôi còn ngồi ăn uống vui vẻ với nhau. Sau đó kéo nhau đi phòng trà nghe nhạc. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau tất cả đã biến đổi hoàn toàn. Tôi sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy những người bạn thân yêu đó nữa.’

Rồi còn những người bạn bị thương. Chị Cân mà tôi vẫn thân mật gọi tên chị là Mỹ, mới mấy tiếng đồng hồ trước đây chị là người đàn bà hạnh phúc nhất đời. Chị có đầy đủ điều kiện mà mọi người đều mơ ước: sắc đẹp, danh vọng, tiền và tình yêu nồng thắm của anh Cân. Bây giờ chị là người bất hạnh nhất. Chồng chết và khuôn mặt xinh đẹp của chị đã bị tàn phá bởi những mảnh mìn độc ác. Chưa kể những đau đớn về thể xác mà chị phải chịu trong thời kỳ dưỡng thương.

Rồi còn Mai Hương, người ca sĩ mà tôi rất yêu mến, đang nằm sóng soài trên sân khấu, không biết tình mạng sẽ ra sao. Rồi Khánh Ly và gia đình anh em Tuấn Ngọc. Rồi còn bao nhiêu khán thính giả của phòng trà Tự Do có mặt đêm nay nữa. Bao nhiêu gia đình mất đi những người thân yêu. Bao nhiêu người sẽ biến thành người tàn tật?

Hôm sau tôi đi đến nhà xác thăm những người bạn vừa mới ra đi tức tưởi đêm hôm trước. Cảnh tượng ở đây còn làm tôi kinh khiếp hơn. Xác người nằm la liệt. Không hiểu vì không đủ chỗ trong phòng lạnh để chứa xác chết hay sao mà người ta để người chết nằm cả xuống sàn, ra cả ngoài hàng hiên. Mỗi xác người được đặt cạnh một cây nước đá thật lớn (quý vị còn nhớ loại nước đá thật to ở Sài Gòn ngày xưa chứ?). Nghe nói số người chết lên đến hơn 60 người và số bị thương gần 200 người.

Rời nhà xác tôi vừa đi vừa khóc như một người điên. Tôi chạy qua nhà thương thăm Mỹ. Chị nằm đó với lớp băng trắng quấn che gần hết khuôn mặt. Nước mắt tôi lại chảy. Tôi nhìn bạn lòng xót xa vô cùng. Không biết Mỹ đã biết tin người chồng thân yêu, ông anh ruột và bà chị dâu đã vĩnh biệt Mỹ rồi không? Nước mắt tôi cứ tuôn trào như một dòng suối nhỏ không sao ngăn lại được.

Về đến nhà thì hai mắt tôi sưng húp như hai quả bàng nhỏ. Tôi vớ tờ báo đọc vội vàng, sau khi biết tin Mai Hương và các ca sĩ không ai bị thương nặng hay chết cả, tôi mới vui được một chút. Tôi định giấu nhẹm không cho chồng tôi biết vụ tôi đi nghe nhạc ở phòng trà buổi tối, mà dám cả gan mang cả con gái mới 5 tuổi đi theo. Nhưng báo chí đã loan tin tùm lum hết, chẳng biết ở đâu mà họ mò ra cả tên tuổi của tôi. Cho nên chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, tôi đã bị ông chồng từ Vũng Tàu gọi về “ca cải lương” cho tôi nghe mệt nghỉ.

Tôi bị chồng la là phải, nghĩ lại tôi mới thấy tôi liều. Ham nghe Mai Hương, Tuấn Ngọc, Khánh Ly quá (lúc đó Khánh Hà, Anh Tú còn quá trẻ nên chưa nổi tiếng mấy) đến nỗi mang cả con bé đi theo. Nghĩ lại tôi thấy mình quá may mắn. Nếu hôm đó cháu Uyển Diễm không mặc váy ngắn, không bị lạnh, và tôi không vừa bế cháu vào lòng, ôm chặt cho nó đỡ lạnh. Nếu cháu vẫn ngồi trên ghế một mình, thì sức nổ mạnh của trái mìn claymore chắc chắn đã làm cháu chết hoặc bị thương rồi. Và như vậy tôi sẽ phải ân hận suốt đời.

Mai Hương và tôi có duyên nợ với nhau, nên từ ngày lưu lạc qua đất Mỹ, hai chúng tôi lại có cơ hội gặp gỡ và trở nên thân thiết. Sau này nhắc lại vụ nổ ở phòng trà Tự Do, hỏi thăm Mai Hương tôi mới biết, tối hôm đó Mai Hương đã bị cái bóng đèn trên trần sân khấu rơi trúng đầu, làm cháy một ít lông mi ở bên mắt trái và bị thương nhẹ ở khóe mắt. Có thể vì sợ quá nên Mai Hương ngất đi một lúc. Tỉnh dậy Mai Hương nghe tiếng Khánh Ly gọi ầm ĩ, “Chị Mai Hương đâu, chi Mai hương có sao không?”

Phòng trà vẫn tối mờ mờ vì hệ thống điện bị hư nhiều chỗ, nên Khánh Ly không nhìn thấy Mai Hương nằm xỉu trên sân khấu. Mai Hương tỉnh dậy thì anh Dục chồng Mai Hương cũng vừa đi tới. Áo chemise của anh ướt đẫm máu làm Mai Hương lo sợ tưởng anh bị thương. Anh cho biết đó là máu của người ngồi bên cạnh bị thương bắn vào áo anh. Anh Dục dìu Mai Hương ra về.

Trên đường ra cửa, Mai Hương thấy xác của nữ tài tử Thúy Ngọc- vợ của nhạc sĩ Lê Văn Thiện – nằm sóng xoài. Ba người cháu của Mai Hương từ Nha Trang vào chơi, đi nghe nhạc cũng bị thương nhẹ. Ra tới ngoài đường, anh Dục và Mai Hương hốt hoảng khi nhìn thấy cái mui vải của chiếc xe hơi La Đà Lạt của hai vợ chồng đang bốc cháy, vì anh Dục đậu ngay góc đường gần sát phòng trà.

Có một điều cho đến bây giờ Mai Hương vẫn không hiểu được là tại sao hôm đó trong ví của Mai Hương lại có mảnh vỡ của đáy ly rượu nằm gọn bên trong, dù cái ví vẫn đóng kín. Ở đời có rất nhiều điều không thể hiểu và không cắt nghĩa được. Chẳng hạn như cả nhóm bạn chúng tôi ngồi sát cạnh nhau, cùng một giẫy ghế. Vậy mà kẻ sống, người chết, kẻ bị thương, người bình yên vô sự. Có phải Thượng Đế đã dành sẵn cho mỗi người một số mệnh rồi không?

Những người chết chưa chắc đã xui xẻo, bởi vì họ chết thật nhanh, không cảm thấy đau đớn. Chết trong lúc đang thưởng thức những giòng nhạc thật hay cũng sướng lắm chứ. Sau này tôi nghe nói Việt Cộng đặt mìn ở phòng trà Tự Do chủ tâm để giết ông McNamara của Mỹ, vì tưởng tối hôm đó ông ta sẽ đến thăm phòng trà Tự Do. Không ngờ phút chót ông ta đổi ý, lại đi một nơi khác.

*

Sau vụ nổ ở phòng trà Tự Do, tôi đã tự nhủ lòng: Ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng trong cuộc đời, bởi vậy hãy sửa soạn sẵn sàng. Cố gắng làm những điều lành, điều tốt, để bất cứ lúc nào Thượng Đế gọi là thơ thới ra đi. Không có gì phải ân hận hay lo sợ. Tôi và Mai Hương thường nói đùa với nhau “mạng chúng mình lớn lắm, mìn claymore mà còn phải né cơ mà.”

Hồng Thủy – cựu học sinh trường Trưng Vương

Bài Liên Quan

Leave a Comment