Triển lãm Hàng không và Không gian Le Bourget ở ngoại ô Paris, Pháp (Paris-Le Bourget 2023) đã khai mạc hôm 19/06/2023 trong bối cảnh thị trường hàng không đang phục hồi và có nhiều thay đổi. Thị trường này trước đây dường như vẫn luôn ổn định và không có nhiều biến động, nhưng đại dịch Covid-19 đã bộc lộ một số điểm yếu của ngành này.
Đăng ngày: 23/06/2023
Tìm ra các giải pháp giảm thiểu những tác động của ngành hàng không đến môi trường là chủ đề trọng tâm trong triển lãm lần này. Ngoài ra, đây cũng là dịp để những tập đoàn hàng không mới « bước ra ánh sáng ».
Kỷ nguyên Airbus – Boeing sắp đến hồi kết ?
Hai tập đoàn hàng đầu Airbus của châu Âu và Boeing của Hoa Kỳ sẽ còn thống trị ngành hàng không trong bao lâu ? Trung Quốc đã thành lập công ty Comac (Commercial Aircraft Corporation of China) vào năm 2008 tại Thượng Hải. Sau 15 năm phát triển, chiếc C919 của Comac đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 28/05/2023. Chiếc máy bay này của Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Airbus A320 và Boeing 737 Max. Comac cho biết đã nhận được tổng cộng hơn 1.200 đơn đặt hàng từ các hãng hàng không Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty này vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ phương Tây với các nhà cung cấp như General Electric, Safran, Honeywell, Michelin và Liebherr.
Tham vọng của Comac là chiếm 20% thị trường toàn cầu trong vòng 12 năm tới. Công ty này đang lên kế hoạch sản xuất 150 chiếc C919 mỗi năm để phục vụ cho 50% thị trường Trung Quốc, thị trường hàng không lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ, hiện do Airbus và Boeing kiểm soát đến 98%. Đối mặt với tình hình này, Airbus, vốn đang sản xuất khoảng 50 chiếc A320 mỗi năm tại cơ sở sản xuất Thiên Tân, đã thông báo muốn tăng gấp đôi công suất bằng việc tạo ra dây chuyền lắp ráp thứ hai từ giờ đến cuối năm 2025 để tăng cường sự hiện diện ở trong vùng, nhằm phục vụ những khách hàng lớn nhất ở châu Á – Thái Bình Dương, khu vực sẽ chiếm 40% lượng máy bay được giao trong 20 năm tới.
Comac cũng đã hợp tác với tập đoàn Nga UAC (United Aircraft Corporation) từ ngày 22/05/2017 để thành lập liên doanh CRAIC (Công ty TNHH Quốc tế Máy bay Thương mại Trung Quốc-Nga), và đây là mối đe dọa đối với thế độc quyền của Airbus-Boeing. Liên doanh này đang nghiên cứu phát triển và sản xuất máy bay CR929, loại máy bay tương đương với Airbus A350 và Boeing B787, nhưng rẻ hơn khoảng 20%. Liên minh này là một phần của bước đi chiến lược lớn trong hợp tác Trung-Nga, đang gặp nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina.
Những biện pháp giảm thiểu các tác động đến môi trường
Làm thế nào để hàng tỷ hành khách có thể di chuyển bằng máy bay mỗi năm mà không gây ra biến đổi khí hậu ? Câu hỏi này là trọng tâm của Triển lãm Paris-Le Bourget 2023, đề cập đến việc chế tạo những máy bay bền vững hơn, sử dụng nhiên liệu sinh thái, năng lượng điện… Vào lúc ngành hàng không đề ra mục tiêu trung hòa carbon từ giờ đến năm 2050, một trong những cam kết của Thỏa thuận Paris, các hãng sản xuất máy bay đang vạch ra một số giải pháp để đạt được mục tiêu đó.
Về phần mình, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sẵn sàng « mở hầu bao ». Hôm 16/06, chủ nhân điện Elysée đã công bố một gói hỗ trợ trị giá 2,2 tỷ euro để giúp các công ty hàng đầu của Pháp trong ngành sản xuất máy bay như Airbus, Safran, Thales và các nhà thầu phụ của họ để phát minh ra những chiếc « máy bay xanh ».
Bà Isabelle Laplace, chuyên gia nghiên cứu về hàng không bền vững tại trường Hàng không Dân dụng Quốc gia ở Toulouse, cho biết ngành hàng không chiếm từ 2% đến 3% lượng khí thải CO2 toàn cầu, chưa kể các loại khí thải khác có thể gây ra những tác hại chưa được biết. Chẳng hạn như vệt khói – những đám mây trắng được hình thành khi máy bay bay qua – gây ra hiệu ứng nhà kính tạm thời. Và những tác động này sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có biện pháp nào được thực hiện, bởi lưu lượng hàng không sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050, theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).
Máy bay nhẹ hơn, nhưng động cơ khỏe hơn
Chuyên gia Laplace giải thích rằng để giảm thiểu các tác động về khí hậu của ngành hàng không, chiến lược hành động đầu tiên là tận dụng tối đa các thiết bị của máy bay, cải tiến động cơ và các vật liệu tạo thành máy bay. Bà nói : « Chúng tôi đã làm điều đó trong vòng 50 năm. Giờ đây, một chiếc máy bay tiêu thụ ít hơn 80% nhiên liệu so với những năm 1970. » Nhưng những tiến bộ công nghệ đó đã không ngăn được lượng khí thải carbon từ máy bay tiếp tục gia tăng trước sự bùng nổ của giao thông hàng không.
CFM, một liên doanh giữa General Electric của Mỹ và Safran của Pháp, đang nghiên cứu chế tạo một loại động cơ có thể giảm mức tiêu thụ nhiên liệu thêm 20%, dự kiến sẽ được ra mắt vào năm 2035. Nhưng bà Laplace nhận định rằng mặc dù vẫn có những tiến bộ có thể đạt được ở cấp độ này, song chỉ riêng điều đó sẽ không thể cho phép đạt được mục tiêu trung hòa carbon.
Sử dụng máy bay điện cho những chuyến bay ngắn
Giải pháp cuối cùng được quan tâm là máy bay sử dụng điện. Công ty khởi nghiệp Voltaero của Pháp, chuyên nghiên cứu sản xuất các phi cơ bay bằng xăng-điện kết hợp, đã cho ra mắt hôm 18/06 chiếc máy bay đầu tiên ở dạng hoàn chỉnh, một chiếc máy bay 5 chỗ ngồi mà họ hy vọng sẽ sản xuất hàng loạt vào năm 2025 và đã nhận được hơn 200 đơn đặt hàng trước.
Sử dụng điện lúc cất cánh và hạ cánh, máy bay được trang bị một động cơ nhiệt nhỏ, được kích hoạt khi máy bay đã cất cánh, để sạc bình điện khi cần. Những bình điện này cũng có thể được cắm vào nguồn điện khi máy bay đang ở dưới đất. Isabelle Laplace nhận thấy rằng loại máy bay này rất có triển vọng, nhưng bị hạn chế, bởi chúng chỉ có thể thực hiện những chuyến bay ngắn do trọng lượng của bình điện. Bà Laplace nói : « Đây có thể là một giải pháp mang tính sinh thái ở một số khu vực nhất định trên thế giới, nơi đường sắt không tồn tại hoặc ở các quần đảo, nhưng nếu có điều kiện thì mọi người vẫn nên đi tàu hỏa. »
Ông Jérôme Du Boucher, giám đốc phụ trách hàng không của tổ chức phi chính phủ Transport & Environnement France, nhận định rằng trong mọi trường hợp, quá trình phi carbon của giao thông hàng không sẽ chỉ có thể thông qua việc giảm lưu lượng hàng không. Theo một nghiên cứu được Cơ quan quản lý năng lượng và môi trường (ADEME) công bố vào tháng 09/2022, tiến bộ công nghệ trong ngành hàng không sẽ không đủ vì tất cả những điều này diễn ra không đủ nhanh. Triển lãm Paris-Le Bourget cũng đề cập đến những biện pháp để hạn chế sử dụng máy bay như giới hạn số chuyến bay hoặc thậm chí là đánh thuế vé máy bay, đồng thời nhắc lại rằng chỉ có 1% dân số sử dụng máy bay, nhưng những người này thải ra đến 50% lượng khí thải CO2 trên thế giới.
Nguồn : France 24, The Conversation