Cờ Nước Mỹ.

\"\"

Robert Heft, là cậu chàng thích vẽ, vừa tròn 17 tuổi, đang trong năm cuối trung học ở thành phố Lancaster, tiểu bang Ohio. Ông thầy dạy sử của cậu tên là Stanley Pratt có tiếng là khắt khe chấm điểm. Ông cho điểm vừa vừa để cho học trò ông còn cố gắng, chứ cho điểm cao là bọn chúng thành ra tự cao tự đại! Nhân sự kiện nước Mỹ sát nhập Alaska và Hawaii vào Mỹ, ông ra đề tài cho trò mang bài về nhà làm – bất cứ một sáng tác gì như là bài luận, chuyện kể, vẽ tranh, sưu tầm ảnh hoặc hiện vật về lịch sử….

Heft chú tâm vào sự kiện nước Mỹ có thêm hai tiểu bang – như vậy cờ Mỹ sẽ phải có thêm hai ngôi sao. Vậy phải xếp sao cho đẹp? Vào thời điểm đó nước Mỹ có 48 tiểu bang rồi,có thêm hai nữa sẽ thành 50… Heft liền thiết kế lá cờ với 50 ngôi sao, hôm sau mang tới lớp nộp bài. Thầy ngắm xong hạ bút chấm điểm hạng B (theo xếp hạng A là cao, B là vừa, C là thấp). Heft lấy hết can đảm xin thầy xem lại bài của cậu xem có đáng được hạng A không? Chẳng gì cũng là bài làm cậu để nhiều tâm huyết và còn mang tính ‘thời sự’ nữa cơ mà!

– Trò muốn hạng A hả! Tưởng mình tài lắm sao? Tài thì gửi bài lên Washington DC xem cậu tài đến đâu nhé. Trên đài mới thông báo có cuộc thi thiết kế cờ mới có 50 sao đấy. Nếu bài của cậu được trên thủ đô họ chọn thì ta sẽ chấm cho trò được hạng A.

Ở vùng xa này, thanh niên như Heft chẳng mấy khi ở nhà coi tivi hoặc nghe đài, đó là việc của người già! Các cậu chẳng có mấy thời gian rỗi, nếu có thì còn mải đá bóng và tán gái. Nghe ông thầy nói rằng có cuộc thi như thế, cậu liền mang giấy bút ra mải miết trình bầy bản vẽ, cảm thấy mãn nguyện, cậu hăng hái gửi bài đi Washington DC.

Cuộc thi lần đó có hơn 1500 bản vẽ gửi tới dự thi bởi bao nhiêu là nghệ sĩ, hoạ sĩ và các vị tài danh ở khắp nơi ở Mỹ. Hội đồng giám khảo lựa chọn mấy bản vẽ được vào chung kết để trình lên Tổng thống Dwight D. Eisenhower. Kết quả cuối cùng: bản vẽ của Robert Heft được chính Tổng thống tâm đắc lựa chọn và phê chuẩn làm mẫu cờ mới cho nước Mỹ.

Tin vui về đến nhà trường, thầy giáo liền gọi Heft lên trước toàn trường vào ngày chào cờ và thầy cũng trang trọng chấm lại bài sử cho cậu lên hạng A như đã hứa!

Lớn lên Rober Heft cũng có một thời gian làm giáo viên trung học rồi sau này học tiếp lên và trở thành giảng viên đại học. Ông cũng tham chính và được bầu làm Thị trưởng thành phố Napoleon, tiểu bang Ohio trong 28 năm. Ông sinh năm 1941 và mất năm 2009. Ông được ghi nhớ trong lịch sử Hoa Kỳ là tác giả của lá cờ Mỹ hiện đang lưu hành. Cũng vì câu chuyện trên mà ông thầy dạy sử ở trường trung học xa xôi kia tên là Stanley Pratt cũng được lưu danh!

Chỉ có ở châu Á, lá cờ Mỹ được nhìn nhận như lá cờ hoa – là nguồn gốc của chữ Hán Việt “Hoa Kỳ”. Trong sách sử xưa của Trung Quốc, người ta ghi đoàn người từ xứ cờ hoa từng đến đây, ý nói đó là người Mỹ. Cờ Mỹ có sao và vạch với ba màu đặc trưng – đỏ, trắng, xanh. Cùng với thời gian và thời kỳ lịch sử, có nhiều cách người ta diễn giải màu cờ, có cả ý rất phổ biến rằng màu đỏ tượng trưng cho sự hi sinh vì tổ quốc. Đến năm 1986, người ta lấy lời phát biểu của Tổng thống Ronald Reagan như một định nghĩa được công chúng rộng rãi công nhận rằng:

“Màu cờ của chúng ta thể hiện những phẩm chất của tinh thần nhân loại mà người Mỹ sẽ mãi gương cao. Màu đỏ là tượng trưng cho lòng quả cảm và tinh thần sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, màu trắng thể hiện thiện tâm trong sáng bởi những ý tưởng cao cả; còn màu xanh là tinh thần chúng ta phải không ngừng cảnh giác và phải hành động vì công lý.\”

Chia sẻ từ fb Kim Chi

Bài Liên Quan

Leave a Comment