Cuộc phô diễn vũ khí siêu thanh tại triển lãm Le Bourget 2023

Đăng ngày: 24/06/2023

Cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh tại Triển lãm hàng không và không gian Le Bourget, Paris. Các gia đình Ukraina hy vọng tìm lại thân nhân mất tích vì chiến tranh thông qua Ủy ban quốc tế về những người mất tích. Nhà máy điện hạt nhân Fukushima thải nước nhiễm phóng xạ ra biển, khẳng định « không nguy hiểm cho sức khỏe », nhưng láng giềng Trung Quốc lo ngại. Estonia hợp pháp hôn nhân đồng giới. Trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.  

\"\"
\"\"
Mẫu tên lửa bắn chặn tên lửa siêu thanh của MBDA được trưng bày tại Triển lãm Le Bourget, Paris, 22/06/2023. REUTERS – BENOIT TESSIER

Về thời sự nước Pháp, Triển lãm hàng không và không gian Le Bourget ở ngoại ô Paris, từ ngày 19/06 đến ngày 25/06/2023, đã thu hút nhiều sự quan tâm của công luận quốc tế với các loại vũ khí tối tân được ra mắt, trong bối cảnh chiến tranh Ukraina. 

Tại triển lãm, MBDA, một công ty châu Âu chuyên thiết kế, sản xuất tên lửa và các hệ thống tên lửa đã giới thiệu dự án chế tạo tên lửa phòng thủ mang tên Aquila. Tên lửa siêu thanh được cho là loại vũ khí khó có thể bắn chặn vì có tốc độ nhanh và có thể lẩn tránh được radar phòng thủ, nhưng tên lửa Aquila được thiết kế để có thể bắn chặn loại vũ khí này trong không trung. Đặc phái viên Alexandre Franck thuộc ban Pháp ngữ RFI, có mặt tại Le Bourget cho biết thêm thông tin : 

« Nga là nước đầu tiên sử dụng vũ khí siêu thanh với loại tiên lửa có độ chính xác cao Kinja ở Ukraina. Tuy nhiên, theo Matcơva, loại tên lửa đất đối không Patriot của Hoa Kỳ được triển khai ở Ukraina đã cho thấy khả năng ngăn chặn những loại vũ khí tối tân này. Theo Lionel Mazenq, đặc trách các hệ thống tương lai của công ty MBDA, những tên lửa siêu thanh vẫn là một thách thức thực sự vì chúng có thể bay nhanh và có thể tấn công. 

Ông cho biết : « Khi quan sát các tên lửa siêu thanh từ xa, rất khó biết được chúng bay đến phía chúng ta hay đến một mục tiêu khác…Sau đó, cần phải có khả năng bắn chặn chúng khi muốn phòng thủ ở những khu vực rộng lớn. Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu là cần phải đạt được tiến bộ để có thể tiến lên trước, tìm kiếm tên lửa của đối thủ. Tên lửa của đối thủ lại bay cao, bay nhanh và có khả năng tấn công ».  

Tại triển lãm, công ty Israel Raphael bảo đảm rằng Sky Sonicloại tên lửa siêu thanh bắn chặn tương lai sẽ là loại vũ khí tiên tiến nhất, nhưng Hoa Kỳ cũng triển khai chương trình vũ khí của mình. Công ty MBDA cũng phát triển một tên lửa bắn chặn mang tên Aquila, nhưng tên lửa này không ngăn chận được mọi mối đe dọaÔng Lionel Mazenq nói: « Chúng tôi sản xuất các công cụ cho các lực lượng vũ trang, chứ không thể làm ra loại vũ khí có uy lực tuyệt đối có thể giải quyết mọi vấn đề. Chiến thuật vẫn có chỗ đứng trên chiến trường. Với hệ thống phòng thủ chống tên lửa siêu thanh, quỹ đạo tên lửa của đối thủ sẽ bị hạn chế. Nếu không có nhiều tên lửa để sử dụng, đối thủ sẽ buộc phải tránh các vùng đã được phòng thủ. 

Họ sẽ phải tiến gần hơn đến các điểm bắn và như vậy đặt mình vào thế dễ bị tổn thương hoặc bị phản pháp. Trên thực tế, tên lửa của chúng tôi tham gia hỗ trợ người đưa ra quyết định, bởi khi có các mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh, chúng tôi có các biện pháp phòng thủ siêu thanh. Khi không có nhiều thời gian để phản ứng, chúng tôi đương nhiên phải hỗ trợ những người đưa ra quyết định (trên chiến trường).  

Với vũ khí siêu thanh, cuộc chạy đua vũ trang đã trở lại, hệ thống phòng thủ siêu thanh Aquila của MBDA có thể được đưa vào sử dụng trong 10 năm tới và đòi hỏi một nguồn lực tài chính lớn, cho nên cần phải được các nước châu Âu chia sẻ. » 

Aquila là một dự án chế tạo vũ khí nằm trong chương trình Hypersonic Defense Interceptor, quy tụ 19 doanh nghiệp Pháp, Đức, Ý và Hà Lan cùng hàng chục doanh nghiệp chế tạo khác. Ủy Ban Châu Âu sẽ phải thông qua chương trình, với trị giá có thể lên đến 80 triệu euro.  

Làm sao tìm kiếm những người mất tích về chiến tranh Ukraina ?

Về chiến tranh Ukraina, hàng chục ngàn người hiện đã mất tích. Có người bị bỏ tù, có người thì đã bị giết hại, khiến nhiều người không rõ số phận của những thân nhân của họ giờ ra sao. Tại La Haye ở Hà Lan, Ủy ban quốc tế về những người mất tích (ICMP), một tổ chức liên chính phủ, đã hỗ trợ tìm kiếm, xác định những người mất tích trong các cuộc xung đột từ chiến tranh ở Nam Tư cũ. Tổ chức này đã đề xuất hợp tác với Ukraina. Bảy phụ nữ, một số là thành viên của các tổ chức phi chính phủ, đã có mặt tại trụ sở của ICMP, để yêu cầu chính phủ có biện pháp giúp họ tìm lại thân nhân mất tích trong cuộc chiến ở Ukraina.  

Từ La Haye, thông tín viên RFI Stéphanie Maupas tường trình :   

« Bảy phụ nữ đã kể về cuộc đấu tranh của chính họ và cũng là của hàng triệu người khác, đang chờ, hy vọng rằng những người thân bị mất tích có thể trở về, thường là nam giới. Họ là những người con, người cha, người chồng đi chiến đấu, nhưng gia đình hiện nay không có tin tức gì. Bảy phụ nữ này đã đề nghị một cách tiếp cận nhân văn hơn, hiệu quả hơn đối với những người bị mất tích. Đại diện của tổ chức phi chính phủ Media Initiative for Human Rights (MIHR), bà Olena Bieliachkova, yêu cầu các chính phủ thông qua một thỏa thuận hợp tác với Ủy ban quốc tế về những người mất tích.   

« Một số người sẽ được chôn cất vô danh bởi vì ADN của gia đình họ không có trong hệ thống. Đây là một quá trình khá phức tạp và kéo dài. Đó là lý do vì sao chúng tôi thấy rất quan trọng cần hợp tác với ICMP, để ủy ban có thể làm việc tại các hố chôn tập thể, với những thi thể bị chôn ở đó, lấy ADN để có thể xác định danh tính của người đó. »   

Trong cuộc hội đàm trực tuyến từ Kiev, thứ trưởng bộ Tư Pháp Ukraina đã hứa hẹn sẽ thúc đẩy việc ký thỏa thuận với Ủy ban để đẩy nhanh việc tìm kiếm những người mất tích. »

Estonia, nước Baltic đầu tiên cho phép hôn nhân đồng giới   

Vẫn về thời sự châu Âu, Quốc Hội Estonia hôm thứ Ba, 20/06/2023, đã thông qua một luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới kể từ 01/01/2024.  Sau khi luật được thông qua với 55 phiếu thuận và 34 phiếu phản đối, thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã tuyên bố rất tự hào về nước của bà. Từ nay, Estonia trở thành quốc gia vùng Baltic đầu tiên, cho phép các cặp đôi đồng giới được kết hôn và hưởng tất cả các quyền lợi như các cặp khác giới.  

Từ Vilnius, thông tín viên RFI Marielle Vitureau tường trình :   

« Đây là một sự kiện lịch sử, những người ủng hộ hôn nhân đồng giới không có từ nào để diễn tả lá phiếu của Quốc Hội Estonia. Chín năm sau khi hợp pháp hóa kết hợp dân sự cho tất cả các cặp. Estonia đã tiến thêm một bước nữa.  Đây là một chiến thắng đối với Aili Kala, thuộc hiệp hội những người đồng giới. Bà nói : « Điều này có nghĩa là những người đồng giới có thể có cuộc sống hôn nhân được nhà nước bảo vệ. Điều này cho xã hội thấy rằng tất cả gia đình đều bình đẳng ».  

Hôn nhân cùng giới đã được ghi vào thỏa thuận liên minh giữa 3 đảng tự do của chính phủ Estonia từ tháng Tư. Ngoài luật này, nghị viện cũng đã thông qua các nghị định được áp dụng đối với luật kết hợp dân sự, mà phe đối lập bảo thủ vẫn luôn phản đối. Điều này có nghĩa là các cặp đôi đồng tính sẽ có lựa chọn. Lá phiếu này cũng mang tầm vóc địa chính trị. Bà Aili Kala cho rằng : «Có nhiều biện pháp để chỉ ra rằng xã hội của chúng tôi là xã hội phương Tây, dĩ nhiên hôn nhân cùng giới là một trong những biện pháp đó ».   

Đây là một thông điệp mạnh được gửi đi trong vùng Đông Âu, vốn vẫn còn rất bảo thủ. Kết hợp dân sự đối với các cặp đôi đồng giới vẫn chưa được hợp pháp ở Litva hay Latvia. »  

Fukushima xả nước nhiễm phóng xạ, khiến láng giềng Trung Quốc lo ngại

Nhìn sang châu Á, nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản dự trù xả ra biển hàng triệu tấn nước đã qua xử lý, vốn được dùng để làm nguội các lò phản ứng hạt nhân. Chính quyền Nhật Bản khẳng định rằng loại nước thải này, có chứa đồng vị phóng xạ tritium và có thể là các dấu vết phóng xạ khác, không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Thế nhưng, dự định của Nhật khiến các nước láng giềng lo ngại. Tại Trung Quốc, một số người đã bắt đầu đi mua muối để phòng vệ. Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde cho biết tình hình ở Bắc Kinh.     

« Hiện mọi người vẫn chưa đổ xô đi mua muối như ở Hàn Quốc, nhưng một số người đã quyết định có hành động trước khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi xả nước ra biển. Từ vài ngày qua, cô thu ngân tại một siêu thị nhỏ, gần công viên Nhật Đàn ở Bắc Kinh chứng kiến nhiều người đến mua muối. Cô cho biết : « Sáng nay, các kệ hàng chất đầy muối, nhưng giờ thì không còn gì cả, nhưng chúng tôi sẽ bổ sung hàng trong vài ngày tới. Đó là muối từ hồ nên bán rất nhanh. Vì chuyện xảy ra ở Nhật Bản nên chúng tôi đã bán sạch muối. Tôi cũng đã mua 20 gói muối.  

Cho đến hiện nay, những trường hợp mua muối tích trữ vẫn hiếm gặp ở Trung Quốc và hiện chưa có tình trạng hoảng loạn về muối như vào năm 2011, khi tai nạn hạt nhân ở Fukushima xảy ra. Lúc đó, toàn bộ người dân các vùng bờ biển phía đông Trung Quốc cho rằng, do thiếu muối i ốt, có thể dùng muối nấu ăn để  tự bảo vệ khỏi nhiễm phóng xạ.   

Ngày nay, khi mua muối, người ta quan tâm đến chất lượng của muối hơn là nguồn gốc. Một nhà buôn muối ở Bắc Kinh cho biết xu hướng hiện nay là muối có nguồn gốc từ núi. Ông nói : « Muối của chúng tôi đến từ vùng Tây Tạng, không có chứa chất gây ô nhiễm. Đó là lý do vì sao mà gần đây doanh số bán hàng đã tăng lên. Chúng tôi bán hơn 2.000 bao muối mỗi tuần.Tuy nhiên, về muối biển thì tôi không rõ, nhưng mọi người có biết họ nói gì về muối biển hiện nay không ? »  

« Liệu tôi có phải tích trữ muối do tình hình ở Nhật Bản hay không ? » Đây là câu hỏi mà nhiều người đưa ra trong các bình luận trên mạng xã hội Vi Bác (Weibo).   

Giới ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích chính quyền Nhật Bản về điều mà họ cho là một « rủi ro không thể đảo ngược được đối với việc hủy hoại đáy đại dương ». Hiện nay, thông điệp này có vẻ như là để gửi ra bên ngoài Hoa Lục hơn là hướng đến  công luận Trung Quốc. »  

Bài Liên Quan

Leave a Comment