Các nhà lập pháp Thái Lan hôm nay, 04/07/2023, đã nhất trí bầu một chính trị gia kỳ cựu và là lãnh đạo một đảng nhỏ làm chủ tịch Hạ Viện. Kết quả này báo hiệu một sự hòa hoãn giữa hai đảng đối lập lớn nhất trong việc thương lượng thành lập một chính phủ liên minh mới.
Đăng ngày: 04/07/2023
Reuters nhận định, việc đề cử ông Wan Muhamad Noor Matha, 79 tuổi, được nhiều người xem như là một sự thỏa hiệp giữa các đối tác liên minh, đảng Move Forward – MFP (Tiến Bước) về đầu trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 14/05/2023 và đảng Pheu Thai. Hai vị trí phó chủ tịch thuộc về đảng Move Forward và đảng Pheu Thai.
Vài giờ trước cuộc bỏ phiếu, ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo MFP, đã chấp nhận rút ứng cử vị trí chủ tịch Hạ Viện, do cho đến phút chót, đảng Pheu Thai vẫn từ chối ủng hộ ông Pita vào vị trí quan trọng, liên quan đến việc thông qua các dự luật, theo như tường thuật từ AFP.
Ông Wan Muhamad Noor Matha, lãnh đạo đảng Prachachart, một thành viên trong liên minh tám đảng do Move Forward và Pheu Thai thống lĩnh, gốc người miền Nam, thuộc sắc tộc Mã Lai Hồi Giáo, từng nắm giữ vị trí chủ tịch Hạ Viện.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông là ấn định ngày cho cuộc bỏ phiếu chung của Quốc Hội lưỡng viện gồm 750 thành viên để bầu chọn thủ tướng cho phép thành lập một chính phủ mới, dự trù diễn ra vào cuối tuần tới. Liên minh tám đảng tập hợp được 312 ghế đang ủng hộ ông Pita Limjaroenrat.
Tuy nhiên, để trở thành lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo đảng Move Forward phải hội đủ 376 lá phiếu, tức quá bán của lưỡng viện. Như vậy, trong trường hợp này, ông Pita còn phải cần đến 64 lá phiếu từ các đảng đối thủ hoặc từ 250 thành viên Thượng Viện do quân đội bổ nhiệm, vốn dĩ có xu hướng bảo thủ phản đối đường lối tự do của đảng MFP.
Điều này làm dấy lên lo ngại, không rõ động thái tiếp theo của liên minh tám đảng sẽ là gì nếu ông Pita thất bại. Một chuyên gia trường đại học Ubon Ratchathani được Reuters dẫn lại, đặt câu hỏi « liệu Pheu Thai có đổi phe nếu cuộc bỏ phiếu ban đầu cho Pita thất bại hay không ? »
Còn theo phân tích của nhà chính trị học Punchada Sirivunnabood, trường đại học Mahidol, được AFP trích dẫn, việc ông Pita không có được sự hậu thuẫn của liên minh cho chức chủ tịch Hạ Viện cho thấy cơ may hạn hẹp để ông Pita lên nắm quyền lãnh đạo cao nhất trong chính phủ, nhưng điều đó cho phép « tạm thời chấm dứt xung khắc » trong nội bộ liên minh cầm quyền.
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, MFP đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ với một loạt các cam kết trong đó có việc chấm dứt gọi tòng quân, chấp nhận hôn nhân đồng tính và đề nghị cải cách gây tranh cãi về luật khi quân hà khắc.