Ngay sau khi bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen trở về nước sau chuyến công du 4 ngày, mở ra triển vọng tan băng trong quan hệ song phương, bộ Tài Chính Trung Quốc hôm nay 10/07/2023, đã ra một thông báo kêu gọi Washington có ‘‘các biện pháp cụ thể’’ để đáp ứng ‘‘các quan ngại chủ yếu’’ của Trung Quốc về quan hệ kinh tế song phương.
Đăng ngày: 10/07/2023
Hãng tin Anh Reuters dẫn lại thông báo của bộ Tài Chính Trung Quốc: nếu như Bắc Kinh thỏa thuận ‘‘duy trì trao đổi cấp cao và các đối thoại về kinh tế ở mọi cấp độ’’ với Mỹ, chính quyền Trung Quốc cũng ‘‘yêu cầu’’ Washington ‘‘ngừng loại trừ các công ty Trung Quốc, dỡ bỏ các lệnh cấm đối với các sản phẩm liên quan đến vùng Tân Cương”, bị Hoa Kỳ trừng phạt với cáo buộc Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức, vi phạm nhân quyền.
Theo báo mạng Hồng Kông South China Morning Post, thông báo của bộ Tài Chính Trung Quốc cũng cho biết, trong các cuộc hội đàm với bộ trưởng Tài Chính Mỹ, phía Trung Quốc đã kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ thuế quan với nhiều hàng hóa Trung Quốc, ‘‘ngừng hạn chế hoạt động các công ty Trung Quốc, bảo đảm đối xử công bằng trong đầu tư song phương’’. Cho đến nay, Hoa Kỳ đã đưa hơn 1.000 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt hoặc hạn chế xuất khẩu, và đang xem xét nhiều hạn chế mới đối với đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, vì lý do an ninh quốc gia.
Reuters hôm nay dẫn nhận định của ông Bruce Pang, kinh tế gia trưởng và phụ trách về Hoa Lục của công ty Tư vấn Bất động sản Toàn cầu Jones Lang LaSalle, có trụ sở tại Hồng Kông: ‘‘việc nối lại các cuộc đàm phán cấp cao Trung-Mỹ trong nhiều lĩnh vực có thể mở ra cơ hội hợp tác nhiều hơn về các vấn đề song phương và toàn cầu”, và trong hàng loạt vấn đề, Mỹ-Trung có thể đạt được đồng thuận hơn là đối đầu, ‘‘trong đó có biến đổi khí hậu và cắt giảm thuế quan’’.