Putin nhồi sọ dân Nga về “một Ukraina phát xít” như thế nào ?

Thu Hằng

\"\"
Russian President Vladimir Putin listens to Central Election Commission (CEC) Chairwoman Ella Pamfilova during a meeting in Moscow, Russia, July 3, 2023. Sputnik/Alexander Kazakov/Kremlin via REUTERS

Cuộc chiến ở Ukraina là sự lặp lại của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, phong trào biểu tình Euromaidan và chính phủ lâm thời sau đó là những kẻ tân phát xít mưu đồ diệt chủng cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraina. Từ 8 năm qua, tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên truyền như vậy để biện minh cho việc sáp nhập bán đảo Crimée, yểm trợ cho phe ly khai Ukraina ở vùng Donbass và đặc biệt là cuộc tấn công, dự kiến chớp nhoáng, để lật đổ chính quyền Kiev nhưng bất thành.

Trong công cuộc tuyên truyền này, các cơ quan truyền thông thân điện Kremlin trở thành công cụ vô cùng đắc lực, sau khi Matxcơva từng bước loại trừ truyền thông độc lập, bắt đầu từ việc giải thể hãng thông tấn độc lập RIA Novosti, bắt bà Galina Timchenko và ban biên tập tờ báo Lenta của bà do đưa tin trung lập về chiến tranh Ukraina. “Putin xoay sở như thế nào để khắc sâu ý tưởng về một Ukraina của Đức Quốc xã trong lòng người Nga ?” là câu hỏi được Edouard Hesse đặt ra trong bài phân tích thứ hai đăng trên trang Slate ngày 30/06/2023 về cuốn sách Memory Makers – The Politics of the Past in Putin’s Russia (tạm dịch : Những người tạo nên ký ức – Chính sách quá khứ trong nước Nga của Putin) của nhà nghiên cứu Jade McGlynn. Bài thứ nhất đề cập đến việc Putin đã nhào nặn lịch sử Nga như thế nào để đạt được mục tiêu.

“Cách mạng nhân phẩm” Euromaidan bị Nga biến thành phong trào phát xít

Cần ngược lại phong trào biểu tình Euromaidan, còn được gọi là “Cách mạng nhân phẩm”, nổ ra vào tháng 11/2013 sau khi tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych, bị Nga gây sức ép, đã không ký hiệp định thương mại với Liên Hiệp Châu Âu. Người dân rầm rộ phản đối trên cả nước, bất chấp cảnh sát trấn áp. Đỉnh điểm là việc Yanukovych rời Kiev vào tháng 02/2014. Các đảng đối lập thành lập chính phủ lâm thời.

Nhưng bộ máy lãnh đạo mới, cũng như những người biểu tình đã bị Matxcơva liệt là những thành phần cực hữu nguy hiểm, với mưu đồ diệt chủng cộng đồng nói tiếng Nga ở Crimée. Truyền thông Nga đã biến các cuộc biểu tình Euromaidan thành một cú đảo chính do Mỹ và các thành phần phát xít hậu thuẫn, chống lại tổng thống hợp pháp. Viện cớ này, Matxcơva vội vàng sáp nhập bán đảo Crimée, điều quân đội chính quy, phi chính quy cũng như vũ khí, khí tài đến miền đông Ukraina để chiến đấu chống lại Nhà nước Ukraina. Từ năm 2014-2022, cuộc xung đột đã giết chết 14.000 người, trong đó có 3.400 dân thường, đa số thiệt mạng trong năm 2014-2015 khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược.

Ngay lúc diễn ra phong trào Euromaidan và sau đó, điện Kremlin đã gia tăng kiểm soát các phương tiện truyền thông do lo sợ phong trào Euromaidan vượt biên giới đe dọa trực tiếp đến quyền lực. Tổng thống Putin một mực đổ cho Washington  tổ chức và tài trợ Euromaidan, Hoa Kỳ và phương Tây liên tục tổ chức “các cuộc cách mạng màu” để gây bất ổn và biến “Nga trở thành một pháo đài bị bao vây”.

Luận điệu của điện Kremlin được nhà nghiên cứu Jade McGlynn, tác giả cuốn Memory Makers – The Politics of the Past in Putin’s Russia, chia thành bốn yếu tố : Chính phủ mới của Ukraina gồm những thành phần theo Bandera ; Hành vi của chính phủ Ukraina và phương Tây tương tự như hành vi của Đức quốc xã ; Cuộc chiến ở miền đông Ukraina là sự lặp lại của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (“Thuật ngữ của Nga về cuộc chiến của Liên Xô chống lại Đức quốc xã từ năm 1941 đến 1945”) ; “Mùa xuân nước Nga” (tên gọi của cuộc xâm lược miền đông Ukraina) và Crimée trở về (với Nga) là một Chiến thắng vĩ đại.

Khủng hoảng Ukraina là sự lặp lại của Chiến tranh Vệ quốc

Trong vô số cách lập luận, việc coi cuộc khủng hoảng Ukraina là sự lặp lại của Chiến tranh Vệ quốc là cách giải thích chủ đạo của các phương tiện truyền thông thân điện Kremlin. Mục đích chính là vô hiệu hóa những yêu cầu của những người biểu tình Euromaidan, nhưng cũng để củng cố sự thống trị của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại trong ký ức văn hóa Nga.

Trước tiên, chính quyền Matxcơva đã lấy cớ là trong phong trào Euromaidan có nhiều người ủng hộ Bandera tham gia. Stepan Bandera là chính trị gia Ukraina theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và hợp tác với Đức Quốc xã trong Thế Chiến II. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu McGlynn, “giải thích rằng đa số người biểu tình có quan điểm theo Bandera về tương lai của Ukraina sẽ là điều vô lý”. Thế nhưng đó lại là chiến lược của truyền thông Nga, khẳng định những kẻ theo Bandera đại diện cho chính phủ lâm thời ở Kiev và dự định tước các quyền của người nói tiếng Nga, theo đuổi hận thù về tư tưởng đối với người Nga và tất cả các nhóm thiểu số không phải người Ukraina để “thanh lọc” lãnh thổ Ukraina khỏi người Nga và lịch sử Nga.

Để củng cố cho luận điệu này, Matxcơva liên tục cho đăng những tài liệu lưu trữ chiến tranh về tội ác của những kẻ cộng tác với Đức Quốc xã ở Ukraina và quy chụp kiểu “họ đã làm vào thời đó, hậu duệ của họ đang làm vào lúc này”. Như vậy, tổng thống Putin sẽ có cớ để nói rằng đó là “những người không trung thành với Nga, ngụ ý rằng các sự kiện ở Ukraina là vấn đề nội bộ của Nga”.

Truyền thông Nga ngày càng trở nên cuồng loạn trong suốt thời gian biểu tình năm 2014 ở Ukraina và khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée. Kể từ đầu tháng 03/2014, người Ukraina bị biến thành “những kẻ phát xít” sau khi chính phủ lâm thời ở Kiev muốn khôi phục chủ quyền ở vùng Donbass. Thực ra, câu cửa miệng “người Ukraina là Đức quốc xã” không thay thế câu chuyện xoay quanh Stepan Bandera, nhưng ngày càng được củng cố vào lúc truyền thông Nga tìm cách thu hút sự ủng hộ của công luận đối với sự can thiệp của Nga vào Ukraina. Họ vận dụng cách dẫn dắt để những suy diễn về phát xít có vẻ thực tế, trích dẫn nhiều ghi chép lịch sử đáng ngờ hoặc có chọn lọc và so sánh với những sự kiện như vụ cháy Reichstag. Ngoài ra, chính phủ Nga cũng cẩn thận sử dụng tài liệu lưu trữ mới được công bố liên quan đến Stepan Bandera và sự chiếm đóng của Đức quốc xã ở Ukraina để pha trộn sự kiện lịch sử với tuyên truyền đương đại.

Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại có mặt khắp nơi

Cuộc xâm lược miền đông Ukraina từ năm 2014 được truyền thông Nga thường xuyên gắn kết với các cuộc chiến trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại từ 1941-1945. Nhiều lực lượng dân quân tình nguyện tự xưng là “phòng thủ” được thành lập và trở thành các tiểu đoàn vũ trang thực sự. Truyền thông Nga ca ngợi họ là “dân quân” anh hùng bảo vệ di sản của Chiến thắng Vĩ đại, tấn công quân đội và dân quân Ukraina, bên bị so sánh với lực lượng chiếm đóng Đức quốc xã. Như vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc của Ukraina bị truyền thông Nga vô hiệu hóa.

Truyền thông Nga còn sử dụng thuật ngữ phả hệ để miêu tả các lực lượng Nga là hậu duệ hợp pháp của Hồng quân. Ngoài ra, bạo lực và sự tàn bạo, những mô tả thô thiển thời Đức quốc xã chiếm đóng Kiev để gây liên tưởng đến các hành động của quân đội Ukraina năm 2014, được khai thác triệt để nhằm khuấy động hoảng loạn trong dân, tạo thêm bầu không khí khủng bố và cuồng loạn ở Nga.

Theo Jade McGlynn, việc những người nói tiếng Nga và công dân Liên Xô trước đây sống ngoài Liên bang Nga, đặc biệt là ở miền đông Ukraina, sử dụng các phương tiện truyền thông tiếng Nga, “có lẽ đã bị tác động rất lớn”. Tại Matxcơva, truyền thông đưa tin giật gân, hãi hùng về tình hình ở Ukraina đã tạo ra một bầu không khí căng thẳng, thậm chí là chiến tranh. Đỉnh điểm là vụ cháy Nhà Công đoàn ở Odessa ngày 02/05/2014, lập tức bị truyền thông Nga đăng tải với những hình ảnh thi thể, những tòa nhà bị cháy gây sốc để liên kết với vụ thảm sát năm 1943 ở làng Khatyn ở Belarus do những người Ukraina tình nguyện hợp tác với Đức quốc xã gây ra. Nỗi lo lịch sử lặp lại bùng phát và lan rộng ở Nga.

Đại thắng lặp lại

Năm 2014, khi gần đến Ngày Chiến thắng, tham vọng của điện Kremlin dường như chựng lại. Cả nước háo hức chờ sáp nhập vùng Donbass nhưng điện Kremlin đã dập tắt những lời hoa mỹ để chuẩn bị tinh thần cho người dân rằng Donbass sẽ không “về chung một nhà” trái với sự hưng phấn lúc sáp nhập bán đảo Crimée. Theo nhà nghiên cứu Jade McGlynn, việc sáp nhập Donbass sẽ kéo theo gánh nặng tài chính đáng kể. Hơn nữa, một cuộc xung đột bị đóng băng hoặc bị chiếm đóng mang lại cho điện Kremlin nhiều đòn bẩy hơn mà không gây thêm rủi ro cho quan hệ với phương Tây.

Do đó, giọng điệu của điện Kremlin và truyền thông Nga cũng thay đổi sau cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk vào tháng 05/2014, theo kiểu “sự tham gia của Nga vào Ukraina là một kiểu chiến thắng vì các anh hùng ly khai ở miền đông Ukraina giờ đây được tự do ghi nhớ lịch sử thực sự của cha ông họ trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”. Kiểu lập luận này giúp truyền thông Nga tập trung vào ý tưởng một nước Nga chiến thắng để bổ sung thành tích cho lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng.

Cuối cùng, sau khi ông Petro Poroshenko thắng cử tổng thống, sự so sánh của giới truyền thông và chính trị gia Nga về cuộc xâm lược Ukraina với Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại đã giảm đi rõ rệt. Thay vào đó, họ đổi hướng sang bảo vệ bản sắc, đồng bào ở Ukraina. Trong suốt 8 năm tuyên truyền nhằm mục đích đồng hóa Nhà nước và quân đội Ukraina với lực lượng theo Bandera, thậm chí là Đức quốc xã, điện Kremlin và truyền thông Nga đã gặt hái thành quả vào năm 2022. Ngày 24/02/2022, tổng thống Putin viện cớ “giải trừ phát xít” để phát động cuộc xâm lược Ukraina.

Bài Liên Quan

Leave a Comment