Thứ Tư, 28 Tháng Sáu 2023
Hãng điện tử Nhật Bản NEC đã phát triển thành công phần mềm bàn phím ảo dành cho sử dụng với các thiết bị như kính mắt hay đồng hồ thông minh. Công nghệ này hướng tới việc ứng dụng trong các nhà máy hoặc bệnh viện.
Phát triển thành công phần mềm bàn phím ảo
Phần mềm có thể hoạt động với các thiết bị di động và thiết bị đeo của các công ty khác. Chức năng chính của phần mềm là cung cấp bộ bàn phím nhập liệu trong không gian ảo thay thế cho những bàn phím vật lý cồng kềnh.
Theo NEC, chương trình phần mềm hoạt động bằng cách kết hợp một kính mắt có gắn camera hiển thị (giống như nguyên mẫu của hãng Seilo Epson và một số công ty công nghệ khác) với một chiếc đồng hồ thông minh.
Khi người dùng liếc nhìn đồng hồ thông qua kính, phần mềm sẽ tự động xác định vị trí của thiết bị. Sau đó, một bàn phím ảo sẽ được phóng ra từ mắt kính chiếu tới tay người dùng. Điểm đặc biệt là công nghệ này cho độ chính xác khá cao.
Người dùng chỉ cần nhấn trên bàn phím ảo, camera trên kính sẽ tiến hành xác định vị trí phím được bấm. Đồng thời, cảm biến trên đồng hồ sẽ đóng vai trò phát hiện các rung động dù nhỏ nhất để tiến hành nhập liệu trên đồng hồ.
Công nghệ mới của NEC đem lại một triển vọng áp dụng quy mô lớn tại các nhà máy và bệnh viện, nơi người lao động hay các bác sỹ cần thao tác nhanh gọn hơn. Không gì đơn giản hơn khi các bác sỹ có thể dễ dàng cập nhật hồ sơ bệnh nhân ngay từ bàn tay.
Lợi thế của công nghệ thực tế ảo áp dụng trên kính là điều hoàn toàn có thể nhận thấy. Các phương pháp nhập liệu hiện nay chủ yếu đều dựa vào giọng nói hoặc các thiết bị nhập liệu chuyên dụng. Rõ ràng, nhập liệu bằng giọng nói sẽ tỏ ra vô tác dụng trong môi trường ồn ào của nhà máy, trong khi đó, nhập liệu trực tiếp trên các thiết bị đeo có vẻ như không dễ dàng bởi màn hình thao tác quá bé.
Giấc mơ cũ, cơ hội mới
Khái niệm về công nghệ thực tế ảo từng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1990. Tuy nhiên, sức mạnh xử lý hạn chế của các cỗ máy tính thời đó chính là điều cản trở sự thành công của công nghệ này.
Tuy nhiên, kể từ khi làn sóng các thiết bị di động và thiết bị đeo nở rộ như hiện nay, nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu nhen nhóm ý định quay trở lại với công nghệ tương lai này. Đơn cử như việc Hitachi đã bán ra loại màn hình tương tác ảo cung cấp những chỉ dẫn công việc và công cụ khác nhau cho công nhân trong nhà máy.
Gã khổng lồ công nghệ Microsoft cũng đã làm choáng ngợp thế giới công nghệ với những màn trình diễn thực tế ảo trên chiếc kính Hololens. Sản phẩm được giới công nghệ tin tưởng sẽ mở ra một hướng đi và cách ứng dụng hoàn toàn mới cho rất nhiều ngành như giáo dục, game, y tế hay nghiên cứu vũ trụ.
Chưa kể trong tương lai, ngành công nghiệp thực tế ảo hứa hẹn sẽ là một ngành công nghiệp hái ra tiền trên tất cả mọi phương diện.
Theo một nghiên cứu của công ty Seed Planning, dự kiến giá trị của công nghệ thực tế ảo có thể tăng lên tới 290 tỷ yên (khoảng 2,37 tỷ USD), gấp 3 lần quy mô giá trị của năm 2014. Con số trên chỉ tính riêng tại thị trường Nhật Bản.