June 23, 2023
Chính phủ CSVN dường như “tiếp tay” cho Vietjet giữ lại bốn chiếc Airbus A321 trong lúc hãng này bị kiện tại Anh quốc do vi phạm hợp đồng, nợ tiền thuê máy bay.
Đã gần một năm kể từ khi Nguyễn Thị Phương Thảo để mặc bốn chiếc Airbus A321 nằm không trong các sân bay Việt Nam.
Và trong thời gian này, các máy bay trên đã bị bỏ mặc. Chúng là một phần trong bối cảnh của một trong những sự cố quốc tế kỳ lạ nhất kể từ khi Việt Nam đổi mới.
Tâm điểm của mọi chuyện là tranh chấp giữa VietJet của bà Thảo, và một quỹ ở London chuyên cho thuê máy bay, trong đó có bốn chiếc A321.
FitzWalter Capital Ltd cho biết VietJet đã chậm trả tiền thuê bốn chiếc máy bay và đã vi phạm hợp đồng. Công ty này đã kiện VietJet và yêu cầu thanh toán cũng như trả lại các máy bay phản lực đã thuê.
Số tiền đòi bồi thường lên tới 191 triệu đô la Mỹ.
Phản ứng của VietJet là chơi tới cùng. Trong đơn được đệ trình lên Tòa án Công lý Tối cao ở London, VietJet thừa nhận họ đã bỏ lỡ một số hóa đơn thanh toán sau khi việc sử dụng các máy bay này bị đình trệ do COVID-19. Nhưng VietJet nói thêm rằng công ty FitzWalter tiếp quản các máy bay đã đồng ý giảm nhẹ các điều khoản trong hợp đồng thuê. Bên cạnh đó, công ty đầu tư ở London này không phải chịu bất kỳ thiệt hại kinh tế thực sự nào.
Alan Polivnick, một chuyên gia luật hàng không tại công ty luật quốc tế Watson Farley & Williams cho biết: “Điều này nhấn mạnh thực tế là luôn có một số khó khăn khi đầu tư vào một nơi như Việt Nam. “Ở thị trường mới nổi này, pháp quyền là một khái niệm hoàn toàn khác so với những gì sẽ xảy ra ở Mỹ.”
Vì vụ kiện đang diễn ra ở Anh và dự kiến được xét xử vào năm sau, VietJet cho biết không thể đi vào chi tiết nhưng “đang và sẽ tiếp tục tự bào chữa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và tin rằng công lý sẽ thắng.”
Jonty Nel, giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh hàng không của FitzWalter Capital, cho biết VietJet dường như có đủ tiền để trả các khoản thanh toán của mình và đơn giản là đã chọn không làm như vậy.
“VietJet chỉ đơn giản là không trả tiền thuê từ lâu,” Nel nói trong một tuyên bố. “Công ty này dường như có khả năng thanh toán nhưng hoạt động như thể họ có thể không trả tiền mà không bị trừng phạt.”
Tháng 12 năm ngoái, theo lệnh của Tòa án tối cao London, VietJet trao quyền sở hữu những chiếc A321 cho FitzWalter. Công ty này thay đổi đăng ký máy bay từ Việt Nam sang đảo Guernsey, vùng hải ngoại của nước Pháp.
Hai tháng sau, một cổ đông của VietJet giành được phán quyết của Tòa án Hà Nội để ngăn chặn động thái đó và giữ các máy bay này ở lại Việt Nam. Trong giới công nghiệp hàng không, bước ngoặt này được so sánh với quyết định đăng ký lại hàng trăm máy bay của Điện Kremlin sau khi Mỹ và các nước khác áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vì xâm lược Ukraine.
FitzWalter sau đó đâm đơn kiện ở Singapore, cho rằng VietJet của bà Thảo đứng sau động thái này. Trong các hồ sơ liên quan đến vụ kiện, hãng đã trích dẫn các cuộc trò chuyện giữa FitzWalter và Donal Boylan, giám đốc VietJet và đối tác có trụ sở tại Hồng Kông tại công ty tư vấn và đầu tư BCAP Holdings.
Theo hồ sơ, Boylan cho rằng chính phủ Việt Nam có thể can thiệp thay cho Vietjet.
“Tôi không thể nói giùm cho chính phủ Việt Nam, nhưng cảm giác của tôi là họ sẽ không hợp tác với bất kỳ ai từ Anh quốc hay Singapore hay bất kỳ nơi nào khác, và điều này có thể tiếp diễn trong nhiều năm,” Boylan được cho là đã nói với một trong những đối tác tại FitzWalter trong các cuộc đàm phán, trước khi công ty này đưa ra chi tiết về các yêu cầu tại tòa án Singapore vào tháng 10 năm ngoái.
5 ngày sau khi công ty FitzWalter nộp đơn lên tòa án Singapore, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã rút lại lệnh cấm của mình.
FitzWalter hiện đang làm việc để chuyển trạng thái của các máy bay này sang trạng thái có thể bay được và có được sự chấp thuận của chính phủ Việt Nam. Với không gian kho chứa máy bay không đủ rộng để làm bảo trì, việc bảo trì các máy bay phải được thực hiện trên từng chiếc một.
“Chúng tôi đã làm việc với họ và phần lớn vấn đề đã được giải quyết,” ông Hồ Minh Tân, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết. “Các máy bay trên sẽ có thể rời khỏi Việt Nam sau khi tất cả các thủ tục hải quan được hoàn tất,” ông nói mà không giải thích chi tiết.
Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết những chiếc A321 này có thể rời khỏi Việt Nam vào cuối năm nay, miễn là tranh chấp không có bước ngoặt nào khác.
Cù Tuấn biên dịch