Vận tải biển: IMO thỏa thuận giảm 20% khí thải trước 2030, giới môi trường lên án chậm trễ

Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO/OMI), sau 5 ngày họp tại Luân Đôn, hôm qua 07/07/2023, đã thông qua một thỏa thuận hướng đến từ bỏ năng lượng hóa thạch. Trong lúc thỏa thuận được một số quốc gia hoan nghênh như một bước tiến ‘‘quan trọng’’, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường nói đến một thất bại, bởi thỏa thuận này không cho phép ngành vận tải biển góp phần vào việc thực hiện mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C của Hiệp định Khí hậu Paris.

Đăng ngày: 08/07/2023

\"Ảnh
Ảnh minh họa: Cảng hàng hóa Liên Vân, trinh Sơn Đông, Trung Quốc. VCG via Getty Images – VCG

Trọng Thành

Thỏa thuận, được hơn 170 thành viên của Tổ chức Hàng hải Quốc tế thông qua, đặt mục tiêu không phát thải trước năm 2050, cắt giảm ít nhất 70% (so với mức phát thải 2008) vào năm 2040, và 20% vào năm 2030. Mức phát thải bằng không vào năm 2050 là điều được nhiều người coi là một tiến bộ vượt bậc so với mục tiêu chỉ là 50%, được IMO đưa ra hồi 2018.

Tại trụ sở của IMO, đại diện của nước Đức, Dieter Janecek, nói đến ‘‘một ngày quan trọng với khí hậu’’. Quốc vụ khanh Pháp phụ trách về Hàng hải, Hervé Berville, ca ngợi ‘‘một bước tiến quan trọng hướng đến trung hòa về khí thải’’, một giai đoạn quan trọng trước khi hướng đến ‘‘các biện pháp mang tính cưỡng chế’’, buộc các công ty tàu biển cắt giảm mạnh lượng khí thải.

Hai cái mốc 2030 và 2040, và các biện pháp cưỡng chế là tiêu điểm của các bất đồng. Ba mươi hai quốc đảo Thái Bình Dương, một khu vực bị biến đổi khí hậu đe dọa hàng đầu, cùng với Hoa Kỳ, Anh Quốc và Canada, đặt mục tiêu cắt giảm đến 96% khí thải vào năm 2040, và 37% vào năm 2030, dựa trên khuyến cáo của Nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về khí hậu (GIEC). Liên Âu đề ra các mục tiêu 83% và 29%. Theo AFP, các tổ chức môi trường đặt mục tiêu cắt giảm 50% vào năm 20230, và trung hòa về khí thải vào năm 2040. Tuy nhiên, các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Brazil, Achentina, phản đối các mục tiêu này, vì ‘‘những lý do kinh tế’’.

Các quốc gia xuất khẩu lớn nói trên cũng phản đối dự án đánh thuế cac-bon với vận tải biển, được tổng thống Pháp đề xuất tại hội nghị vì một thỏa thuận tài chính toàn cầu mới ở Paris, được khoảng 70 nước ủng hộ. Dù sao, dự án đánh thuế cac-bon không bị gạt hẳn ra ngoài, mà vẫn được duy trì như giải pháp cần được xem xét và có thể được thông qua trước cuối năm 2025, và có thể có hiệu lực từ năm 2027. Paris hy vọng thuế cac-bon sẽ được thông qua tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về đại dương lần thứ ba, tổ chức năm 2025 tại Pháp.

Mục tiêu cắt giảm khí thải không đủ mạnh và việc thiếu vắng các biện pháp mang tính cưỡng chế gây thất vọng với giới bảo vệ môi trường. Ông Daniele Rao thuộc Carbon Market Watch nhận định đây là ‘‘một thất bại lịch sử’’. Harjeet Singh, một phụ trách của mạng lưới Climate Action Network International nói đến một thỏa thuận không tương thích với các đòi hỏi cấp bách hiện nay. Tổ chức Greenpeace tố cáo một thỏa thuận ‘‘quá yếu’’ trong một lĩnh vực ‘‘từ rất lâu nay hoạt động bên ngoài các giám sát’’. Tổ chức bảo vệ đại dương Ocean Campaigns khẳng định : ‘‘các đại diện của xã hội dân sự hết sức lo ngại’’.

Gần 90% hàng hóa thế giới vận tại qua đường biển. Ngành vận tải biển hiện tại chiếm khoảng 3% lượng khí thải toàn cầu. Theo một số ước tính, với xu thế hiện nay, nếu không có các biện pháp can thiệp, vận tải hàng hải có thể chiếm đến 17% khí thải toàn cầu vào năm 2050. Theo một nghiên cứu của Đại học College London, để giã từ năng lượng hóa thạch, ngành vận tải biển cần đến khoản đầu tư khoảng 100 tỉ đô la/năm.

Bài Liên Quan

Leave a Comment