Liên Hiệp Quốc hôm Chủ Nhật 25/06/2023 cảnh báo việc sản xuất ma túy tổng hợp với « giá rẻ, nhanh chóng và dễ dàng » đã « làm biến đổi sâu sắc nhiều thị trường trên thế giới » và chỉ ra « những hậu quả thê thảm ».
Đăng ngày: 26/06/2023
Ghada Waly, giám đốc điều hành của UNODC, Cơ quan có trụ sở tại Vienna, Áo, lưu ý thế giới phải thúc đẩy cuộc chiến chống những kẻ buôn lậu lợi dụng xung đột và khủng hoảng toàn cầu để mở rộng sản xuất chất gây nghiện, đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp.
Theo AFP, trong thông cáo kèm theo báo cáo thường niên, Cơ quan của Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) cho biết Fentanyl, một loại ma túy tổng hợp mạnh gấp 50 lần heroin, « đã làm thay đổi hoàn toàn việc tiêu thụ chất gây nghiện ở Bắc Mỹ ». Trong năm 2021, đa phần các ca tử vong do dùng thuốc quá liều ở khu vực này là do ma túy tổng hợp fentanyl gây ra.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm cảnh báo việc sản xuất các chất ma túy tổng hợp có nguy cơ gia tăng. Chẳng hạn, ở Afghanistan, việc trồng cây thuốc phiện có thể sẽ giảm do lệnh cấm của chính quyền Taliban, dẫn đến khả năng chuyển sang sản xuất chất kích thích gây nghiện methamphetamine, loại ma túy tổng hợp được sản xuất bất hợp pháp nhiều nhất trên thế giới và hiện giờ đã được sản xuất rất nhiều ở Afghanistan.
UNODC cũng cảnh báo về hậu quả của nền kinh tế ma túy đối với môi trường. Ở lưu vực sông Amazon, việc trồng cây coca, mà hiện giờ « nguồn cung vẫn ở mức kỷ lục » và « các mạng lưới ngày càng khôn khéo » đang « làm nghiêm trọng thêm các hoạt động tội phạm », như phá rừng bất hơp pháp và buôn bán động vật hoang dã.
Trên toàn thế giới, trong năm 2021 có hơn 296 triệu người đã sử dụng chất gây nghiện, tăng 23% so với 10 năm trước và cần sa (cannabis) cho đến nay vẫn là chất gây nghiện được sử dụng rộng rãi nhất. Đáng lo ngại hơn, số người mắc chứng rối loạn do sử dụng chất gây nghiện đã tăng 45% so với cùng kỳ, nhưng tỉ lệ người được chăm sóc y tế chỉ là 1/5.