Cạnh tranh Mỹ-Trung leo thang, một thỏa thuận hợp tác khoa học lâu đời bị đe dọa

Ngày 27/08/2023 tới đây, trên nguyên tắc Thỏa Thuận Khoa Học và Công Nghệ STA có từ năm 1979 giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ hết hiệu lực nếu không được gia hạn. Thế nhưng cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa hai nước, đặt biệt trong lĩnh vực khoa học-công nghệ đã đặt ra câu hỏi về việc liệu thỏa thuận hợp tác khoa học sắp hết hạn đó có nên tiếp tục hay không. Hôm 27/06 vừa qua, một nhóm dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa Mỹ đã trả lời: “Không”!

Đăng ngày: 30/06/2023

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa: Một phiên họp ngày 28/02/2023 của Ủy Ban Hạ Viện Mỹ về Cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc do dân biểu Mike Gallagher (giữa) làm chủ tịch. AP – J. Scott Applewhite

Trọng Nghĩa

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bức thư gửi ngoại trưởng Antony Blinken, chủ tịch ủy ban Hạ Viện Mỹ về Trung Quốc Mike Gallagher và chín dân biểu khác của Đảng Cộng Hòa cho rằng thỏa thuận STA nên bị hủy bỏ.

Bức thư nêu bật những mối lo ngại về hợp tác giữa Cục Khí Tượng Hoa Kỳ và Trung Quốc về “khí cầu có thiết bị”, cũng như hơn một chục dự án của bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ với các thực thể Trung Quốc mà theo các tác giả bức thư, bao gồm các công nghệ có tính “lưỡng dụng rõ rệt” (tức là vừa dân sự, vừa quân sự), trong đó có kỹ thuật phân tích hình ảnh vệ tinh và drone phục vụ công tác quản lý tưới tiêu.

Các dân biểu Mỹ tố cáo: “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (tức là Trung Quốc) sử dụng các nhà nghiên cứu khoa học, các gián điệp công nghiệp, các biện pháp ép buộc chuyển giao công nghệ và các chiến thuật khác để chiếm lợi thế trong các công nghệ quan trọng, từ đó thúc đẩy quá trình hiện đại hóa Quân Đội Trung Quốc”.

Bức thư kết luận: “Hoa Kỳ phải ngừng thúc đẩy sự hủy diệt của chính mình. Để STA hết hạn là bước đầu tiên nên làm”.

Một thỏa thuận hợp tác khoa học từ năm 1979

Thỏa thuận STA là gì mà đã khiến cho các dân biểu Mỹ quan ngại như vây? Theo Reuters, đó là một văn bản được ký kết từ khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979, và từ đó đến nay được liên tục gia hạn khoảng 5 năm một lần. Thỏa thuận đã mở ra công cuộc hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực từ khoa học khí quyển và nông nghiệp cho đến nghiên cứu cơ bản về vật lý và hóa học.

Thỏa thuận khoa học này đã được ca ngợi là một nhân tố giúp ổn định quan hệ Mỹ-Trung, đặt nền móng cho đà tăng vọt của các trao đổi song phương về học thuật và thương mại, và trong thực tế, có thể nói là những trao đổi đó đã giúp Trung Quốc phát triển thành một cường quốc công nghệ và quân sự.

Thế nhưng trong thời gian gần đây, những lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc kèm theo những tiết lộ về hàng loạt những vụ đánh cắp các thành tựu khoa học và thương mại của Mỹ đã khiến cho nhiều người tự hỏi là có nên tiếp tục triển hạn thỏa thuận STA hay không.

Mặc dù quan điểm chủ đạo tại Hoa Kỳ có vẻ thiên về khả năng gia hạn, nhưng ngày càng có nhiều quan chức và nhà lập pháp tin rằng hợp tác về khoa học và công nghệ sẽ ít có ý nghĩa hơn do tình hình cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo Reuters, dân biểu Mike Gallagher không ngần ngại xem STA là một thỏa thuận “lỗi thời”, mà việc triển hạn “sẽ chỉ gây nguy hiểm hơn nữa cho nghiên cứu và sở hữu trí tuệ” của nước Mỹ.  

Về phần mình, Bắc Kinh dĩ nhiên là mong muốn thỏa thuận được tiếp tục. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết là ngay từ năm ngoái, các quan chức nước này đã tiếp cận Hoa Kỳ để nói về thỏa thuận mà họ cho là cơ sở cho 40 năm hợp tác “hiệu quả”.

Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng như Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đều từ chối bình luận “các cuộc thảo luận nội bộ về các cuộc đàm phán”.

Ba khả năng: Gia hạn, để hết hạn, điều chỉnh

Theo tiết lộ của một số quan chức Mỹ với Reuters, trong các cuộc thảo luận đang diễn ra trong nội bộ chính quyền Hoa Kỳ về thỏa thuận STA, kể cả trong bộ Ngoại Giao Mỹ, cơ quan dẫn đầu các cuộc đàm phán, những quan điểm trái ngược nhau đã xuất hiện về việc có nên gia hạn thỏa thuận, để nó tự động hết hạn hay đàm phán lại để bổ sung các biện pháp bảo vệ chống gián điệp công nghiệp và yêu cầu có đi có lại trong trao đổi dữ liệu.

Đối với giới chủ trương vô hiệu hóa thỏa thuận, ngăn chặn việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ là một điều hợp lý. Các doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã phàn nàn về các chính sách của chính phủ Trung Quốc ép buộc họ phải chuyển giao công nghệ, trong lúc giới chuyên gia cảnh báo về tình hình Nhà Nước Trung Quốc bảo trợ các hành vi đánh cắp mọi thứ, từ hạt giống cây trồng của tạp đoàn Monsanto cho đến dữ liệu về thiết kế tàu con thoi của cơ quan hàng không vũ trụ NASA.

Ngăn không cho Trung Quốc lợi dụng hợp tác nghiên cứu đặc biệt có lý trong bối cảnh chính quyền của tổng thống Joe Biden đã đẩy mạnh cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc, mà ví dụ diển hình là đạo luật về chip năm 2022 kèm theo việc thành lập liên minh Chip 4 để ngăn không cho Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn cao cấp.

Tại một diễn đàn của Viện Hudson vào tháng 6 vừa qua, Kurt Campbell, điều phối viên của Hoa Kỳ về Ấn Độ-Thái Bình Dương, đã khẳng định: “Công nghệ sẽ là đấu trường tiên tiến của cạnh tranh toàn cầu trong giai đoạn sắp tới giống như tên lửa hạt nhân là đặc điểm nổi bật của Chiến Tranh Lạnh”, và Hoa Kỳ “sẽ không nhượng bộ”.

Những người ủng hộ việc triển hạn thỏa thuận STA thì lập luận rằng việc hủy bỏ văn bản này sẽ kìm hãm hợp tác học thuật và thương mại và nếu không có nó, Mỹ sẽ mất đi điều kiện nhìn được từ bên trong những tiến bộ kỹ thuật của Trung Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận cần phải được điều chỉnh.

Chuyên gia về chiến lược công nghệ Trung Quốc Denis Simon, giáo sư tại Đại Học Bắc Carolina ở Chapel Hill, nhận định: “Dù là bạn hay thù, Mỹ vẫn cần tiếp cận với Trung Quốc để hiểu những gì đang xảy ra trên thực địa”. Theo ông, cần đàm phán một thỏa thuận mới về cơ bản.

Còn đối với bà Anna Puglisi, một cựu quan chức phản gián Hoa Kỳ tập trung vào vùng Đông Á và hiện là chuyên gia cao cấp tại Trung Tâm An Ninh và Công Nghệ Mới Nổi của Đại Học Georgetown, hợp tác khoa học và công nghệ từng là một phần “dễ chịu” trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng thời thế đã thay đổi.

Theo bà Puglisi, việc triển hạn thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc phải giải quyết được vấn đề luật an ninh quốc gia của Trung Quốc hiện bao gồm cả việc cấm “xuất khẩu” dữ liệu lẫn từng bước hạn chế quyền truy cập của nước ngoài vào các cơ sở dữ liệu học thuật trong nước. Tóm lại hợp tác cần phải có hai yếu tố: “Minh bạch và có đi có lại”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment