- Tác giả,Luật sư Ngô Ngọc Trai
- Vai trò,Gửi cho BBC từ Hà Nội
- 8 tháng 7 2023
Trong vụ án Bưu điện Cầu Voi, quá trình khám nghiệm hiện trường cơ quan điều tra đã thu giữ được một số dấu vết máu.
Nếu qua giám định cho thấy đó là máu của một người thứ ba, không phải của hai nạn nhân, thì nhiều khả năng đó chính là máu của hung thủ vụ án.
Bởi vì trong những vụ tấn công giết người như thế này, nhiều trường hợp thủ phạm cũng bị nạn nhân chống đỡ tấn công ngược lại, gây ra những vết thương hở chảy máu và để lại những giọt máu ở hiện trường
Trường hợp bị thương và sau khi nạn nhân đã bị giết, nhiều khả năng thủ phạm sẽ lau chùi vết thương, băng bó sơ qua rồi mới rời đi.
Trong vụ án Bưu điện Cầu Voi cơ quan điều tra đã phát hiện được một số dấu vết máu trên nền lối đi và nền nhà vệ sinh.
Lược sử giám định DNA
Từ khoảng năm 1980 một số nước trên thế giới đã bắt đầu áp dụng công nghệ giải mã cấu trúc di truyền của hiện vật (DNA, hay AND) trong việc truy tìm thủ phạm trong những vụ án giết người không có nhân chứng.
Dựa trên kết quả khám phá khoa học lúc ấy người ta đã thấy rằng mỗi người có mã gen khác nhau và để phân tích được mã gen thì chỉ cần một số tế bào người.
Khi đã thấy được khả năng xác định nhân dạng qua DNA, quá trình điều tra những vụ án giết người không có nhân chứng, người ta cố gắng tìm kiếm phát hiện những dấu vết máu, dấu vết nước bọt, dịch hoặc giọt mồ hôi trên cơ thể nạn nhân bị hãm hiếp.
Hoặc đôi khi chỉ là một số tế bào chết như móng tay chân, chân tóc hoặc tế bào da trên vô lăng ô tô hoặc trên hung khí gây án mà thủ phạm đã cầm nắm.
Ở Việt Nam vụ án đầu tiên đã sử dụng công nghệ DNA là từ năm 1999 trong một vụ án loạn luân. Qua giám định đã xác định một người đàn ông là cha của đứa trẻ do con gái người đàn ông đó sinh ra.
Năm 1999 cũng là năm thành lập phòng giám định DNA của Viện khoa học kĩ thuật hình sự Bộ công an.
Tính đến thời điểm xảy ra vụ án Bưu điện Cầu Voi năm 2008 việc thu thập dấu vết để giám định DNA đã có được gần chục năm thực hiện, bởi vậy nên có thể hiểu hoạt động điều tra đã có kinh nghiệm.
Việc lưu ý truy tìm thủ phạm qua DNA đã được chú ý thực hiện trong vụ án Hồ Duy Hải, bằng chứng là cơ quan điều tra đã thu nhận lưu giữ một số dấu vết máu ở hiện trường.
Câu hỏi đặt ra là việc giám định sau đó đã được thực hiện thế nào?
Trưng cầu nhóm máu?
Tại Quyết định giám đốc thẩm vụ án năm 2020, Phần nhận định của tòa án đã nhận xét rằng:
‘Trong quá trình điều tra cơ quan điều tra có một số vi phạm thiếu sót trong khám nghiệm và giám định thu giữ vật chứng và giám định pháp y, đó là không trưng cầu giám định ngay dấu vết máu thu được khi khám nghiệm hiện trường mà để hơn bốn tháng sau mới trưng cầu giám định dẫn đến máu bị phân hủy không giám định được, không ra quyết định trưng cầu để xác định thời điểm chết của nạn nhân’.
Còn tại bản Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì cho thông tin rõ hơn, khi xác định những vi phạm thiếu sót trong quá trình điều tra kháng nghị đã cho rằng:
‘Cơ quan điều tra không trưng cầu giám định ngay dấu vết máu thu được khi khám nghiệm hiện trường mà để bốn tháng sau tức là ngày 5 tháng 6 năm 2008 phân viện khoa học kĩ thuật hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh mới kết luận mẫu dấu vết ghi thu ở ngoài cửa nhà sau và trong nhà vệ sinh Bưu điện Cầu Voi là máu người, không xác định được nhóm máu do đã bị phân hủy’.
Xung quanh vấn đề này tôi có mấy băn khoăn.
Thứ nhất, tại quyết định giám đốc thẩm thì viết rằng vì máu đã bị phân hủy nên không giám định được, còn tại quyết định kháng nghị thì cho biết vì máu đã bị phân hủy cho nên không xác định được nhóm máu, vậy thì phải chăng chỉ không xác định được nhóm máu thôi, còn thì vẫn có thể giám định được ADN?
Thứ hai, việc đưa đi giám định trễ là đã rõ nhưng các cơ quan chỉ nhận định cho rằng đó là vi phạm thiếu sót trong mà chưa làm rõ vì sao lại chậm trễ sơ sót như vậy.
Đúng ra là ngay khi khám nghiệm hiện trường thu giữ được dấu vết máu thì cơ quan điều tra phải đưa đi trưng cầu giám định để xác định mã gen khi chiếu với mã gen của hai nạn nhân nếu không trùng khớp thì đó là mã gen của một người thứ ba chính là thủ phạm gây án.
Khi có được kết quả rồi thì để đó sau này so sánh đối chiếu với mã gen của người tình nghi để kết luận, nhưng không hiểu vì lý do gì lại không đưa đi giám định ngay.
Có thể điều tra viên đã quên, nhưng cho đến khi bắt giữ được Hồ Duy Hải ngày 20/3/2008 khi ấy cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định dấu vân tay của Hải, thế thì lúc ấy đáng ra cũng phải nghĩ đến việc giám định mẫu máu chứ, lúc ấy chỉ mới hơn 2 tháng 7 ngày thì vết máu có thể chưa phân hủy, giám định sẽ cho kết quả, nhưng sao lại vẫn quên.
Như thế tôi thấy việc giám định mẫu máu đã bị quên hai lần đều ở vào những thời điểm quan trọng có khả năng giúp ích cho việc xác định thủ phạm.
Thứ ba, vấn đề băn khoăn đó là đối với giám định DNA như tôi hiểu thì người ta có thể dựa vào những tế bào chết, như những biểu bì trên da, móng tay chân hoặc chân tóc.
Vậy thì mẫu máu thu giữ được dù phân hủy không xác định được nhóm máu nhưng đó vẫn là những tế bào chết liệu có thể giám định được DNA?
Bởi vì dù dấu vết máu bị phân hủy thì đó cũng vẫn là những hợp chất hữu cơ có thể phân tích được thành phần cấu trúc hóa học mà qua đó người ta có thể phân tích được mã gen. Không biết khi gửi mẫu máu đi đưa ra giám định cơ quan điều tra đã đề nghị giám định mã gen hay chỉ đề nghị trưng cầu xác định nhóm máu?
Nếu quyết định trưng cầu giám định chỉ là đề nghị xác định nhóm máu thì thiết nghĩ ở người chỉ có vài nhóm máu cho nên việc trùng nhóm máu là điều dễ bắt gặp, bởi vậy ít có ý nghĩa trong việc xác định thủ phạm.
Còn nếu quyết định trưng cầu giám định là phân tích xác định mã gen và so sánh với mã gen của Hồ Duy Hải thì kết quả giám định phải trả lời rõ rằng không xác định được mã gen.
Cần giám định gen lại
Do không được tiếp cận với hồ sơ vụ án cho nên tôi băn khoăn không biết nội dung quyết định trưng cầu giám định trước đây là gì. Nếu bây giờ đem mẫu máu đã bị phân hủy đó đưa đi giám định mà có được kết quả thì đó sẽ là bằng chứng quan trọng mới giúp đánh giá về vụ án.
Hai năm trước tôi tham gia bào chữa trong một vụ án mà bị cáo đã giết và chôn xác nạn nhân ở bờ sông, rồi đến một ngày sau đó thì đào lên để đốt phi tang, một số cục xương to không cháy hết đã được bị cáo đem tới một khu vực vắng vẻ để đập vỡ sau đó đổ xuống sông.
Quá trình điều tra dựa theo lời khai của bị can cơ quan điều tra đã thu nhặt được một số mẫu nghi xương ở khu vực vỉa hè nơi bị cáo khai báo là đã đập những mảnh xương to.
Sau đó cơ quan điều tra đưa đi trưng cầu giám định mã gen và đối chiếu với mẫu gen của người nhà nạn nhân mất tích thì chỉ sau 10 ngày đã có kết quả giám định, những mẫu nghi xương đó là xương người và có quan hệ huyết thống với những người có mã gen được thu thập đối chiếu so sánh.
Như thế chỉ một mẩu xương nhỏ đã có thể phân tích được mã gen thì lượng máu dù đã phân hủy cũng có thể phân tích được mã gen.
Trở lại với cơ sở căn cứ kết tội Hồ Duy Hải ở thời điểm năm 2008, nếu kết quả giám định dấu vân tay đã không trùng khớp lại thêm kết quả giám định DNA không trùng khớp nữa thì rất khó kết tội Hồ Duy Hải.
Nhưng Hải rất không may, dù chỉ riêng việc dấu vân tay không trùng khớp đã có thể kết luận là không liên quan rồi, còn việc giám định gen để so sánh đối chiếu thì lại có những thiếu sót nên không có được kết quả như đã nêu.
Đến bây giờ thì không biết những mẫu máu đó có còn được lưu giữ hay không, nếu còn thì việc cần làm là đưa đi trưng cầu giám định DNA để xem đó là máu của nạn nhân, của Hồ Duy Hải, hay là của một người nào khác.
Bài thể hiện quan điểm riêng của luật sư Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội.