- Tác giả,Thương Lê
- Vai trò,BBC News Tiếng Việt
- 6 tháng 7 2023
Là một thức uống được ưa chuộng trên khắp thế giới, nhưng cà phê ở mỗi nước lại được pha chế theo những cách khác nhau và cách thưởng thức cũng rất khác biệt.
BBC trao đổi với một số người Mỹ đang sống tại Việt Nam để tìm hiểu những nét độc đáo trong văn hóa uống cà phê của người Mỹ, và so sánh với Việt Nam để tìm ra những điểm khác biệt thú vị.
Việt Nam: Cà phê ở khắp mọi nơi
Tyler Maurice Kooy, 32 tuổi, chủ tiệm cà phê Lost and Found ở quận 1, TP HCM cho rằng điểm tương đồng nổi bật nhất giữa văn hóa cà phê Mỹ và Việt Nam là niềm đam mê dành cho cà phê cũng như số lượng cửa tiệm chuyên về cà phê đặc sản.
Tuy nhiên, anh nhận xét rằng cà phê ở Việt Nam phổ biến hơn ở Mỹ rất nhiều.
“Ở Việt Nam, mỗi con đường có ít nhất 10 quán cà phê, thậm chí có nhiều con đường có tới 20-30 quán là bình thường”, Tyler cho biết.
Đồng quan điểm, Dustin Cheverier, một YouTuber người Mỹ đã ở Việt Nam 10 năm, nói với BBC rằng ở Việt Nam, chỉ cần đi bộ một chút là có thể mua được một ly cà phê.
“Từ các cửa tiệm gia đình cho tới người bán hàng rong, hoặc các chuỗi cà phê có thương hiệu, bạn có thể tìm thấy cà phê ngon, rẻ và độc nhất vô nhị”, anh nói.
Một khác biệt nữa mà Dustin chỉ ra là vì Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, nên hương vị, phong cách cà phê ở các vùng miền khác nhau của Việt Nam cũng đa dạng hơn.
Văn hóa cà phê ở Việt Nam có khía cạnh xã hội hơn
Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam đã ngạc nhiên khi thấy cà phê không chỉ là một thức uống mà còn là một phong cách sống đối với người dân địa phương.
Trao đổi với BBC, Tyler nhận xét rằng ở Việt Nam, việc đi gặp gỡ bạn bè hoặc đồng nghiệp tại một quán cà phê vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày – sáng, trưa, chiều, tối – sẽ được xã hội chấp nhận hơn trong khi ở Mỹ thì không như vậy.
Trong khi đó, Dustin nói rằng văn hóa uống cà phê ở Việt Nam có khía cạnh xã hội hơn ở Mỹ.
“Mọi người có thể đi uống cà phê và đi chơi với nhau trước giờ làm việc, trong giờ nghỉ, sau giờ làm việc hàng ngày, điều mà tôi không thấy xảy ra nhiều ở Mỹ. Người Mỹ cũng sẽ uống cà phê để đi chơi, giao lưu… nhưng Việt Nam thì ở một cấp độ khác”, YouTuber chuyên làm nội dung về Việt Nam cho biết.
Tự nhận là một người chỉ uống cà phê để tỉnh táo chứ không thích đi chơi ở các quán cà phê, nhưng Dustin chia sẻ rằng anh thích văn hóa cà phê của Việt Nam hơn ở Mỹ.
Tyler cũng bày tỏ sự yêu thích với văn hóa cà phê ở Việt Nam và nói anh ước có thể mang văn hóa cà phê ở Việt Nam về Mỹ.
Khác biệt về giá
Khi BBC hỏi về các thương hiệu cà phê Mỹ tại Việt Nam, cả hai nhân vật trong bài đều so sánh rằng cà phê được bán ở các quán Việt có giá rẻ hơn nhiều trong khi có hương vị ngang bằng hoặc ngon hơn.
“Tôi đến từ Seattle, quê hương của chuỗi cà phê Starbucks, nhưng tôi chưa từng đến một tiệm Starbucks nào trong suốt bảy năm sống ở Việt Nam”, Tyler chia sẻ.
Lý giải về lý do tại sao Starbucks không phải là lựa chọn đầu tiên khi đi uống cà phê, chàng trai Mỹ nói rằng ở Việt Nam, người ta có thể chi ít tiền hơn để có được một thức uống truyền thống và ngon miệng hơn từ “một quán cà phê có những chiếc ghế nhựa xếp bên ngoài và một bà dì lớn tuổi đang đứng bên ấm đun nước nghi ngút khói với những phin cà phê mới pha”.
“Tôi nghĩ Starbucks và các chuỗi cà phê ngoại khác chỉ thiếu một chút văn hóa cà phê thực sự của Việt Nam, đó là việc ngồi với một nhóm bạn trên những chiếc ghế nhựa hoặc gỗ ngoài trời và nhâm nhi những ly cà phê sữa đá và những ly trà đá”, anh nói thêm.
Dustin đưa ra một kết luận khác sau 10 năm sống ở Việt Nam là các cửa hàng Starbucks thường hiện diện ở những khu vực có nhiều người nước ngoài sinh sống.
Trên kênh YouTube có gần 800.000 người theo dõi, Dustin cũng đăng tải những video đạt hàng trăm ngàn lượt view nói về việc Starbucks không thành công ở Việt Nam.
“Tôi biết có một thực trạng ở Starbucks, người ta chụp ảnh tự sướng rồi đăng Facebook để mọi người biết rằng họ vừa uống ở đó”, Dustin nói với BBC.
Quán cà phê trang trí độc lạ
Bên cạnh yếu tố giá cả, những người nước ngoài tại Việt Nam cũng đánh giá cao những nhà hàng có thiết kế và phong cách trang trí sáng tạo.
Dustin nhận xét rằng: “Ở Việt Nam bạn có thể tìm thấy các cửa tiệm cà phê có thiết kế cực kỳ thú vị, hấp dẫn khác hơn là cách bài trí điển hình của Starbucks. Còn ở Mỹ cũng có những quán trang trí độc đáo nhưng ít hơn đáng kể”.
Quán Lost and Found của Tyler cũng nằm trong số những tiệm cà phê được biết đến với phong cách trang trí độc lạ.
Tọa lạc trong một tòa chung cư cũ ở quận 1, quán Tyler và vợ Phương Thảo trang trí theo phong cách tái hiện thời bao cấp, với những hoạt tiết con công hay những món đồ cổ như cửa sổ lá sách, bàn ghế gỗ, tivi cổ, dàn máy casset, tranh ảnh tường, máy đánh chữ…
“Con hẻm và tòa chung cư thấp tầng từ thời Pháp thuộc đã khiến quán cà phê của tôi trở nên đặc biệt. Chúng tôi thấy không gian này và quyết định giữ lại nét hoài niệm này cho quán cà phê của mình.”
“Khi bước vào, bạn có cảm giác như mình đã quay ngược thời gian đến một góc khuất giữa lòng thành phố, một nơi rất yên bình và thư giãn để ngồi với bạn bè và tận hưởng thời gian của bạn”, Tyler nói thêm.
Tình yêu với cà phê
Trò truyện với BBC, Tyler cũng chia sẻ về cơ duyên mở quán cà phê tại Việt Nam, nơi anh ban đầu chỉ dự định đến du lịch trong vài tháng.
“Thành thật mà nói khi đặt chân đến Việt Nam bảy năm trước, nếu có người hỏi về ý định mở một quán cà phê ở Việt Nam, tôi sẽ trả lời điều đó thật điên rồ”.
Nhưng qua những lần thưởng thức cà phê Việt, chàng trai Mỹ đã bị hấp dẫn bởi thức uống này.
“Kỷ niệm đầu tiên của tôi trong ngày đầu tiên đến Việt Nam là ngồi trong quán cà phê Rainforest ở Gò Vấp và vô cùng ấn tượng trước cách bày biện cà phê phin và bình trà xanh đá miễn phí trên bàn”, Tyler kể lại.
Sau khi mở quán bar tại Việt Nam, chàng trai Mỹ bắt đầu nghĩ nhiều hơn về lý do đưa anh đến công việc này, đó là tình yêu với cà phê và học cách trở thành một người pha chế.
Anh chia sẻ: “Tôi cho rằng những người pha chế rượu giỏi trước hết là những người pha chế cà phê. Tôi may mắn gặp được những người trong ngành và học được những thứ cần thiết để bắt đầu mở quán cà phê của riêng mình tại Việt Nam”.