Hệ thống tài chính thế giới: Cải tổ triệt để hay là chết

Thời sự trong nước là tâm điểm chú ý của báo Pháp hôm nay, 23/06/2023. ‘‘Tuần làm việc 4 ngày’’, mục tiêu tranh đấu mới của giới nghiệp đoàn, là chủ đề trang nhất của Le Figaro. La Croix chú ý đến nguy cơ hệ thống hưu trí Pháp tiếp tục ‘‘thâm hụt sau 2030’’, cho dù luật hưu trí bị phản đối dữ dội vừa được thông qua. Le Monde dành hồ sơ chính cho ‘‘tội phạm có tổ chức’’ ở Pháp, đặc biệt là ma túy, nhân dịp Cảnh sát tư pháp (Sirasco) ra báo cáo thường niên.

Đăng ngày: 23/06/2023

\"\"
\"\"
Hội nghị về tài chính thế giới, Paris, Pháp, ngày 23/06/2023. AP – Lewis Joly

Trọng Thành

‘‘Hội nghị Paris: Thông điệp kêu gọi cải tổ khẩn cấp hệ thống tài chính thế giới’’ là tựa trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Les Echos dẫn lời đồng chủ trì Hội nghị vì một hiệp ước tài chính mới cho thế giới Paris, thủ tướng Cộng hòa Barbade, vùng Vịnh Caribê. Theo bà Mottley, không thể nói đến ‘‘cải tổ’’ chung chung, mà phải là ‘‘thay đổi triệt để’’ hệ thống tài chính hiện hành. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh đến việc thay đổi ‘‘toàn bộ hệ thống’’.

Thế giới ‘‘ngày càng chia rẽ’’ và những ‘‘trái bom nổ chậm’’

Áp lực đòi hỏi thay đổi triệt để được thể hiện rõ qua phát biểu của lãnh đạo các định chế quốc tế, từ tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đến tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Hệ thống tài chính thế giới Bretton Woods, gần 80 năm tuổi đời, đã thể hiện hoàn toàn bất cập trong bối cảnh ‘‘dân cư thế giới tăng gấp ba, trọng lượng kinh tế toàn cầu tăng gấp 10 lần’’. Thế giới giàu hơn, nhưng hố sâu giàu nghèo cũng trở nên ‘‘ghê gớm’’ hơn. Những người nghèo nhất đang là ‘‘các nạn nhân đầu tiên của những chấn động lớn trong một thế giới đa cực đang ngày càng bị chia rẽ’’.

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đặc biệt lưu ý đến tình trạng cực kỳ nguy hiểm, mà bà ví với ‘‘trái bom nổ chậm’’, khi đông đảo giới trẻ ở các nước đang phát triển không có điều kiện tham gia thị trường lao động. Bất công cũng nổi rõ với hố sâu ngăn cách giữa các nước giàu và nước nghèo trong các ưu đãi về tín dụng, do các định chế tài chính quốc tế nằm dưới sự kiểm soát của phương Tây.

Bỏ lỡ cơ hội dân chủ hóa Nga: Bài học đau đớn

Xã luận Les Echos nhan đề ‘‘Tài chính thế giới : Thay đổi hay là chết’’ nhắc lại bài học đau đớn với phương Tây. Sai lầm phạm phải vào đầu những năm 1990, nhưng các hậu quả để lại cho đến nay là ghê gớm, và không sớm chấm dứt. Les Echos kể lại: Đầu thập niên 1990, tổng thống đầu tiên của Liên Xô, ông Mikhail Gorbatchev, từng hy vọng được phương Tây hỗ trợ để hướng sang nền dân chủ. Vào thời điểm đó Hoa Kỳ đã gây trở ngại.

Tình hình hiện tại còn nguy hiểm ‘‘gấp bội phần’’. Nhật báo kinh tế Pháp nhấn mạnh, hiện tại, với thái độ coi thường các nước ‘‘Nam Bán Cầu’’ (Sud global), các nước giàu đang chuốc lấy những hiểm họa vô cùng lớn. Bởi không có được sự ủng hộ của khối nước, chiếm đến 4/5 dân số toàn cầu này, sẽ ‘‘không thể cứu vãn được khí hậu’’. Và cũng không thể ‘‘tạo được một mặt trận chung chống nhà độc tài Putin’’, không thể liên hiệp được ‘‘các nước phương Nam’’ với các giá trị tự do và dân chủ, ‘‘nếu như hệ thống tài chính toàn cầu vẫn tiếp tục trong tình trạng độc đoán như hiện nay’’.

Theo Les Echos, không thể nào tiếp tục cơ chế mà Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) liên tục do một người châu Âu đứng đầu, và Ngân Hàng Thế Giới phải dưới sự lãnh đạo của người Mỹ. Tình trạng bất công tột cùng càng lộ rõ khi Ukraina được Ngân Hàng Thế Giới hậu thuẫn dù ‘‘không đủ tiêu chuẩn’’, trong lúc nhiều nước châu Phi chìm trong chiến tranh lại không được những ưu đãi như vậy.

Nước lớn thờ ơ và viễn cảnh \”mất bò mới lo làm chuồng\”

Với nhật báo kinh tế Pháp, rõ ràng là có các giải pháp, cụ thể như tăng quyền cho các nước đang trỗi dậy, hay lập ra các sắc thuế mới trên quy mô toàn cầu. Hội nghị đang diễn ra ở Paris là dịp để bàn về điều đó. Tuy nhiên, trở ngại là hết sức lớn, với việc Trung Quốc không hề có ý muốn tham gia ‘‘tăng cường sức mạnh của các định chế tài chính quốc tế, nơi Bắc Kinh không có đủ uy lực’’. Quốc gia đông dân nhất thế giới Ấn Độ vắng mặt. Hoa Kỳ không hề có ý định giảm bớt quyền lực tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nơi Washington ‘‘gần như có quyền phủ quyết’’.

Les Echos tỏ thái độ rất bi quan, dự báo là các sáng kiến của tổng thống Pháp về cải tổ hệ thống tài chính thế giới sẽ chỉ có thể gặt hái kết quả trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa. Vấn đề là các thảm họa có thể sẽ xảy ra trước khi các biện pháp cần thiết được áp dụng. Les Echos cay đắng kết luận: Nếu bên nào cũng khăng khăng bảo vệ các lợi ích ích kỷ của mình thì chẳng khác nào ‘‘phủ đất lên nấm mồ của công cuộc toàn cầu hóa’’. 

‘‘Liên minh xây dựng cơ sở hạ tầng xanh’’ ở châu Phi

Về chủ đề này, Le Figaro có bài phỏng vấn chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi Akinwumi Adesina, vạch ra nhiều thách thức. Bất công nổi rõ với trường hợp châu Phi. Lục địa chỉ ‘‘chiếm 3% lượng khí thải khiến trái đất bị hâm nóng’’, lại là nạn nhân hàng đầu của nhiệt độ khí hậu tăng. Thành hay bại của việc cải tổ triệt để hệ thống tài chính toàn cầu được trắc nghiệm một phần với việc tổ chức các dự án đầu tư và huy động vốn giúp châu Phi thích ứng với các hệ quả của biến đổi khí hậu, gắn liền mục tiêu phát triển, đẩy lùi đói nghèo, với bảo vệ môi trường.

Theo chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi, việc thành lập ‘‘Liên minh xây dựng cơ sở hạ tầng xanh’’ tại châu Phi (liên quan đến năng lượng, giao thông…) đang là cơ hội cho một bước đột phá mới, dựa trên mô hình phối hợp mật thiết giữa các quốc gia với nhà tài trợ. Đầu năm nay, nhiểu thỏa ước của các quốc gia châu Phi về phát triển nông nghiệp để đạt đến tự túc lương thực đã được khởi động, thu hút 72 tỉ đô la hứa hẹn đầu tư. Theo chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi, một mô hình tương tự cũng sẽ được áp dụng cho lĩnh vực năng lượng, phối hợp với tân chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới.

‘‘Cơ sở hạ tầng xanh’’ 6.000 tỉ đô la: Thách thức chủ yếu

Đầu tư cho ‘‘các cơ sở hạ tầng xanh’’ là mảng đầu tư chiến lược của cuộc chiến khí hậu. Bởi, theo Les Echos, gần 80% lượng khí thải liên quan đến các cơ sở hạ tầng. Huy động được hơn 6.000 tỉ đô la cho các công trình như vậy tại các nước đang phát triển là một thách thức. Bài ‘‘Năm hướng đi để ‘‘làm xanh’’ các cơ sở hạ tầng’’ cho biết tại ‘‘hội nghị vì một hiệp ước tài chính mới cho thế giới’’ ở Paris, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và quỹ Adi của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, điểm lại một số bước tiến những tháng gần đây, trong mục tiêu đầy tham vọng này.

Tại hội nghị Paris, lãnh đạo Senegal đã khởi động cam kết hướng tới 40% năng lượng tái tạo trước 2030, với sự hỗ trợ của Đối tác quốc tế (Partenariat pour une transition énergétique juste – JETP), gồm Pháp, Đức, Liên Âu, Anh và Canada. Nam Phi, Việt Nam, Indonesia cũng đang hướng theo một lộ trình tương tự.

Pháp: Lộ trình 50 tỉ euro rời bỏ năng lượng hóa thạch

Nước Pháp cũng bắt đầu có lộ trình cụ thể rời bỏ năng lượng hóa thạch. Hôm nay, kế hoạch phi các-bon hóa 50 cơ sở công nghiệp phát thải lớn nhất, chiếm 55% lượng phát thải của ngành công nghiệp Pháp được trình lên chính phủ. Hình ảnh trang nhất của nhật báo kinh tế Pháp là một ống khói nhà máy đang tỏa khói nghi ngút. Kế bên là tựa đề ‘‘Phi các-bon hóa lĩnh vực công nghiệp cần 50 tỉ euro’’. Riêng 50 cơ sở công nghiệp phát thải lớn nhất nói trên đòi hỏi 30 tỉ đầu tư.

Tổng thống Brazil đi Pháp: Ít hy vọng cho môi trường

Chuyến công du Pháp của tổng thống Brazil là chủ đề chính của nhật báo thiên tả Libération. ‘‘Lula : La Decepcião/Nỗi thất vọng’’ (nguyên văn bằng tiếng Bồ Đào Nha), với hình ảnh nguyên thủ Brazil tay vắt trán trầm tư. ‘‘Thất vọng’’ có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Trong nước, quyền lực của ông Lula bị hạn chế do Quốc Hội nằm dưới sự kiểm soát của đối lập, trên trường quốc tế, tổng thống Brazil không được thiện cảm của phương Tây do lập trường không ủng hộ Ukraina, không chống Nga.

Bài xã luận ‘‘Thách thức’’ của Libération đặc biệt chú ý đến việc lãnh đạo Brazil sẽ khó xoay sở để hành động vì môi trường, bảo vệ rừng Amazon, vốn là cam kết lớn của ông, trong lúc Quốc Hội Brazil đa số thuộc cánh hữu, lại thiên về ủng hộ ‘‘các tập đoàn công nghiệp thực phẩm, chủ trương tàn phá môi trường’’. Theo Libération, để thành công trong mục tiêu môi trường, tổng thống Lula cần đến nhiều ủng hộ từ phương Tây, đặc biệt từ Pháp, quốc gia có biên giới chung 730 km với tỉnh hải ngoại Guyanne.

Hợp tác giữa phương Tây nói chung, châu Âu nói riêng với Brazil thời tổng thống Lula vẫn là ẩn số. Phương Tây rõ ràng đã thở phào nhẹ nhõm khi chấm dứt giai đoạn bốn năm cầm quyền của tổng thống cực hữu Bolsonaro, kéo lùi Brazil tụt hậu hàng chục năm. Tuy nhiên, phương Tây cũng không thể trông đợi tổng thống Lula rời bỏ lập trường trung lập về chiến tranh Ukraina, được coi là có lợi cho Nga và Trung Quốc. Sự phụ thuộc của Brazil vào Trung Quốc, nhà nhập khẩu hàng đầu sản phẩm nông nghiệp Brazil, cũng khiến mục tiêu bảo vệ môi trường của tổng thống Brazil trở nên xa vời.

Liên Âu kiên quyết sát cánh với Ukraina

Báo chí Pháp hôm nay tiếp tục có nhiều bài về Ukraina. Le Monde nói đến cuộc phản công dậm chân tại chỗ của quân đội Ukraina. ‘‘Hủy diệt môi sinh như một vũ khí chiến tranh’’ của Nga, là chủ đề một bài viết khác. Nỗ lực thúc đẩy để Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu được tiếp tục với hội nghị về tái thiết Ukraina, tại Luân Đôn. Theo Le Monde, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đến hội nghị hôm 21/06, không phải với bàn tay trắng, mà với đề xuất đầu tư 50 tỉ euro tái thiết Ukraina trong bốn năm, từ nay đến 2027, với các đầu tư cho chuyển đổi kỹ thuật số và năng lượng xanh.

Băn khoăn của Le Monde là nỗ lực tái thiết Ukraina diễn ra song hành với chiến tranh phải chăng là phi thực tế ? Đối với lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu, đây là ‘‘một tín hiệu chính trị mạnh mẽ, khẳng định Liên Âu sát cánh với Ukraina về dài hạn’’. Hiện tại, còn nhiều quốc gia châu Âu còn lưỡng lự với khoản đóng góp như trên. Tuy nhiên, tiến trình gia nhập Liên Âu của Ukraina, hứa hẹn sẽ kéo dài, đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể, theo thẩm định của Ủy Ban Châu Âu, sau cuộc họp hôm 21/06. 

‘‘Ảo tưởng tuần làm việc 4 ngày’’

Tuần làm việc 4 ngày, mục tiêu tranh đấu mới của giới nghiệp đoàn trong giai đoạn ‘‘hậu cải tổ hưu trí’’ là chủ đề trang nhất Le Figaro.Nhật báo thiên hữu kịch liệt đả kích chủ trương này, với hàng tựa đầy mỉa mai : ‘‘Ảo tưởng tuần làm việc 4 ngày’’. Theo Le Figaro, các nghiệp đoàn với sự ủng hộ của cánh tả đã gây áp lực để đưa vấn đề này vào nội dung thương lượng trong các đàm phán ở một số ngành nghề. Le Figaro không tin là yêu sách này sẽ được đáp ứng trong lúc chính phủ bảo đảm sẽ không ép buộc các doanh nghiệp, và hiện có một thiểu số cực nhỏ với khoảng 10.000 nhân viên bắt đầu áp dụng chế độ làm việc bốn ngày/tuần, theo số liệu của chính phủ.

Pháp: Ma túy, động lực chính của giới tội phạm có tổ chức

Chiến lược của giới tội phạm có tổ chức đối với Pháp là chủ đề trang nhất của Le Monde. Báo cáo Cảnh sát Tư pháp quốc gia vạch ra bức tranh toàn cảnh về tội phạm có tổ chức đang hoành hành tại Pháp. Theo báo cáo này, buôn lậu ma túy là ‘‘nguồn gốc chính của các hành động tội ác’’. Khoảng 80% các vụ thanh toán lẫn nhau liên quan đến ma túy, 25% các vụ sở hữu trái phép vũ khí bị tích thu. Ít nhất 2,7 tỉ euro từ các hoạt động tội phạm này.

Trong năm 2022, nước Pháp tịch thu tổng cộng 128 tấn cần sa, gần 28 tấn cocaine, 1,4 tấn heroine, cùng hơn 8.000 vũ khí các loại. Một điểm đặc biệt gây lo ngại là việc giới tội phạm đang nỗ lực gây ảnh hưởng trong giới chính trị Pháp. Pháp vốn được coi là một trong những nước có hệ thống đề kháng tốt nhất với nạn tham nhũng, nhưng tình hình mới đòi hỏi các nỗ lực cao hơn gấp bội, theo người đứng đầu Cơ quan chống tham nhũng Pháp (OCLCIFF). Hiện tại lực lượng cơ động chống tham nhũng Pháp chỉ có khoảng 40 công chức, hoạt động trên phạm vi toàn lãnh thổ.

Nhà văn Orwell vẫn là người đương thời với chúng ta

Về lĩnh vực văn chương, Le Monde dành số đặc biệt cho sự nghiệp của văn hào George Orwell (1903-1950), tác giả cuốn tiểu thuyết ‘‘1984’’, chống chủ nghĩa toàn trị. Tựa đề chính là : ‘‘Orwell vẫn luôn là kẻ gây rối’’. Đối với Le Monde, hiếm có nhà văn nào của thế kỷ 20 dữ dội vẫn còn đồng hành với chúng ta như George Orwell. Nhà văn đương thời với các chế độ phát xít và toàn trị Stalin vẫn tiếp tục ‘‘giúp chúng ta hiểu về thế giới mà chúng ta đang sống’’.

Tại sao lại như vậy ? Là bởi vì chế độ toàn trị hoàn toàn chưa cáo chung với việc bức tường Berlin sụp đổ. Thế giới chúng ta hoàn toàn đã không hề được ‘‘dân chủ hóa với sự phát triển của thị trường toàn cầu hóa’’ như nhiều người kỳ vọng. Trong kỉ nguyên công nghệ số hiện nay, các ‘‘Big Brothers’’, tức những lãnh đạo toàn trị kiểm soát người dân đến chân tơ kẽ tóc trong tác phẩm của Orwell, hoàn toàn không phải là chuyện viễn tưởng. Tư duy độc lập, chống lại mọi chủ thuyết giáo điều, tinh thần tự do hiếm có của Orwell khiến tiếng nói của ông vẫn luôn được lắng nghe.

Bài Liên Quan

Leave a Comment