Đăng ngày: 08/07/2023
Ngày 06/07/2023, phát ngôn viên chính phủ Pháp, Olivier Veran, thông báo có hơn 4.000 người, chủ yếu là thanh niên, đang hoặc sẽ phải ra trình diện trước Tư Pháp vì dính líu đến các vụ bạo loạn sau vụ một thanh niên 17 tuổi gốc Algérie bị bắn chết tại ngoại ô Paris vì bất tuân lệnh cảnh sát.
QUẢNG CÁO
Còn theo bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérard Darmanin, trong các vụ bạo loạn, đã có tổng cộng hơn 12.000 xe hơi bị phóng hỏa, 105 tòa thị chính và hơn 2.500 tòa nhà bị phóng hỏa hoặc bị đập phá, trong đó có 273 cơ sở của các lực lượng an ninh và 168 trường học.
Cuộc khủng hoảng bạo loạn đã khiến tổng thống Macron phải hoãn chuyến công du cấp Nhà nước 3 ngày tại Đức. Vụ bạo loạn kéo dài nhiều ngày tại Pháp cũng được truyền thông, báo chí nước ngoài theo dõi sát sao. Chính quyền các nước cũng có nhiều phản ứng, quan điểm khác nhau.
Báo chí Mỹ : Nước Pháp đang trải qua “thời khắc George Floyd”
Tại Algérie, nước nguyên quán của gia đình nạn nhân Nahel, theo thông tín viên RFI Fayçal Metaoui, báo chí nói tới “một cơn khát sự công bằng ở các vùng ngoại ô” ở Pháp, “ngọn lửa kỳ thị chủng tộc đang thiêu đốt nước Pháp”.
Theo Le Figaro hôm 06/07, nhiều chính quyền chuyên quyền, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, lên án Pháp phân biệt đối xử với người nước nhập cư.
Nhìn sang Mỹ, thông tín viên Carrie Nooten cho biết báo chí Hoa Kỳ nhận định nước Pháp đang trải qua “thời khắc George Floyd”, liên hệ vụ việc tại Pháp lần này với làn sóng phản đối tình trạng cảnh sát có hành vi bạo lực, phân biệt chủng tộc sau vụ người Mỹ gốc Phi George Floyd bị một cảnh sát da trắng chết chết cách nay 3 năm. Đài ABC nhận định “Mỹ không phải là nước duy nhất phải đấu tranh chống sự tàn bạo và kỳ thị sắc tộc trong giới cảnh sát”.
Từ Washington, nhà báo Phạm Trần tường trình :
« Tất cả báo chí Hoa Kỳ và các đài truyền hình, phát thanh đều rất quan tâm đến các vụ bạo động, biểu tình, vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên. Báo chí ở Mỹ tường thuật rất đầy đủ, không thiếu chi tiết gì. Họ theo dõi hàng ngày, họ có phóng viên địa phương và họ có lấy tin của các hãng thông tấn quốc tế, của cả hãng thông tấn AFP của Pháp, Reuters của Anh và AP của Mỹ …
Người dân Mỹ quan tâm đến vụ ở Pháp và phản ứng trên báo chí. Họ có nghĩ đến những vụ biểu tình bạo động ở Hoa Kỳ, bất cứ vụ biểu tình nào bắt nguồn từ các bất ổn xã hội, ví dụ như vấn đề kỳ thị, thất nghiệp, việc chính phủ đưa ra những quyết định không hợp với ý muốn của người dân. Và tình hình ở Pháp, theo người dân và báo chí Hoa Kỳ những ngày qua, họ thấy cũng có những chỉ dấu giống như những vụ bạo động ở Hoa Kỳ, cũng về những vấn đề xã hội, công ăn việc làm, thất nghiệp, hay vật giá leo thang … thành ra báo chí Mỹ, người dân Mỹ họ quan tâm, theo dõi.
Đài truyền hình Mỹ loan tin hàng đêm về bạo động bên Pháp, họ nghĩ đến bản thân họ và nơi họ sinh sống. Người dân Mỹ hết sức nhạy cảm, vì dân Mỹ là tạp chủng. Mà Mỹ lại có một vấn đề nữa là nạn kỳ thị chủng tộc. Tuy là bề mặt không nổi lên nhưng bên trong vẫn có những vấn đề kỳ thị chủng tộc giữa người da trắng và người da màu, hoặc người từ các nước khác nhập cư vào Hoa Kỳ ».
Nga : Vụ bạo loạn tại Pháp cho thấy dân chủ phương Tây không phải là ưu việt
Nhìn sang Nga, trong bối cảnh chiến tranh Ukraina và vụ binh biến gần đây của công ty lính đánh thuê Wagner, vụ bạo loạn tại Pháp đương nhiên không phải chủ đề được quan tâm nhiều nhất, nhưng chính giới Nga cũng xem đó là một ví dụ minh họa cho sự suy đồi của phương Tây mà chính quyền Nga cần chống lại.
Thông tín viên đài RFI tại Matxcơva, Jean-Didier Revoin hôm 03/07, cho biết thượng nghị sĩ Nga Alexei Pouchkov trên Telegram xem vụ bạo loạn tại Pháp là kết quả của chính sách « nhập cư không kiểm soát », và chính « đa văn hóa », « hội nhập », « bao dung » và nhiều « ý thức hệ khác » đã dẫn đến « các vụ bạo loạn tàn phá » nước Pháp.
Trả lời RFI tiếng Việt, anh Trần Tuấn, một người Việt sinh sống tại Matxcơva hôm 06/07/2023 cho biết thêm :
« Ở Nga, tất nhiên cũng có chiếu những hình ảnh, những đoạn phim về các cảnh bạo động ở các thành phố lớn ở Pháp. Trên TV, trên báo chí cũng đều có đề cập đến cái đó, tuy nhiên hiện nay trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Nga thì chủ yếu nói nhiều về chiến tranh Nga và Ukraina hơn. Sự kiện kia thì cũng chỉ được nêu lên như những tin tức về những điều gì đang diễn ra ở châu Âu và phương Tây nói chung.
Chính quyền cũng có sự hả hê nhất định rằng ở Pháp có chuyện xảy ra như vậy thì sẽ khiến cho Pháp và các nước phương Tây cũng không dành nhiều sự chú ý hơn đến Ukraina. Và những khó khăn, hỗn loạn như vậy trong nước, chẳng hạn tại Pháp, đều có thể làm các nước kia sẽ phải tập trung vào những vấn đề nội bộ của mình hơn so với việc giúp đỡ Ukraina.
Chính quyền đã nói là các giá trị dân chủ phương Tây cũng không phải điều gì đó ưu việt so với Nga hiện nay. So sánh với tình hình ở nước Nga thì cũng có rất nhiều dân nhập cư đến từ Trung Á, Liên Xô cũ, nhưng tại Nga thì hầu như không xảy ra bạo động như Pháp, như những đợt bạo động lớn như lần này và hồi năm 2005.
Tuy nhiên, nước Nga cũng rút ra những bài học cho riêng bản thân mình trong cách đối xử với người nhập cư, tạo những điều kiện cho người ta hòa nhập vào cuộc sống và làm việc một cách bình đẳng, một sự bình đẳng tương đối trong xã hội Nga.
Và bản thân Nga, hiện nay, trong lúc này thì cũng đã có những cuộc bố ráp nhất định đối với người nhập cư bất hợp pháp làm việc bất hợp pháp tại Nga ».
Ba Lan : Cơ hội chính phủ bảo thủ tuyên truyền chống nhập cư
Nhìn đến Ba Lan, đảng Pháp Luật và Công Lý cầm quyền nổi tiếng cứng rắn với chính sách chống nhập cư, đương nhiên tận dụng dịp bạo loạn tại Pháp để tuyên truyền.
Martin Chabal, thông tín viên đài RFI, hôm 03/07, tường thuật rằng thủ tướng Ba Lan xem người nhập cư bất hợp pháp là nguồn cơn bạo lực trên đường phố Pháp. Trên Twitter, ông cho đăng video so sánh cảnh bạo loạn ban đêm tại Pháp cách đó vài ngày với cảnh đường phố Ba Lan yên tĩnh, bình an được ngợi ca là sản phẩm của chính sách an ninh của Vacxava.
Tuy nhiên, chị Tôn Vân Anh, sống tại thủ đô Ba Lan, ghi nhận hiện vẫn có hai luồng ý kiến trái chiều về vấn đề nhập cư :
« Luồng theo chính phủ và đảng cầm quyền, là đảng xưa nay vốn dĩ không thích người nước ngoài, thì nhân dịp này họ nhấn mạnh những mặt tiêu cực của việc nhận người di cư và họ coi đây là hậu quả của việc nhận người di cư một cách không kiểm soát và rằng người di cư sẽ không bao giờ có sự hội nhập một cách tốt đẹp cho nước sở tại.
Luồng dư luận thứ hai thì vẫn bênh vực cho một xã hội đa văn hóa và họ cho rằng người nước ngoài vào Ba Lan có thể làm Ba Lan mở rộng thêm, phong phú thêm, không còn quá đơn sắc tộc như từ trước tới nay.
Có điều là Ba Lan đang ở trong hoàn cảnh có hàng triệu người Ukraiana được đón nhận một cách rất cởi mở. Tất nhiên cũng có những ý kiến trái chiều, không ủng hộ cho việc nhận người Ukraina. Đồng thời, ở phía Bạch Nga, phía Bắc Ba Lan, thì có rất nhiều người tị nạn từ các nước Trung Đông tới, họ là người gốc Hồi giáo, có cả người theo đạo Thiên Chúa, nhưng vì họ là người vùng Trung Đông nên họ không được Ba Lan tiếp nhận. Đó cũng là một trong lý do khiến đề tài này luôn được hâm nóng ở Ba Lan.
Một mặt, người dân Ba Lan rất ngán ngẩm trước những hình ảnh trên TV, báo chí, mạng internet và họ cảm thấy đáng tiếc cho nước Pháp là một nền văn minh như vậy mà không dẹp được bạo loạn. Còn những người phân tích nhiều hơn thì coi rằng đây là hậu quả của việc trong một thời gian dài bỏ bê người nước ngoài và người nước ngoài đã không biết cách hội nhập một cách chính đáng với nền văn hóa khác.
Hoặc người ta cũng phân tích là những người gây bạo động đó là người Pháp chứ không phải người nước ngoài. Không được nói họ là người nước ngoài, họ không phải là người mới sang mà là thế hệ thứ hai thứ ba rồi.
Hoặc có luồng phân tích khác của Ba Lan nói về một sự kỳ thị, miệt thị ẩn trong cuộc sống hàng ngày tại châu Âu, và trong đà phân tích như vậy họ cũng đưa ra những ví dụ tích cực về cộng đồng người Việt tại Ba Lan, về cộng đồng châu Á nói chung. Đôi khi những đề tài đó cũng đưa người Việt lên một chút ».
Luân Đôn chú ý đến sự an toàn của du khách Anh tại Pháp
Tại Anh Quốc, truyền thông cũng cập nhật liên tục về tình hình căng thẳng tại Pháp. Cách đây 3 tháng, các cuộc biểu tình, đình công chống dự án cải tổ hưu trí tại Pháp đã khiến chính quyền Macron hủy chuyến thăm Pháp của quốc vương Anh Charles III, dù ông đã chọn Pháp cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị quốc vương Anh. Lần này, chính quyền Anh hết sức lưu ý đến sự an toàn của du khách Anh tại Pháp.Từ Luân Đôn, luật sư Hoàng Đức Thắng cho biết :
“Trong những ngày vừa qua ở Luân Đôn, báo chí truyền thông đưa tin nóng hổi, có mục tin nóng trực tuyến, đưa tin gần như suốt ngày trong một số ngày liên tiếp, chỉ đến vài ngày gần đây thì việc truyền tin trực tiếp đó mới ngừng lại. Theo chúng tôi, việc truyền tin như vậy phản ánh trung thực tình hình bạo loạn ở nhiều góc nhìn khác nhau của chính giới Pháp, cũng như chọn lọc một số bình luận của chính giới Anh ủng hộ Pháp vãn hồi trật tự và có các giải pháp ở các khu vực kém phát triển ở Pháp.
Về quan điểm của chính quyền Anh, ngay từ ban đầu, khi bạo loạn mới xảy ra, chính quyền Anh đã cảnh báo người dân về việc đi du lịch kiểu khác. Đến ngày 30/06 thì bộ Ngoại Giao của Anh đã chính thức thay đổi cảnh báo của mình, thông báo bạo loạn diễn ra tại Pháp diễn ra liên tục trong 4 ngày trước đó, các tòa nhà công cộng và ô tô bị nhắm mục tiêu, việc đi lại đường bộ bị gián đoạn và hệ thống giao thông công cộng tại nhiều địa phương bị cắt giảm.
Vì vậy, chính quyền Anh đưa ra khuyến cáo với người dân rằng tuy vẫn có thể du lịch đến Pháp, nhưng cần tránh những địa điểm có thể xảy ra bạo loạn trong bối cảnh thời gian bạo loạn là không thể báo trước được. Các phương tiện giao thông và các khu vực bị ảnh hưởng thì cũng phải tránh, phải theo những lời khuyên và điều hành của chính quyền Pháp, cũng như những cơ sở du lịch và bảo hiểm khi mình du lịch.
Người Việt ở Luân Đôn thì nhìn chung khá lo lắng, buồn rầu cho tình hình tại Pháp, vì mối gắn kết của người Việt với Pháp rất là mạnh mẽ và tình cảm. Mọi người đều có cảm giác chung là khá buồn và đều cảm thấy có gì đó mất mát về hình ảnh của nước Pháp, mặc dù chuyện này đã từng xảy ra ở Mỹ và Anh trong những năm vừa qua. Nhưng tình hình chung là người Việt ở Luân Đôn thì tin tưởng là tình hình này sẽ nhanh chóng được vượt qua, và về cơ bản thì những người Việt mà tôi biết đều không điều chỉnh kế hoạch du lịch, thăm nước Pháp trong tương lai gần”.
Việt Nam – Nhà báo Võ Văn Tạo : Có lương tâm thì không ủng hộ bạo loạn
Báo chí truyền thông trong nước cũng thường xuyên cập nhật tin tức về toàn cảnh bạo loạn tại Pháp. Từ quan điểm của một trí thức, nhà báo Võ Văn Tạo tại Nha Trang nhìn nhận :
« Đa phần người Việt Nam, do nhận thức, cũng được chính phủ Việt Nam trang bị lâu nay (được định hướng), nên họ cũng bất bình, họ cũng ngạc nhiên là vì sao nước Pháp có những chuyện không đáng gì mà lại thành ra nổi loạn và gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cũng như mọi chuyện khác, và cũng làm hàng chục cảnh sát bị thương.
Đấy là người dân, còn chắc chắn chính phủ Việt Nam cũng không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Pháp, nhưng tôi biết là lập trường của chính phủ Việt Nam thì cũng không ưa chuyện đó. Họ luôn luôn nêu cao mục tiêu ổn định, còn sự ổn định đó dẫn tới đâu thì lại là một chuyện khác.
Bản thân tôi, sau khi đi bộ đội chiến đấu về thì tôi học khoa phiên dịch tiếng Pháp, đại học Ngoại Thương Hà Nội, và trong quá trình học thì chúng tôi học ngôn ngữ văn minh Pháp và những cái khác có liên quan đến người Pháp, đất nước, văn hóa Pháp. Tôi biết là có một sự khác nhau cơ bản giữa văn hóa và nếp sống, truyền thống của người Việt Nam với người Pháp. Mỗi nước có một văn hóa, và không có một hành động nào, một động thái nào thỏa mãn mọi giai tầng của xã hội. Đứng ở Việt Nam mà phê phán nước Pháp thì có những cái cũng không được khách quan lắm.
Vấn nạn của nước Pháp và một số nước châu Âu là hiện tượng nhập cư tương đối rộng rãi, thoải mái, ồ ạt và điều đó cũng gây phức tạp cho đời sống nước Pháp. Những phần tử dân nhập cư mà quậy phá luật pháp của Pháp thì không ai có lương tâm lại có thể ủng hộ hành động đó.
Nhiều tờ báo cũng vẫn đưa tin về tình hình nước Pháp đang bấn loạn vì biểu tình, nhưng họ không bình xét và chỉ đưa tin khách quan là có việc như thế, ở đâu và thiệt hại thế nào, chứ họ không bình luận cái đó đúng hay sai thế nào.
Tôi nghĩ điều này cũng tất nhiên thôi vì đó không phải là việc của Việt Nam. Họ không muốn mất lòng nước Pháp, phải tế nhị. Báo chí Việt Nam do đảng Cộng Sản quản lý và kiểm soát chặt chẽ lắm nên nếu tờ báo nào đăng tin thất thiệt cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước thì rất mệt ».