Wagner hiện diện tại Belarus là « mối đe dọa tiềm tàng » đối với an ninh của các thành viên bên phía sườn đông NATO. Những dấu hiệu nào thể hiện lo lắng của Litva, Latvia và nhất là Ba Lan từ khi chính quyền Minsk của tổng thống Loukachenko xác nhận « đón » Yevgeny Progozhin ? Tại sao ba trong số 5 nước láng giềng của Belarus lại xem sự hiện diện của Wagner tại quốc gia này là thách thức mới về an ninh ?
Đăng ngày: 29/06/2023
Khi nhận lời « đón » Yevgeny Progozhin, Alexander Lukashenko đã giải thích lính Wagner « có kinh nghiệm và nhất là kinh nghiệm quân sự quý giá » đối với Belarus. Trả lời các phóng viên tại Kiev trong một cuộc họp báo chung với đồng cấp Ukraina và Litva, hôm qua 28/06, tổng thống Ba Lan, Andreij Duda xem việc Belarus chứa chấp Progozhin là một « mối đe dọa tiềm tàng » không chỉ đối với Vacxava, mà cả với hai quốc gia khác trong vùng Baltic là Litva và Latvia.
Lãnh đạo Ba Lan nêu lên một loạt câu hỏi : « Lực lượng Wagner, nghĩa là quân đội Nga, hiện diện tại Belarus với mục đích gì ? Để chiếm đóng thêm Belarus, hay tạo nên một mối đe dọa mới ở khu vực phía bắc Ukraina, dùng Belarus làm bàn đập tấn công Ukraina ? Hay đấy là mối đe dọa tiềm tàng nhắm vào Ba Lan, nhắm vào các thành viên trong NATO ? ». Phó thủ tướng Jaroslaw Kaczynski thẩm định có chừng 8.000 quân Wagner được chuyển sang Belarus.
Cùng ngày tại thủ đô Washington, Lầu Năm Góc thông báo sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ Patriot của Mỹ, tên lửa và radar cho chính quyền Ba Lan, trị giá các hợp đồng lên tới 15 tỷ đô la. Mục tiêu mà nhằm « tăng cường khả năng tự vệ » cho Ba Lan.
Đầu tuần, ngoại trưởng ba nước Litva, Latvia và Ba Lan đã sang Paris hội kiến đồng cấp Pháp để chuẩn bị cho thượng đỉnh NATO ngày 11/07 tại Vilnius. Nhân dịp này, trả lời phỏng vấn báo Le Monde, ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics kêu gọi NATO và Liên Âu ban hành các biện pháp trừng phạt Belarus tương tự như với Nga, bởi cuộc binh biến vừa qua không chỉ là một « công việc nội bộ của Nga », mà tác động cả đến an ninh của các nước vùng Baltic.
Vilnius cũng cho rằng sự hiện diện của Wagner tại Belarus đã làm « thay đổi tình hình an ninh », bởi « chỉ cần căn cứ vào đà tiến của tập đoàn bán quân sự này về hướng Matxcơva, chúng ta có thể biết trước những gì sẽ xảy ra nếu Wagner hành xử tương tự trên lãnh thổ Belarus, hay từ Belarus vượt qua biên giới Litva hay biên giới Ba Lan ».
Việc tổng thống Lukashenko, chư hầu của Nga, xưng tụng kinh nghiệm quân sự của đội ngũ lính đánh thuê Wagner càng đặt các nước láng giềng của Belarus trong thế « báo động ». Ngoại trưởng Gabrielus Landsbergis cho rằng Wagner chính là cánh tay nối dài của quân đội Nga, tuy là một « lực lượng quân sự tư nhân nhưng họ đáp ứng những mục tiêu của Nhà nước Nga ».
Ngay tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg hôm 27/06 đã thông báo ý định tăng cường phòng thủ tại khu vực « sườn đông NATO » và quyết định này sẽ được chính thức hóa nhân thượng đỉnh Vilnius. Ông cũng cảnh báo phương Tây « chớ nên xem thường sức mạnh của Nga ».
Nhưng có lẽ điều khiến cả từ Vacxava đến Vilnius, Riga và cả nhiều nước phương Tây lo ngại hơn hết có lẽ là, thứ nhất, cho đến nay vẫn chưa một ai – kể cả điện Kremlin – giải mã được biến cố tại Nga trong hai ngày 24 và 25/06 khi Wagner tuyên bố « chiếm được Rostov » rồi sẵn sàng « tiến về thủ đô Matxcơva » trước khi thay đổi kế hoạch và dừng lại. Thứ hai là cuộc tranh giành quyền lực ở trong nội bộ guồng máy quân sự Nga. Đó mới là mối đe dọa lớn đối với ông Putin và khó có thể đoán trước phản ứng của tổng thống Nga khi ông cảm thấy « ổn định về chính trị của nước Nga bị đe dọa ».
Nhưng bất ổn chính trị đó tại Matxcơva liệu có là mối đe dọa cho các nước láng giềng của Liên bang Nga hay không ? Đó là một câu hỏi còn nguyên vẹn.